Trò chuyện đầu tuần

Nên lấy ý kiến nhân dân về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

- Thứ Hai, 20/05/2019, 06:25 - Chia sẻ
Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, khai mạc sáng nay, 20.5. Đây là dự án Bộ luật đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể chế hóa đường lối của Đảng và thực thi tinh thần Hiến pháp về tiêu chuẩn lao động, quan hệ lao động, an sinh xã hội trong bối cảnh phát triển mới và hội nhập quốc tế. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội BÙI SỸ LỢI, cần đánh giá đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới trên cơ sở tham vấn ý kiến đối tượng chịu sự tác động và phản biện xã hội. Thậm chí, có thể xem xét tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các nội dung, chính sách mới của dự án Bộ luật.

Quan điểm khác nhau là bình thường

- Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), từng được nhận xét là có quy trình “vô tiền khoáng hậu”, sẽ được trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy này. Từ góc độ của cơ quan thẩm tra, đánh giá tổng thể về dự luật này, ông thấy thế nào?

- Về cơ bản, hồ sơ đề nghị thẩm tra dự án Bộ luật đã được chuẩn bị đầy đủ, có bổ sung, cập nhật thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, do thời gian lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan gấp, các nội dung góp ý tập trung vào 6 vấn đề cơ quan soạn thảo xin ý kiến, chưa hết thời hạn đăng tải, lấy ý kiến và tổng hợp, giải trình ý kiến nhân dân, nên để bảo đảm chất lượng của dự thảo Bộ luật làm cơ sở để QH xem xét, cho ý kiến, chúng tôi đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo 3 việc. Một là, đánh giá đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới trên cơ sở tiếp tục tham vấn rộng rãi ý kiến của đối tượng chịu sự tác động và phản biện xã hội, nhất là với những chính sách mới, chưa có thực tiễn thi hành; trong đó, cần chú trọng nêu nội dung lấy ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến. Hai là, cập nhật, tổng hợp và giải trình bổ sung đầy đủ các ý kiến góp ý và thực hiện thủ tục đăng tải nội dung giải trình, tiếp thu trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của cơ quan chủ trì soạn thảo để Nhân dân biết và tham gia đóng góp. Ba là, tiếp tục nghiên cứu đánh giá về thực trạng quan hệ xã hội của một số vấn đề nổi lên thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án; bảo đảm hoạt động đánh giá tác động chính sách đã được lấy ý kiến phản biện đúng quy định.


Ảnh: Quang Khánh

- Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật đã được Chính phủ nêu rõ trong Tờ trình. Theo ông, như vậy đã đủ chưa?

- Theo tôi cơ bản là đủ. Tuy nhiên, việc sửa đổi toàn diện Bộ luật Lao động vào thời điểm này cần quán triệt sâu sắc đường lối “phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội”, “tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn. Có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tạo động lực để phát triển” theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011); đồng thời, cần nỗ lực thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là những quan điểm chỉ đạo quan trọng khi xem xét, điều chỉnh các chính sách cụ thể để hướng đến bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, củng cố, phát triển các tiêu chuẩn lao động nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

- Qua phiên họp thẩm tra có thể thấy còn một số nội dung, quan điểm của cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra chưa gặp nhau. Ví dụ như quan điểm về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng đã khác nhau, thưa ông?

- Quan điểm khác nhau là bình thường, quan trọng là đề xuất nào, quan điểm nào thuyết phục hơn, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước hơn.

Như ví dụ bạn nêu, Chính phủ đề xuất giữ nguyên phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như Bộ luật hiện hành, tập trung vào nhóm đối tượng có quan hệ lao động (khoảng trên 15 triệu người); bên cạnh đó sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm tạo khả năng nhận diện, bao phủ các hình thức quan hệ lao động mới trên thực tiễn (người làm việc theo hình thức liên kết kinh doanh với doanh nghiệp công nghệ số, người làm việc tự do theo dự án, công việc cụ thể...), khắc phục tình trạng giao kết hợp đồng dịch vụ, hợp đồng cộng tác, hợp đồng tư vấn... để “lách” các quy định về hình thức hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, ở góc độ của cơ quan thẩm tra, chúng tôi thấy rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khả năng mở rộng đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động bao gồm cả người lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động.

