Pháp luật về lao động của các nước trên thế giới

Mỹ: Tạo điều kiện để người lao động cống hiến

- Chủ Nhật, 16/06/2019, 07:06 - Chia sẻ
Mỹ là quốc gia rất chú trọng đến các chính sách bảo vệ người lao động, bảo đảm quyền lợi cũng như các tiêu chuẩn, điều kiện làm việc để họ yên tâm cống hiến.

Bảo vệ bằng nhiều luật

Hệ thống pháp luật liên quan đến lao động ở Mỹ được xây dựng khá chặt chẽ với nhiều luật bao phủ mọi khía cạnh để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Chẳng hạn, Luật Các tiêu chuẩn lao động công bằng năm 1938 đã đặt ra mức lương tối thiểu và số giờ lao động tối đa trên toàn quốc đối với mỗi cá nhân. Đạo luật này cũng đặt ra các quy định về tiền thanh toán làm việc ngoài giờ và các tiêu chuẩn để tránh lạm dụng lao động trẻ em. Năm 1963, luật được sửa đổi, bổ sung cấm phân biệt mức lương đối với phụ nữ. Bên cạnh đó, Luật Quyền công dân năm 1964 được ban hành để người sử dụng lao động không thể phân biệt đối xử khi thuê hoặc tuyển dụng lao động trên cơ sở chủng tộc, giới tính, tôn giáo và nguồn gốc dân tộc… Ngoài ra, còn có Luật Chống phân biệt tuổi tác trong tuyển dụng lao động năm 1967 được ra đời để bảo vệ người lao động cao tuổi khỏi bị phân biệt tại nơi làm việc. Hay Luật Chống phân biệt đối xử với người đang mang thai năm 1978 là để bảo đảm quyền lợi việc làm cho phụ nữ khi thực hiện thiên chức.

Tiếp đến có thể kể đến một loạt luật như: Luật Sức khỏe và an toàn nghề nghiệp năm 1971 yêu cầu nhà sử dụng lao động duy trì các điều kiện làm việc an toàn; Luật Bảo đảm thu nhập hưu trí năm 1974 cho người lao động, hay ERISA, đặt ra các tiêu chuẩn về kế hoạch lương hưu do các doanh nghiệp hay tổ chức không thuộc nhà nước khác xây dựng; Luật Nghỉ phép để chăm sóc người ốm và gia đình năm 1993 bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong thời gian nghỉ không lương do sinh con, do chăm sóc con, hoặc chăm sóc người nhà ốm nặng. Thậm chí, người khuyết tật cũng không bị bỏ quên khi Luật Người khuyết tật năm 1990 được ra đời để bảo đảm quyền lao động cho người tàn tật…

Mới đây nhất, hồi đầu năm nay, trong nỗ lực bảo vệ người lao động trước các rủi ro gây ra bởi những bất đồng trên chính trường Mỹ, Đồi Capital (Quốc hội) đã thông qua dự luật bảo đảm trả tiền lương cho nhân viên liên bang không được nhận lương do Chính phủ đóng cửa một phần bắt đầu từ cuối năm ngoái và kéo dài kỷ lục tới hơn 1 tháng. Luật cũng bảo đảm cho họ được trả lương do ảnh hưởng bởi bất kỳ đợt đóng cửa Chính phủ nào trong tương lai.

Bảo đảm yếu tố công bằng

Trong số các luật liên quan đến lao động ở Mỹ, điều nhiều người quan tâm nhất là yếu tố công bằng, không phân biệt đối xử. Trước hết có thể kể đến là vấn đề giới trong trả lương và việc làm. Đề xuất sửa đổi Hiến pháp của Mỹ nhằm chấm dứt phân biệt đối xử về giới trong trả lương và tuyển dụng đã từng được Quốc hội thông qua năm 1972 nhưng chưa được các bang phê chuẩn và đến nay vẫn chưa trở thành luật. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của WEF xếp Mỹ đứng thứ 49 trong việc tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, sau cả những nước nghèo hơn nhiều như Botswana và Bangladesh. Gần đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn ngưng thực thi một quy định từ thời người tiền nhiệm Barack Obama, trong đó có nội dung yêu cầu doanh nghiệp lớn báo cáo cho Chính phủ về việc trả lương cho nhân viên theo chủng tộc và giới tính. Điều này khiến nhiều người cảm thấy không hài lòng vì theo báo cáo của WEF, bình đẳng giới về kinh tế có thể giúp GDP của Mỹ tăng 1.750 tỷ USD.

Trong khi các luật của bang và liên bang cấm trả lương khác nhau dựa vào giới tính nhưng thực tế, nhiều phụ nữ Mỹ vẫn thường bị trả lương thấp hơn nam giới. Tất nhiên một phần cũng là do nhiều phụ nữ thường làm những công việc có mức lương trả thấp hơn các công việc khác mà nam hay nắm giữ. Họ cũng phải đối mặt với những rào cản vô hình trong việc được đề bạt vào những chức vụ quản lý hay chức danh nghề nghiệp mà nam giới chiếm ưu thế.

Bình đẳng về lương và công việc còn phải thể hiện đối với người lao động thuộc các nhóm dân tộc và chủng tộc khác nhau, những người chỉ chiếm thiểu số trong dân số nói chung. Bên cạnh các đạo luật chống phân biệt đối xử, từ những năm 1960, 1970, chính quyền liên bang và nhiều bang đã thực thi luật “hành động khẳng định” yêu cầu người thuê lao động có sự ưu tiên trong tuyển dụng với người thiểu số ở những hoàn cảnh nhất định. Bên cạnh vị trí, chế độ của phụ nữ trong lực lượng lao động, đây chính là vấn đề phức tạp đối với các nhà sử dụng lao động và người lao động Mỹ.

Có một điểm rất nhân văn trong hệ thống pháp luật Mỹ là việc thông qua những quy định đem lại sự công bằng, chống phân biệt đối xử đối với người lao động khuyết tật. Luật Người khuyết tật năm 1990 đặt ra 4 mục tiêu quan trọng là cơ hội bình đẳng, sự tham gia đầy đủ, sống tự lập và tự chủ về mặt kinh tế. Nếu doanh nghiệp từ chối người khuyết tật (vì kỳ thị), người khuyết tật có quyền khởi kiện lên Ủy ban Cơ hội việc làm bình đẳng Mỹ. Những công ty tư nhân thuê người khuyết tật làm việc sẽ được nhà nước hỗ trợ thông qua hình thức giảm thuế.

Theo bà Helena Berger, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Mỹ, số liệu tháng 7.2018 cho thấy, tỷ lệ người khuyết tật tham gia thị trường lao động ở Mỹ là 20% trong khi tỷ lệ tham gia thị trường lao động của những người không khuyết tật là 69%. Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp của người khuyết tật là 6,5%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở những người bình thường là 3,9%. Điều đó cho thấy, mục tiêu tự chủ về kinh tế tức mục tiêu việc làm vẫn đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với người khuyết tật. Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp Mỹ hiện nay đang dần nhận ra đây chính là lực lượng lao động đặc biệt mà họ chưa khai thác hết. Bởi tuy thiệt thòi về mặt hình thể, nhiều người trong số họ có đầu óc sáng tạo, nhanh nhạy, tư duy đổi mới và linh hoạt để giúp các công ty cải thiện kết quả kinh doanh.

Thái Anh