Chọn nhân sự - Lựa nhân tài

Nên cá nhân hóa trách nhiệm của người sử dụng nhân lực

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:21 - Chia sẻ
Để có thể thu hút, khuyến khích chọn được người thực tài, cần cá nhân hóa trách nhiệm. Điều này sẽ giúp người có trách nhiệm sử dụng nhân lực tuyển dụng người có năng lực, tạo được một ê kíp tốt, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, TS. THANG VĂN PHÚC đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân xoay quanh câu chuyện chọn nhân sự - lựa nhân tài.

Thực hiện thi tuyển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý

- Hiện nay, trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu phản ánh rất nhiều bất cập về vấn đề văn bằng, chứng chỉ, nhưng thực tế có cần thiết phải nhiều văn bằng, chứng chỉ như thế không? Quan trọng là có giúp chọn được người thực tài cho bộ máy không, hay lại tạo ra tình trạng “chạy theo” bằng cấp mà không thực việc… thưa ông?

- Đúng là thời gian qua đã nảy sinh hiện tượng trong công tác cán bộ, chúng ta đều làm “đúng quy trình”, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được người thực tài vào vị trí lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Hoặc không ít trường hợp “đúng quy trình” nhưng lại gây dư luận xấu.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể giúp chọn người thực tài vào những vị trí lãnh đạo, quản lý? Tôi cho rằng, cần triển khai mạnh hơn việc thi tuyển vào các vị trí lãnh đạo, và đây phải là một cuộc cạnh tranh lành mạnh thực sự, một cuộc “ăn thua”, cọ xát thực giữa các ứng cử viên ứng tuyển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Trong những năm gần đây, chúng ta đã và đang tổ chức thi tuyển thí điểm vào vị trí lãnh đạo ở một số cơ quan, đơn vị, nhưng không thể cứ dừng mãi ở thí điểm, mà cần sớm tổng kết, nhân rộng.

Soi vào lịch sử, chúng ta có thể học cách tuyển dụng người thực tài từ cha ông ta. Ví dụ, thay vì lấy tuyển cử làm trọng và thực hiện chế độ “nhiệm tử” - tức dùng các con quan, từ nhà Lê, chế độ khoa cử để tuyển chọn quan lại được đề cao, đến nhà Nguyễn đã đặc biệt chú ý tới khoa cử, và dần được nâng lên thành phương thức chính thống, phổ biến trong toàn nước để chọn nhân tài (mở khóa thi Hương, thi Hội, thi Đình). Sau các cuộc thi này, những người đỗ đạt đều được trọng dụng theo khả năng thực tế của từng người, có học vị cao thì được bổ ngay, nhận chức cao và làm quan trong triều đình, nếu thi đỗ với học vị thấp hơn thì làm ở phủ, ở huyện. Thậm chí, trước khi bổ nhiệm, nhà vua trực tiếp đối thoại hoặc chứng kiến một cuộc đối thoại giữa quan lại hiện hành và cá nhân ứng cử vào vị trí quan văn, quan võ để xem kiến thức, quan điểm, cách ứng xử… Hiện nay, một công chức, viên chức muốn được bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo phải có nhiều văn bằng, chứng chỉ - điều này có phần mang tính hình thức.

Một điều quan trọng nữa, để lựa chọn người thực tài vào vị trí lãnh đạo, quản lý, theo tôi, không nên giữ cơ chế tập thể quyết định như hiện nay. Nếu phải chờ cấp ủy có ý kiến sẽ khó tuyển dụng, thu hút được nhân tài, thay vào đó, cần xác định trách nhiệm của người có trách nhiệm sử dụng nhân lực và cơ quan có trách nhiệm tổ chức nhân sự. Không nên giữ trách nhiệm của tập thể ở đây, phải cá nhân hóa trách nhiệm. Việc cá nhân hóa trách nhiệm này cũng sẽ giúp người có trách nhiệm sử dụng nhân lực tuyển dụng người có năng lực, tạo được một ê kíp tốt, giúp họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiếp tục thăng tiến hơn nữa trong công việc.

- Nhân ông nói đến câu chuyện ê kíp, thì rõ ràng, ở góc độ nào đó chọn ê kíp không xấu, mà với một tập thể ăn ý sẽ là tiền đề để công việc vận hành hiệu quả hơn. Nhưng dư luận cũng tâm tư rất nhiều về mặt trái của vấn đề ê kíp này, đó là dễ hình thành “nhóm lợi ích”, “cánh hẩu” để dễ bề khép kín, ăn chia… với nhau?

