Thực thi pháp luật về bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cán bộ tham gia kiểm soát đặc biệt

- Chủ Nhật, 26/07/2020, 07:44 - Chia sẻ
Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho việc thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi và xây dựng các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Trong đó, Khoản 1 Điều 17 nhấn mạnh: “Tổ chức tín dụng có trách nhiệm tham gia tổ chức bảo toàn hoặc bảo hiểm tiền gửi”. Thực hiện quy định này, ngày 9.11.1999, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 218/1999/QĐ-TTg thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Cơ sở pháp lý

Khoản 13 Điều 13, Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, quy định: “Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Chính phủ”. Với cơ sở pháp lý này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mới chính thức được tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 17/2017/QH14 ngày 20.11.2017 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15.1.2018, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được giao thêm một số nhiệm vụ cũng như tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Đó là, cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; miễn phí bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Để triển khai các nhiệm vụ tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12.3.2019 về tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân. Trong đó, yêu cầu Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: “Phát huy vai trò Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và xử lý khó khăn của các Quỹ tín dụng nhân dân, tăng cường vai trò tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các Quỹ tín dụng nhân dân”. Đồng thời, “tăng cường vai trò và giao nhiệm vụ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các Quỹ tín dụng nhân dân; thực hiện tốt vai trò trách nhiệm đầu mối liên kết hệ thống của Ngân hàng Hợp tác xã trong điều hòa vốn, hỗ trợ cho vay đối với Quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản; tích cực tham gia xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; nghiên cứu việc đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để sử dụng nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm tiền gửi để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

Thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cơ bản, chuyên sâu

Xuất phát từ yêu cầu và thực tiễn Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được giao thêm một số chức năng, nhiệm vụ mới, đồng thời để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng đòi hỏi cần xây dựng được một đội ngũ cán bộ đào tạo cơ bản, chuyên sâu, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn khi triển khai nghiệp vụ mới.

Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu trong việc liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và xử lý khó khăn của các Quỹ tín dụng nhân dân, tăng cường vai trò tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các Quỹ tín dụng nhân dân, việc nâng cao trình độ của cán bộ tham gia kiểm soát đặc biệt là cần thiết, góp phần thực hiện tốt hơn việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã ban hành Quyết định số 731/QĐ-BHTG ngày 15.8.2019 về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng giai đoạn 2019 - 2021. Định hướng của Đề án là phát triển đội ngũ cán bộ tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt có trình độ phù hợp với điều kiện phát triển của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Và, sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ được trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu để tham gia có hiệu quả vào quá trình kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng là toàn bộ cán bộ đã và đang tham gia các ban kiểm soát đặc biệt, cán bộ dự nguồn tham gia kiểm soát đặc biệt, cán bộ thuộc danh sách dự nguồn tham gia xử lý đột biến tại các chi nhánh và Trụ sở chính Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, cán bộ các phòng nghiệp vụ có liên quan đến kiểm soát đặc biệt ở các chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và các phòng, ban tại trụ sở chính.

Nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng được thiết kế nhằm cung cấp đầy đủ các kiến thức nghiệp vụ từ cơ bản đến chuyên sâu, nâng cao cho cán bộ tham gia công tác kiểm soát đặc biệt. Phương pháp đào tạo kết hợp giữa giảng dạy lý thuyết và thực hành thông qua việc trao đổi, thảo luận, trình bày xử lý tình huống thực tế.

Bên cạnh đó, khóa đào tạo còn chia sẻ các kinh nghiệm, trao đổi và đưa ra các giải pháp giúp giải quyết, xử lý các vấn đề khó, tình huống phức tạp phát sinh trong thực tiễn khi tham gia kiểm soát đặc biệt.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tổ chức thành công 2 khóa đào tạo, bồi dưỡng cơ bản cho cán bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng. Dự kiến khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia kiểm soát đặc biệt - Khóa I sẽ diễn ra từ ngày 17 - 22.8.2020 và tổ chức tiếp các khóa cơ bản, nâng cao khác theo kế hoạch.

Với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chắc chắn đội ngũ cán bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia kiểm soát đặc biệt có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Điều này góp phần thiết thực đưa Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản có liên quan khác được thực thi có hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.

Phạm Thị Hồng Nhâm