Mỹ xem xét điều chỉnh chính sách với châu Phi

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 05:42 - Chia sẻ
Trong bối cảnh lục địa đen có những thay đổi nhân khẩu học mạnh mẽ cùng với ảnh hưởng ngày càng tăng trên thế giới, Mỹ đang xem xét điều chỉnh chính sách của mình để phù hợp với "thế kỷ châu Phi".

Nhìn nhận bằng con mắt khác

Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, nước này cần phải đổi mới cả về bản chất lẫn tầm nhìn chiến lược để bắt kịp với một châu Phi đang chuyển mình với dân số đông hơn, trẻ hơn, giáo dục tốt hơn, được đô thị hóa với kết nối mạng di động và internet… Những chuyển đổi nhân khẩu học đó, cùng với nhiều xu hướng chính trị, kinh tế và an ninh trỗi dậy, đang làm tăng tầm quan trọng của châu Phi đối với lợi ích quốc gia Mỹ.

Nguồn: ITN

Dân số châu Phi dự kiến sẽ tăng khoảng gấp đôi, lên 2 tỷ người vào giữa thế kỷ này và Nigeria sẽ vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia lớn thứ ba trên thế giới. Châu Phi sẽ ngày càng trở nên kết nối với thế giới khi điện thoại di động và internet trở nên dễ tiếp cận hơn, cùng với đó cộng đồng toàn cầu của lục địa đen cũng có tầm ảnh hưởng hơn. Người châu Phi sẽ không thể thiếu trong việc giải quyết một số vấn đề hóc búa nhất của thế giới. Họ nắm giữ 3 ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đại diện cho khối hợp nhất lớn nhất tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Những gì xảy ra ở châu Phi không chỉ dừng lại ở ngoài rìa. Thay vào đó, thất bại và tiến bộ của châu lục này đang định hình lại cách thức hoạt động của thế giới. Khi nạn vi phạm bản quyền tràn ra khỏi vùng Sừng châu Phi vào năm 2009, nó đã kích hoạt các cuộc triển khai chống cướp biển đa quốc gia và thúc đẩy ngành vận tải biển áp dụng các giao thức mới. Khi cuộc khủng hoảng di cư diễn ra sâu sắc ở châu Phi, nó đã viết lại chính trị châu Âu, góp phần vào thành công bầu cử cho những đảng theo chủ nghĩa bài ngoại, dân tộc cực đoan. Khi dịch Ebola tấn công lục địa đen năm 2013, nó như chất xúc tác cho việc thiết lập kiến trúc an ninh y tế toàn cầu mới. Động lực này cũng đúng với những phát triển tích cực. Dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money), vốn tiên phong ở Kenya, hiện được sử dụng trên toàn thế giới và xuất khẩu văn hóa châu Phi, bao gồm nhạc pop, văn học và thời trang, đang biến đổi ngành giải trí toàn cầu.

Tiếp đến là sự quan tâm ngày càng nhiều của các quốc gia đối với châu Phi. Thực tế, cả đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ đều đang thể hiện sự quan tâm mới đối với khu vực này. Họ nhận thấy các lỗ hổng thương mại và đầu tư cũng như mối đe dọa ngày càng tăng từ khủng bố, tội phạm, dịch bệnh hay di cư bất thường. Các nước này cho rằng, châu Phi ngày càng quan trọng đối với một loạt mục tiêu kinh tế, an ninh và chính trị. Hơn 150 đại sứ quán mới được mở ở châu Phi từ năm 2010 và ít nhất 65 quốc gia tăng cường giao thương với khu vực từ năm 2010 - 2017. Nhiều đối tác của châu Phi còn mở căn cứ quân sự ở Sahel, Sừng châu Phi và Ấn Độ dương. Họ thường xuyên triệu tập các hội nghị thượng đỉnh với khu vực, như Hội nghị Quốc tế Tokyo của Nhật Bản về phát triển châu Phi (TICAD) hay Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Phi gần đây ở Sochi, để thúc đẩy chương trình nghị sự chung.

