Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Nâng mức xử phạt tiền tối đa?

- Thứ Năm, 13/02/2020, 08:21 - Chia sẻ
Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua, Chính phủ đề nghị nâng mức xử phạt tiền tối đa với 10 lĩnh vực và bổ sung mức với 6 nhóm lĩnh vực khác để bảo đảm tính răn đe, giáo dục trong xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tăng mức phạt xuất phát từ tính chất, yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính.

Chưa đủ sức răn đe hay do quá trình thực hiện?

Đề xuất nâng mức xử phạt tiền tối đa với 10 lĩnh vực của Chính phủ chưa nhận được sự đồng tình cao của đa số thành viên Ủy ban Pháp luật khi thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nguyên nhân là bởi các tài liệu trong hồ sơ dự án Luật chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực. Đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa các lĩnh vực trong hồ sơ dự án Luật chỉ nêu chung chung là “để bảo đảm tính răn đe, giáo dục”, “tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm”… Trong khi đó, thay vì nâng mức xử phạt tiền tối đa, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật lưu ý, biện pháp hữu hiệu hơn để bảo đảm tính răn đe và giáo dục của việc xử phạt vi phạm hành chính là thực hiện nghiêm nguyên tắc “mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Q. Khánh

Mặt khác, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhận thấy, một số trường hợp xử phạt với mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hành chính (mức phạt đối với từng hành vi cụ thể) được dư luận phản ánh thời gian qua và góp ý của một số cơ quan, tổ chức, không phải do bất cập về mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành mà do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp. Thực tế, trong khuôn khổ mức phạt tiền tối đa được Luật hiện hành quy định, Chính phủ có thể sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tương ứng để tăng mức phạt đối với hành vi cụ thể, bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và tính răn đe, phòng ngừa, mà không cần thiết phải sửa đổi Luật để nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đó.

Từ thực tế giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, các quy định pháp luật rất đầy đủ, mức xử phạt rất cao, nguyên nhân sâu xa để xảy ra nhiều vi phạm thời gian qua là do khâu thực thi pháp luật còn hạn chế, bất cập, kể cả về phía tổ chức, cá nhân vi phạm. Các tổ chức, cá nhân không tự giác thực hiện các hình thức xử phạt. Các cơ quan chức năng cũng chưa làm hết trách nhiệm, chưa sử dụng hết các mức xử phạt trong quy định của pháp luật. “Ngoài mức xử phạt bằng tiền, đối với công trình xây dựng không đúng quy hoạch, sai giấy phép, hoàn toàn có thể có biện pháp tháo dỡ phần sai phạm. Nếu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương dùng các biện pháp như thế, đâu có các công trình như HH Linh Đàm, 8B Lê Trực”. Nêu thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể.

Vì xử phạt cao nên “nâng ly lên rồi vẫn phải hạ xuống”

Tán thành với việc nâng mức xử phạt tối đa với các lĩnh vực được Chính phủ đưa ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, việc nâng mức xử phạt cao hơn để mang tính răn đe, khiến các đối tượng vi phạm phải biết tránh. Tác dụng này đã có bài học thực tế từ quá trình triển khai thi hành Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. “Mỗi cá nhân khi nâng ly lên chỉ cần nghĩ đến mức phạt hơn 40 triệu đồng và 23 tháng thu bằng lái thì phần lớn sẽ đều đặt ly xuống và tránh xa”. Dẫn ví dụ này, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, mức xử phạt tiền và các hình thức xử phạt khác nếu đủ mức độ răn đe đều có ý nghĩa trong thực tế. 

Tuy vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, chỉ nên điều chỉnh tăng mức tiền phạt tối đa với những loại vi phạm cụ thể, thực sự phải có mức phạt mang tính răn đe cao hơn, không nên áp dụng chung cho một nhóm hành vi như hiện nay. Ví dụ, với tình trạng vi phạm về giao thông tương đối phổ biến thời gian qua, phải chăng đã đến lúc đưa mức xử phạt cao hơn? Tương tự là các vi phạm liên quan đến bình đẳng giới, xúc phạm đến nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em… theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cần nghiên cứu nâng mức phạt tiền tối đa cao hơn. 

Việc điều chỉnh mức tiền phạt tiền tối đa với vi phạm hành chính trong các lĩnh vực sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, giúp ngăn chặn nhiều hành vi vi phạm. Song phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị, cần làm rõ với 10 lĩnh vực điều chỉnh mức phạt tiền tối đa và 6 lĩnh vực bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa như đề xuất trong dự thảo Luật thì có thực sự cấp bách, cần thiết hay không? Có phải do thực thi bất cập nên phải điều chỉnh hay không? Tại sao không điều chỉnh với những lĩnh vực khác? Làm rõ những vấn đề này không chỉ tăng tính thuyết phục đối với các đề xuất của Chính phủ, mà theo Chủ tịch Quốc hội, còn bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính là một trong những đạo luật được áp dụng nhiều nhất thời gian qua, khi mỗi năm có khoảng 7.000.000 văn bản xử phạt vi phạm hành chính được ban hành. 

Thanh Hải