Dự án Luật Kiến trúc

Nặng về thủ tục hành chính?

- Thứ Sáu, 09/11/2018, 08:25 - Chia sẻ
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Kiến trúc sáng qua 8.11, các ĐBQH đều thống nhất cho rằng, việc ban hành Luật là rất cần thiết, nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh tình trạng kiến trúc “mỗi nơi một kiểu”, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, kiến trúc là lĩnh vực đặc biệt, đòi hỏi sự sáng tạo, do đó dự thảo Luật cần có những quy định để giảm bớt các thủ tục hành chính gây phiền hà trong thủ tục cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Đã đến lúc báo động về kiến trúc?

Thực tế cho thấy, nhiều công trình kiến trúc của Việt Nam đã được bảo tồn, duy tu có giá trị lịch sử, văn hóa cao được người dân trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thì hoạt động kiến trúc cũng bộc lộ những bất cập. Đánh giá về thực trạng hoạt động kiến trúc thời gian qua, ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê (TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn chỉ rõ, có những vùng, đô thị, kiến trúc đã làm méo mó, biến dạng, mất đi bản sắc văn hóa Việt Nam. Từ thực tế quản lý hoạt động kiến trúc thời gian qua, đại biểu cho rằng, nhận thức về quản lý, phát triển về kiến trúc của chúng ta chưa đúng mức, có những nơi, quản lý kiến trúc đã bị buông lỏng.

Đồng quan điểm này, ĐBQH Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng, kiến trúc tạo nên bộ mặt đô thị, bộ mặt của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian dài, kiến trúc Việt Nam không được quản lý, điều chỉnh kịp thời nên phát sinh nhiều bất cập. Cứ nhìn vào “nhà ống” từ Nam chí Bắc, trung tâm đô thị, môi trường cảnh quan tại các đô thị bị phá vỡ thì thấy, đã đến lúc báo động về kiến trúc và cần một luật quy định, quản lý chung lĩnh vực này, ĐB Phan Viết Lượng nói.

Nhìn nhận kiến trúc từ góc nhìn văn hóa, ĐBQH Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cho rằng, kiến trúc đi liền với các nội dung văn hóa. Tuy vậy, thời gian qua công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong đó, có tổ chức không gian, cảnh quan kiến trúc, công trình ở đô thị, ở nông thôn còn thiếu thống nhất, chưa có bản sắc… Tuy nhiên, dự thảo Luật mới quy định về mô hình hoạt động, bộ máy quản lý kiến trúc mà chưa có quy định về trách nhiệm cơ quan quản lý hoạt động kiến trúc, hội đồng kiến trúc quốc gia và cơ quan tổ chức thi tuyển, chính quyền địa phương các cấp khi có các hoạt động không đúng với quy định của pháp luật. Câu hỏi đặt ra là, khi có vi phạm xảy ra thì cơ quan nào sẽ đứng ra xử lý và xử lý theo trình tự nào? Theo ĐB Hoàng Thị Hoa, hiện có hàng chục nghìn công trình văn hóa đã được các cấp công nhận, có những công trình kiến trúc hàng trăm năm rất có giá trị, khi bảo tồn có tuân thủ kiến trúc xưa hay không? Nếu không tuân thủ bảo tồn được kiến trúc xưa thì sẽ bị xử lý như thế nào? Việc bảo tồn những di sản kiến trúc này chính là để người Việt Nam và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, về những thăng trầm trong quá trình phát triển. Do đó, việc bảo tồn các di tích, kiến trúc là điều rất cần thiết. Từ quan điểm này, đại biểu đề nghị dự thảo Luật Kiến trúc cần có cơ chế pháp lý rõ ràng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong thực hiện nhiệm vụ này.

Cấp phép hành nghề kiến trúc quá phức tạp

Về hành nghề kiến trúc, dự thảo Luật quy định về đạo đức hành nghề kiến trúc sư cũng phải lấy ý kiến của Bộ Xây dựng. Điều này là không cần thiết, sẽ “đẻ” ra các thủ tục. Cái gì Nhà nước không cần quản lý thì để cho hội nghề nghiệp tự quản lý. Về đạo đức trong hành nghề kiến trúc mà bản thân người hành nghề không tốt thì “anh em” trong ngành kiến trúc tự phân hạng với nhau, không nhất thiết cơ quan nhà nước phải “thòng” vào những chuyện như thế. Trong hành nghề kiến trúc phải đẩy mạnh xã hội hóa.

ĐBQH Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai)

Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Theo quy định của dự thảo Luật, để được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, người đề nghị cấp chứng chỉ cần đáp ứng các điều kiện, trong đó có trình độ chuyên môn đại học chuyên ngành kiến trúc, có thời gian, kinh nghiệm tham gia thiết kế kiến trúc trong thời gian tối thiểu 3 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc, tổ chức thiết kế xây dựng, thiết kế quy hoạch xây dựng; phải đạt yêu cầu sát hạch hành nghề kiến trúc; phải bảo đảm phát triển nghề nghiệp liên tục; không vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Dường như, chúng ta đang đặt ra quá nhiều thủ tục gây phiền hà. Nhấn mạnh điều này, ĐB Phan Viết Lượng cho rằng, dự thảo Luật có nhiều quy định mang tính định tính nhiều hơn là định lượng. Điều này sẽ dẫn đến khó quản lý, khó áp dụng để thực hiện mục tiêu tốt đẹp và bảo đảm tính đặc thù của lĩnh vực này. Việc dự thảo Luật quy định “cứng” một trong những điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc khi người đó có kinh nghiệm tham gia thiết kế kiến trúc trong thời gian tối thiểu 3 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc là không phù hợp. Bởi, kiến trúc là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi sự sáng tạo, không phải cứ có nhiều năm kinh nghiệm là có được sản phẩm đẹp. Thực tế cho thấy, có những người đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng vẫn có thể thiết kế được các công trình kiến trúc đẹp. ĐB Phan Viết Lượng đề nghị, dự thảo Luật nên quy định theo hướng những điều kiện nào thì được hành nghề kiến trúc; đồng thời, nên bổ sung quy định những người không được hành nghề, căn cứ vào điều kiện “được” và “không được” hành nghề thì tiến hành hậu kiểm.

Đồng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Việt Dũng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thủ tục cấp phép hành nghề kiến trúc theo dự thảo Luật “quá phức tạp”. Theo Điều 22 thì đăng ký chứng chỉ hành nghề có nhiều giấy phép con, ngoài bằng cấp, phải có giấy chứng nhận được đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục, có giấy chứng nhận đã thi đạt kết quả sát hạch, có giấy chứng nhận không vi phạm đạo đức. Đại biểu cho rằng, trong điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, chỉ cần bảo đảm yêu cầu sát hạch hành nghề kiến trúc là đủ, không cần quan tâm người đó học ở đâu vì xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 là học suốt đời, học online.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định, một trong những điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc là người đó không vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Về quy định này, ĐB Nguyễn Việt Dũng đặt vấn đề: Ai sẽ cấp giấy chứng nhận không vi phạm đạo đức? Thời hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp của mỗi người được tính như thế nào? Chẳng lẽ, nếu vi phạm cách đây 10 năm thì cả cuộc đời người này không được cấp giấy chứng nhận hành nghề kiến trúc? Quy định này của dự thảo Luật rất mơ hồ, khi triển khai sẽ khó khăn, do đó ban soạn thảo cần xem xét lại quy định này, ĐB Nguyễn Việt Dũng nói.

Hà An