Mỹ không thể chậm chân

Theo các nhà phân tích Mỹ, chính sách của xứ sở cờ hoa phải đi trước một bước, không để bị tụt hậu nếu muốn duy trì ảnh hưởng. Khung chính sách và bộ công cụ hiện tại phải được cải cách và loại bỏ những thứ không còn hiệu quả. Mặc dù các cuộc thăm dò gần đây cho thấy quan điểm của châu Phi đối với Mỹ khá tích cực nhưng quan hệ hai bên đã gặp nhiều khó khăn trong 4 năm qua. Từ lệnh cấm đi lại, đề xuất cắt giảm ngân sách cho đến những tuyên bố khó nghe của một số quan chức cấp cao Mỹ, nhiều nhà lãnh đạo và công chúng châu Phi tỏ ra thất vọng với chính sách đối ngoại thờ ơ và bị ám ảnh bởi Trung Quốc của Mỹ. Thật vậy, không có tổng thống Mỹ nào kể từ thời Tổng thống John F. Kennedy ít gặp các nhà lãnh đạo châu Phi tại Phòng Bầu dục trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình hơn Tổng thống Donald Trump.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hầu hết chính quyền Mỹ đều muốn  thúc đẩy dân chủ và quản trị; hòa bình và an ninh; thương mại, đầu tư và phát triển. Mặc dù những lĩnh vực ưu tiên trên vẫn quan trọng, nhưng tầm quan trọng chiến lược của chúng đối với mục tiêu rộng lớn hơn của Mỹ vẫn bị đánh giá thấp. Trong bối cảnh đó, theo CSIS, các ưu tiên và chính sách của Mỹ đối với khu vực cần được tập trung trả lời các câu hỏi sau: Những nguyên tắc nào nên củng cố quan hệ đối tác của Mỹ với khu vực châu Phi? Mỹ nên làm việc với ai và ở đâu để thúc đẩy lợi ích của mình ở đây? Mỹ nên truyền đạt các chính sách của mình đến khán giả Mỹ và châu Phi như thế nào?

Theo giới quan sát, chính sách đối ngoại của Mỹ từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức có thay đổi đáng kể. Theo đó, các trọng tâm chiến lược đã được điều chỉnh cho phù hợp với thời đại mới - “thời đại cạnh tranh nước lớn”. Do đó, châu Phi không còn nhận được sự ưu tiên của Washington như các chính quyền tiền nhiệm. Đối với châu Phi, mặc dù Mỹ đã có sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng” nhưng cho đến nay, chính quyền Washington chỉ đưa ra một vài tuyên bố về lục địa đen. Nhiều nhà bình luận cho rằng, chiến lược mới của Mỹ quá tập trung vào việc ngăn chặn ảnh hưởng về thương mại, an ninh và chính trị của Nga và Trung Quốc, nên không có kế hoạch mở rộng các nguồn lực khác ở đây.

Tuy nhiên, vào tháng 2 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thực hiện chuyến thăm 3 nước Senegal, Angola và Ethiopia trong nỗ lực khởi động lại Chiến lược châu Phi của Mỹ. Và mới đầu tháng 8 này, Mỹ quyết định đầu tư 4,7 tỷ USD vào một dự án khí hóa lỏng tự nhiên quy mô lớn ở miền bắc Mozambique, tiềm năng mở ra mặt trận cạnh tranh mới với Trung Quốc ở châu Phi.

Không chỉ với Trung Quốc, Mỹ còn để mắt đến ảnh hưởng của Nga tại đây. Theo tờ The Bild (Đức), vừa qua, giới quân sự Mỹ tỏ ra lo ngại khi Nga chuẩn bị xây dựng 6 căn cứ quân sự tại 6 quốc gia châu Phi là Cộng hòa Trung Phi, Ai Cập, Eritrea, Madagascar, Mozambique và Sudan. Tính đến nay, Nga đã tiến hành hợp tác quân sự với 21 quốc gia châu Phi. Theo tạp chí Foreign Policy, từ Algeria tới Mozambique, Moscow đã đưa các tàu vận chuyển vũ trang, ký kết các hợp đồng quân sự và theo đuổi các dự án năng lượng cũng như tài nguyên thiên nhiên với các quốc gia này. Mặc dù lục địa đen không nằm trong ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu, song điện Kremlin luôn coi đây là “địa hạt màu mỡ” giúp củng cố quan hệ với đối tác cũ và mới nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt phương Tây, đồng thời tăng cường vị thế địa chính trị.

Trong báo cáo đặc biệt gần đây, The Economist lập luận, châu Phi được thiết lập để đóng vai trò quan trọng hơn nhiều trong các vấn đề toàn cầu, nền kinh tế toàn cầu và cả trong viễn cảnh toàn cầu. Dự đoán, lục địa đen cuối cùng sẽ hoàn thành những gì mà ông Thabo Mbeki lúc nhậm chức Tổng thống Nam Phi năm 1999 đã đề cập về sự khởi đầu của “thế kỷ châu Phi”. Vì vậy, nhiều người Mỹ thúc giục, nước này phải khẩn thiết nắm bắt cơ hội phục hồi chính sách, mở rộng quan hệ hợp tác và làm việc với các đối tác châu Phi để giải quyết thách thức chiến lược trên lục địa và hơn thế nữa.

Ngọc Minh