Chính sách & cuộc sống

Nâng bước doanh nghiệp

- Thứ Sáu, 06/05/2016, 08:26 - Chia sẻ
Sau cuộc đối thoại với cộng đồng các doanh nghiệp (DN), cuộc họp đầu tiên của Chính phủ với các thành viên vẫn nóng bỏng vấn đề lo cho DN, thúc đẩy, tạo động lực mới cho DN vượt lên!

Lấy DN và người dân làm chủ thể, có dân là có tất cả! Tinh thần ấy như truyền lửa xuống người đứng đầu các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước. Một sự phân công trách nhiệm rõ ràng, kiên quyết không để tình trạng “đá chéo” quả bóng trách nhiệm sang chân nhau. Muốn đoạn tuyệt với sợi dây xin - cho níu giằng, bó tay các DN, thì người lãnh đạo các bộ, ngành, hơn ai hết phải hiểu đến tận cùng những thách thức, khó khăn của các DN hiện nay. 4 tháng đầu năm đã có gần 35.000 DN thành lập mới với số vốn trên 248.000 tỷ đồng! Con số ấy càng thấy dân ta quyết tâm khởi nghiệp làm ăn, càng thấy những hiệu ứng về Luật DN, Luật Đầu tư đã đi vào cuộc sống. Nhưng cũng phải mổ xẻ vì sao 23.000 DN gục ngã phải dừng sản xuất trong mấy tháng qua? Có hay không những DN không đáng chết mà phải chết, DN gục ngã, vì không được hỗ trợ kịp thời, hoặc còn bị cơ quan chức năng làm khó, khiến họ phải giơ tay bỏ cuộc? 

 Trên đã quyết tâm, dưới phải chuyển động! Cứ nói cao siêu năm DN, vì DN, đồng hành với DN, nhưng cả khi Thủ tướng đối thoại cùng DN vẫn nghe họ “ta thán” rầu lòng về “cả rừng” giấy phép con, thì Chính phủ sao yên lòng? Bao nhiêu DN còn khó khăn, khó cái gì trong số hơn 500.000 DN đang hoạt động? Các ngân hàng (NH) cứ nói hướng dòng chảy tín dụng vào DN, vào nền kinh tế, song DN vẫn kêu than vì không lo được vốn, không tiếp cận được NH, thì người đứng đầu các NH phải nhìn lại cách làm hiện nay? Ngay cả khi các NH hạ lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%, nhưng các DN lại mong là phải làm sao cầm được vốn vay dễ dàng hơn. DN cũng vì muốn mua sắm thiết bị máy móc để nâng cao chất lượng hàng hóa làm ra, nhưng cái khó trước mắt là thiếu vốn vay trung dài hạn. Có cách gì để giúp các DN  có vốn đầu tư chiều sâu là điều nhiều DN chờ mong ở Chính phủ!

Không thể cái gì cũng trình lên Chính phủ, cũng dồn cả cho Thủ tướng quyết, mà các “tư lệnh” phải nhìn rõ việc của bộ, ngành mình. DN than phiền về phí giao thông, các trạm BOT đan ngang dọc như mạng nhện thu phí quá cao, thì gỡ cách gì? Nhiều lái xe né phí đường cao tốc, đi vào đường dân sinh thì câu chuyện về phí đâu còn là việc nhỏ nữa?

Liệu việc lạm phát thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chỉ diễn ra ở các DN ngành dệt - may, hay đã là “vấn nạn” ở cả  lĩnh vực khác? Quá hiểu nỗi “khổ trần ai” của các DN, nên Chính phủ quy định chỉ được thanh tra, kiểm tra DN không quá 2 lần/năm, tránh hình sự hóa các vụ việc được các DN rất hoan nghênh. Cả chuyện mở DN, các cơ quan chức năng không được “bắt ne” DN bổ sung hồ sơ không quá 1 lần.

Chuyển động, bứt phá trong điều hành của Chính phủ là hướng về DN, phục vụ DN, mà cấp thiết nhất là xóa bỏ “rừng đinh” dưới chân để các DN vượt lên. Thủ tục, cơ chế nào không thích hợp Chính phủ cũng quyết thay đổi ngay, đó là tư duy sáng trong chỉ đạo. Trên đã chuyển, dưới không thể mãi ì. Ai nhăm nhắm vụ lợi, không xứng đáng, phải quyết liệt thay ngay người khác. Còn cứ như có vị đứng đầu ngành đang “nại ra” rằng: Cỡ cục, vụ  không vấn đề gì, “đẻ ra” bức xúc, bất cập làm khó dễ các DN lại từ các chuyên viên! Ô hay chuyên viên quyền uy to hơn cục, vụ và cả “tư lệnh” ngành thì vai trò quản lý nhà nước ở đâu, và người đứng đầu chịu trách nhiệm ra sao (?)

Hà Phương