- Tạo dựng ê kíp thực chất là tạo một nhóm cộng sự cùng hợp tác để hoàn thành công việc, thực hiện những mục tiêu, ý tưởng phát triển của cơ quan, đơn vị hay của cá nhân. Làm việc theo ê kíp không phải là những cá nhân tập hợp lại vì lợi ích nào đó (nhóm lợi ích), để tạo thành “cánh hẩu” cho mình. Đó không phải cách làm cần tôn vinh, ngược lại cần tiêu diệt.

Nhìn ra thế giới, có thể thấy có nhiều mô hình ê kíp làm việc với nhau, thậm chí nó đã trở thành một trong những giá trị quản trị của nhân loại. Một cộng đồng trách nhiệm, cùng chí hướng, mong muốn vươn lên đạt đỉnh cao trên lĩnh vực mình hoạt động mới là một ê kíp đúng nghĩa, là nhóm tinh hoa của cơ quan, tổ chức. Cha ông có nhiều kinh nghiệm và hôm nay cũng đã có nhiều bài học thực tiễn. Chúng ta cần nhanh chóng vận dụng những bài học này, vì thực tế nếu quy thành quy trình cứng nhắc sẽ không thực hiện được.

Sử dụng đúng người, đúng việc

- Trong bối cảnh cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, chọn nhân sự - lựa nhân tài như thế nào cho đúng và trúng đang được đặt ra. Theo ông, mấu chốt việc sử dụng, trọng dụng nhân tài nằm ở đâu?

- Người tài giỏi có những giá trị riêng của mình. Họ trước hết là những người có trí thức đủ rộng. Hai có danh dự, sự tự trọng rất cao. Ba là có nhu cầu cần được tôn trọng. Bốn là, cơ quan, tổ chức phải thực sự muốn sử dụng họ. Nếu cơ quan, tổ chức sử dụng đúng người, đúng việc sẽ càng phát huy năng lực, tài năng của người tài. Chúng ta không lo ngại thiếu nhân tài, sức của dân tộc Việt Nam lớn lắm, ở nước ngoài đang có khoảng 500 nghìn người Việt là những người giỏi đang công tác ở đỉnh cao về công nghệ, chính trị… Do vậy, cần có chính sách trọng dụng nhân tài minh bạch và thực thi nhất quán; đồng thời, có phương thức, cách thức để phát hiện, tìm kiếm, thu hút nhân tài vào các công việc lớn của quốc gia.

- Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư và quá trình hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, việc đào tạo, xây dựng được đội ngũ cán bộ tinh hoa, thực tài để quản trị đất nước là đòi hỏi khá cấp thiết. Theo ông, làm thế nào để tạo dựng được đội ngũ này?

- Để tạo dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới ngày hôm nay không nên chỉ chú trọng vào tổ chức các cuộc thi biên chế, tuyển dụng cán bộ, mà hãy xuất phát từ yếu tố nền tảng là không ngừng nâng cao dân trí. Muốn vậy, trước hết, chúng ta phải trang bị những tri thức, kinh nghiệm phát triển của nhân loại cho từng người dân, không chỉ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đừng đặt kiến thức trang bị cho người dân trong một khuôn mẫu nào, hãy mở cách tiếp cận tri thức đúng với quan điểm mở cửa của chúng ta. Tiếp cận tri thức theo phương thức này không cần lo lắng sẽ làm mất giá trị truyền thống, ngược lại sẽ “được” nhiều hơn “mất”. Hơn nữa, các ranh giới phát triển trên thế giới hiện đã bị xóa nhòa, cơ hội được trao công bằng cho mỗi quốc gia, mỗi cá nhân, miễn là nắm bắt được xu thế, tiếp cận được tri thức của thế giới, trên tinh thần giữ vững độc lập, tự chủ.

Thứ hai, theo tôi, về lâu dài, cần coi phổ cập tiếng Anh là quốc sách, vì đây được coi như ngôn ngữ quốc tế, trở thành phương tiện, công cụ để tiếp cận với những thông tin, kiến thức mang tính toàn cầu. Việc này có thể thực hiện thông qua triển khai dạy song ngữ trong trường phổ thông như cha ông ta từng giảng dạy bằng tiếng Pháp ở nhà trường trong những năm đầu thế kỷ XX. 

- Xin cám ơn ông!

Thanh Hải thực hiện