Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi vì lợi ích người gửi

- Chủ Nhật, 23/08/2020, 08:59 - Chia sẻ
Theo khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), hạn mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo vệ toàn bộ được 90 - 95% số người gửi tiền. Tuy nhiên, hạn mức 75 triệu đồng hiện nay mới bảo vệ được 87,32% số lượng người gửi tiền. Vì vậy nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh tăng hạn mức BHTG cần sớm được thực hiện để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền cũng như thông lệ quốc tế về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

Cơ sở xác định hạn mức BHTG

Việc xây dựng cơ sở xác định hạn mức BHTG là rất cần thiết để thể hiện tính minh bạch và ổn định của chính sách; đồng thời góp phần củng cố lòng tin của người gửi tiền vào hoạt động tiền tệ - ngân hàng trong bối cảnh bình thường, cũng như khi xảy ra sự cố.

Hạn mức BHTG được xác định phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chỉ số lạm phát và các điều kiện kinh tế vĩ mô khác; tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người; sự phát triển của các công cụ tài chính mới; sự tác động của các yếu tố trên đến thành phần và quy mô tiền gửi; mức độ niềm tin công chúng…

IADI đã đưa ra hướng dẫn cụ thể cách thức thiết lập hạn mức BHTG. Theo đó, hạn mức nên có giới hạn và phù hợp với mục tiêu chính sách công. Hạn mức cần bảo vệ toàn bộ được 90 - 95% người gửi tiền nhỏ lẻ, nhưng phải bảo đảm một phần tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo hiểm để duy trì kỷ luật thị trường, giảm thiểu rủi ro đạo đức.

Bên cạnh đó, tổ chức BHTG cần có thông tin cụ thể và chính xác về số lượng người gửi tiền, số tài khoản và giá trị tiền gửi. Hạn mức BHTG phải bảo đảm phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức BHTG, có cơ chế tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đặc biệt trong trường hợp nguồn quỹ không đủ để chi trả tiền bảo hiểm.

Theo thông lệ thế giới, mức chi trả tối đa BHTG gấp 3 - 5 lần GDP/người ở nước đó. Kể từ năm 2008, để “giữ chân” và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền gắn với cuộc khủng hoảng tài chính - ngân hàng năm 2008, hạn mức chi trả BHTG tại Mỹ được nâng từ 100.000 USD lên 250.000 USD và tại các nước thuộc liên minh châu Âu (EU) nâng từ khoảng 35.000 EUR lên 50.000 EUR. Ngay ở châu Á, hạn mức BHTG của nhiều nước cũng khá cao, như Thái Lan hơn 709.220 USD, Indonesia 153.257 USD, Singapore 35.971 USD… Đặc biệt, Đức và Nhật Bản thực hiện bảo đảm toàn bộ tiền gửi của người dân tại các ngân hàng.

Ở Việt Nam, tổ chức BHTG được thành lập năm 1999, với hạn mức chi trả được quy định tại Nghị định 89/1999/NĐ-CP cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) tối đa là 30 triệu đồng cho mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG. Hạn mức này được đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế vào thời điểm xây dựng, tức là tương đương gấp 5,5 lần GDP bình quân đầu người và bảo vệ được khoảng 80% số người gửi tiền nếu ngân hàng bị phá sản, giải thể, trong khi hạn mức chi trả trên thế giới vào khoảng 3 - 12 lần GDP bình quân đầu người.

Năm 2017, hạn mức chi trả tăng lên 75 triệu đồng (sau khi được điều chỉnh lên 50 triệu đồng từ năm 2003 và duy trì trong suốt 14 năm sau đó). Hạn mức này có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền, tiệm cận với thông lệ quốc tế là 90% trở lên, và gấp khoảng 1,5 lần GDP thời điểm cuối năm 2016 (GDP năm 2016 là 2.215 USD). Đồng thời, với hạn mức này, số tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ chiếm hơn 5% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm trên toàn hệ thống, hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Từ khi thành lập đến nay, BHTG Việt Nam đã chi trả gần 27 tỷ đồng cho 1.828 người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể.

Nguồn: ITN

Tăng hạn mức để bảo vệ tốt hơn người gửi tiền

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng giá tiêu dùng trong 3 năm vừa qua, thu nhập và số tiền gửi bình quân của người dân đã tăng, hạn mức này đã không còn phù hợp nữa. Theo đó, hạn mức BHTG 75 triệu đồng hiện nay chỉ bằng 1,25 lần GDP bình quân đầu người năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 2 lần theo thông lệ quốc tế.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, năng lực tài chính của BHTG Việt Nam cũng gia tăng đáng kể. Từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng, tính đến ngày 30.6.2020, tổng tài sản của BHTG Việt Nam đã tăng lên hơn 64 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng nghiệp vụ (thể hiện khả năng chi trả của BHTG Việt Nam theo quy định của Luật BHTG) đạt hơn 58 nghìn tỷ đồng. Đây là nền tảng quan trọng giúp BHTG Việt Nam có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, với triển vọng tăng trưởng tích cực trong trung hạn của Việt Nam và sự gia tăng đáng kể về năng lực tài chính cũng như các nguồn hỗ trợ của BHTG Việt Nam, việc điều chỉnh tăng hạn mức BHTG là hoàn toàn khả thi và cần thiết để bảo vệ tốt hơn người gửi tiền theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Vừa qua, Chính phủ đã công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền BHTG. Theo dự thảo Quyết định, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 125 triệu đồng, tương đương 2 lần GDP bình quân đầu người. Hạn mức này phù hợp với thông lệ, chuẩn mức quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới cũng như thực tế hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, việc tăng hạn mức BHTG là cần thiết để ổn định tâm lý người gửi tiền, góp phần duy trì nguồn vốn huy động từ dân cư cho các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự ổn định của các tổ chức tín dụng, sự phát triển an toàn hoạt động ngân hàng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Điều này cũng phù hợp với chủ trương luôn ưu tiên bảo vệ quyền lợi người gửi tiền của Chính phủ, NHNN và xu hướng hoạt động BHTG trên thế giới hiện nay.

Kiều Phi