Nên bỏ bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe máy

- Thứ Năm, 28/05/2020, 14:52 - Chia sẻ
TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông cho rằng, việc mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy đã không đảm bảo được mục đích đề ra là bảo đảm quyền lợi cho người điều khiển phương tiện, vì vậy nên tiến tới loại bỏ việc bắt buộc mua loại bảo hiểm này.

- Từ ngày 15.5 - 14.6, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Bộ Công an ra quân thực hiện tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thực tế ghi nhận tại một số điểm bán bảo hiểm, lượng bảo hiểm bán ra tăng đột biến, với nhiều mức giá khác nhau. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngay trong tháng 5.2020 để Bộ Tài chính trình Chính phủ theo hướng đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả cho người được bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm khẩn trương thành lập các đoàn kiểm tra chuyên đề trong tháng 5.2020 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong đó chú trọng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe mô tô, xe gắn máy đối với các doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn...

- Đây là tâm lý chung của đa số người dân. Khi tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được triển khai đồng nghĩa với việc nếu thiếu giấy tờ, cụ thể là bảo hiểm xe máy thì sẽ bị phạt. Do nhiều người dân trước đây không mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy, nay đổ xô đi mua vì lo sợ sẽ bị phạt. Trong khi đa số chủ xe ô tô đều mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe của mình, nhiều chủ phương tiện xe máy lại ít quan tâm tới bảo hiểm hoặc bảo hiểm hết hạn mà không biết nên khi cảnh sát giao thông tổ chức kiểm tra mới nháo nhào đi mua bảo hiểm.

Hơn nữa, việc tổng kiểm tra chủ yếu tập trung vào các đối tượng sử dụng xe không đúng quy định, nhằm mục đích tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc này vẫn luôn được thực hiện thường xuyên thông qua việc lập chốt kiểm tra, tuần tra. Vì thế, việc tổng kiểm tra này nếu không cẩn thận sẽ bị hiểu là "kỳ bội thu" của bảo hiểm.

Tuy nhiên, người dân cũng cần phải đề cao cảnh giác để tránh trường hợp mua phải bảo hiểm giả. Theo đó, một loại bảo hiểm thuộc trách nhiệm dân sự bắt buộc chủ phương tiện phải mua với giá quy định là 66.000 đồng/năm; loại còn lại là bảo hiểm tự nguyện dành cho người ngồi trên xe tương tự như bảo hiểm vật chất xe, cháy nổ... với giá 10.000 đồng/năm/người, 2 người có giá 20.000 đồng.

Tại một số điểm bán bảo hiểm, người bán chỉ lấy bút ra điền thông tin trực tiếp trên giấy bảo hiểm rồi đưa cho khách, thậm chí thời hạn bảo hiểm cũng ghi theo ý khách hàng và người mua không phải khai bất cứ chi tiết nào do đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì vậy, mỗi người dân không nên ham rẻ mà rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

- Hiện nay tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn rất thấp, mới chỉ đạt 30% trong tổng số 60 triệu xe. Trong khi đó, đối với ô tô, cả nước có 3 triệu chiếc với tỷ lệ tham gia là 90%. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy thấp như vậy?

- Có thể nói bảo hiểm xe máy là loại bảo hiểm vừa quen nhưng lại vừa lạ. Quen bởi đây là loại hình trách nhiệm dân sự mà chủ phương tiện xe máy bắt buộc phải mua. Lạ ở chỗ với loại bảo hiểm này thì gần như 100% người mua chỉ để đối phó với cơ quan chức năng, hầu hết chưa sử dụng để nhận bồi thường khi xảy ra tai nạn. Chính điều này đã dẫn tới hệ quả khi tai nạn xảy ra, thiệt hại cuối cùng đều thuộc về người dân. Một điều nguy hiểm hơn, hiện có rất nhiều người hoàn toàn không hiểu thế nào là bảo hiểm xe gắn máy. Và dường như chưa có sự hài hoà lợi ích các bên, trong khi đây là một mảng thị trường khá "béo bở" nhưng với nhiều người thì thủ tục để được bồi thường rất phức tạp nên hầu như không được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến người dân không mặn mà với bảo hiểm xe máy. 