Tại sao lại như vậy? Chúng tôi cho rằng, cần thể chế hóa sự tôn trọng, bảo vệ của Nhà nước đối với quyền lao động của mọi công dân theo tinh thần Điều 34, Điều 35 và Điều 57 Hiến pháp năm 2013. Hơn nữa, đây là nhóm lao động dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường, chiếm tỷ trọng lớn, cần được tạo cơ chế pháp lý bảo vệ tốt hơn quyền bảo đảm an sinh xã hội. Theo quan điểm của Chính phủ, Bộ luật Lao động là luật “gốc” điều chỉnh mọi vấn đề về lao động, việc làm, hiện nay nhiều luật chuyên ngành trong lĩnh vực lao động đã điều chỉnh với lao động khu vực phi chính thức nên cần tiếp tục phát triển định hướng này để tạo nên khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả hơn. Dự thảo Bộ luật cũng đã có nhiều quy định về tiêu chuẩn lao động được áp dụng với nhóm lao động này. Vì thế, cần tiếp tục định hướng này để tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, hiệu quả hơn, tiếp cận, thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động và các hình thức việc làm mới.

Đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới

- Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) có thể nói là được chuẩn bị khá gấp gáp. Điều này có ảnh hưởng gì đến chất lượng dự thảo không, thưa ông? 

  - Theo đánh giá của tôi thì nội dung dự án Bộ luật đã bám sát yêu cầu thể chế hóa nhiều nghị quyết trung ương có liên quan, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, sự tương thích với một số điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và dự kiến gia nhập trong thời gian tới. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng còn một số vấn đề cần được rà soát, đánh giá.

- Cụ thể là những vấn đề gì, thưa ông?

- Việc sửa đổi thẩm quyền quyết định và công bố mức lương tối thiểu từ Chính phủ sang Thủ tướng Chính phủ theo Khoản 2, Điều 91 dự thảo Bộ luật là không phù hợp với Điều 8 Luật Tổ chức Chính phủ. Việc duy trì quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của thanh tra lao động tại Điều 50 dự thảo Bộ luật không phù hợp với Điều 561 Bộ luật Tố tụng dân sự vì Bộ luật Tố tụng dân sự đã bỏ thẩm quyền này. Vấn đề tuổi nghỉ hưu mang tính đặc thù đang được quy định trong nhiều văn bản pháp luật như Luật Sĩ quan quân đội nhân dân, Luật Công an nhân dân; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Cơ yếu, cũng như một số nghị định của Chính phủ cho phép kéo dài tuổi nghỉ hưu trong một số trường hợp không có sự phân biệt giữa nam và nữ. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các văn bản pháp luật này nhưng chưa được đánh giá tác động và đề xuất phương án xử lý để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ. Việc thành lập tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở liên quan đến Luật Công đoàn và Điều 2 Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế, cần được đánh giá để bảo đảm sự tương thích, phù hợp.

- Cơ quan thẩm tra đề xuất QH xem xét, thông qua dự án Bộ luật này theo quy trình tại 3 kỳ họp. Quan điểm của cá nhân ông thì sao?

- Bộ luật Lao động đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể chế hóa đường lối chỉ đạo của Đảng, thực thi tinh thần Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Lần này, chúng ta tiến hành sửa đổi một cách toàn diện, căn cơ với nhiều nội dung mới, phức tạp, có những vấn đề chưa có tiền lệ ở Việt Nam, liên quan đến nhiều luật, bộ luật khác nên cần nhiều thời gian thảo luận thấu đáo, tham vấn rộng rãi, bảo đảm đồng thuận xã hội. Vì thế, tôi cũng cho rằng, càng thận trọng, càng thấu đáo bao nhiêu thì đạo luật mà chúng ta ban hành sẽ càng chất lượng bấy nhiêu. Tất nhiên, thông qua theo quy trình tại 2 kỳ hay 3 kỳ thì còn phụ thuộc vào chất lượng của dự thảo Bộ luật.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Bình thực hiện