- Năm 2019 vừa qua, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc là 765 tỷ đồng, số tiền đã bồi thường là 45 tỷ. Như vậy, tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu là 6%. Ông đánh giá như thế nào về con số này? 


TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải - Nguồn: Quochoi.vn

- Tỷ lệ bồi thường trên doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc chỉ chiếm 6% tôi cho rằng là quá thấp so với tỷ lệ bồi thường 40 - 70% của các loại bảo hiểm phi nhân thọ khác. Thực tế nếu như thấp do ít tai nạn giao thông xảy ra thì rất đáng mừng, nhưng nếu là do người dân không nhận được bồi thường thì mới là điều đáng nói. 

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy mức trách nhiệm bồi thường ở thời điểm hiện tại chưa theo kịp với chi phí gia tăng của dịch vụ sửa chữa phương tiện hay dịch vụ y tế. Phí bảo hiểm mặc dù đã được niêm yết giá song vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng rủi ro, không dựa trên lịch sử tai nạn của người tham gia giao thông. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có không ít những sai sót ngay từ khâu bán và khâu xử lý bồi thường dẫn đến loại bảo hiểm này không đi vào thực tế. Ngay cả đối với cơ quan nhà nước quản lý và giám sát cũng chưa quản lý đúng tính chất của bảo hiểm bắt buộc. Cụ thể, một khi bắt buộc người dân mua bảo hiểm thì cách thức quản lý phải chặt chẽ đối với người bán và cả trách nhiệm bồi thường cho người mua. Khi đó, bảo hiểm mới phát huy đúng tính chất là đền bù thiệt hại khi không may xảy ra tai nạn cho người điều khiển phương tiện. 

Vì vậy, cần thiết việc nới lỏng các thủ tục để tăng tỷ lệ bồi thường lên 20-30% cùng với việc tăng số người tham gia bảo hiểm từ 30% lên 50 - 60% nên trở thành mục tiêu đặt ra cho toàn ngành bảo hiểm. 

- Có ý kiến cho rằng cần loại bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc, chuyển sang thành tự nguyện. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi đồng tình với quan điểm trên. Bảo hiểm bắt buộc sẽ có những vấn đề bất cập. Thứ nhất, xe máy đã chịu nhiều loại phí rồi, bây giờ lại thêm phí bảo hiểm bắt buộc nữa thì cũng có thể gọi là “phí chồng phí”. Xe máy cũng là loại phương tiện rất thông dụng của người dân và nhiều người nghèo sử dụng cho nên quy định quá nhiều loại phí là không cần thiết, gây ra sự khó khăn, tăng chi phí cho người đi lại. 

Thứ hai, thực tiễn khi có va chạm, tai nạn xảy ra thì các bên thường sử dụng biện pháp tự thỏa thuận để thực hiện trách nhiệm bồi thường của mình chứ không cần thiết phải áp đặt vấn đề bảo hiểm xe máy. 

Thứ ba, thực tế việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe máy đã không bảo đảm được mục đích đề ra. Vai trò của loại hình bảo hiểm bắt buộc này không phát huy được mục đích của việc bảo đảm quyền lợi cho người điều khiển phương tiện. Vì thế, nếu đợi bảo hiểm trong mòn mỏi, vất vả khi làm các thủ tục để được chi trả thì đó là bất lợi cho người dân. Do đó, thay vì để tồn đọng nhiều nguy cơ dẫn đến trục lợi bảo hiểm và gây khó khăn cho người dân thì không nên bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Các bộ, ngành, cơ quan chức năng cũng nên xem xét đến vấn đề sửa đổi các quy định pháp luật, đặt ra lộ trình phù hợp để xử lý vấn đề này. 

- Xin cảm ơn ông!

Thảo Anh