Dự án Luật Biên phòng Việt Nam:

Nên thu hẹp phạm vi điều chỉnh

- Thứ Ba, 16/06/2020, 11:45 - Chia sẻ
Sáng nay, 16.6, dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã được trình Quốc hội thảo luận tại phiên họp tổ. Dự án Luật này cũng sẽ được Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể sáng 19.6 tới. Một yêu cầu quan trọng của dự án Luật này là phải bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành (không quy định lại các nội dung đã có trong các luật khác, không chồng chéo với các quy định của pháp luật có liên quan) và phải bảo đảm tính khả thi, hạn chế việc tăng biên chế, tổ chức và kinh phí.

Làm rõ nội hàm khái niệm “biên phòng”

Mỗi luật điều chỉnh một hoặc một nhóm quan hệ xã hội cụ thể để bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch và dễ thực hiện. Như, về biên giới quốc gia, Luật Biên giới quốc gia năm 2003 đã quy định khá cụ thể về chế độ pháp lý, biên gới quốc gia, xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến biên giới quốc gia (theo đó quy định: xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là nhiệm vụ của Nhà nước và của toàn dân, trước hết là của chính quyền, nhân dân khu vực biên giới và các lực lượng vũ trang nhân dân. Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật). Ngoài ra, Luật An ninh quốc gia năm 2004 đã quy định Bộ đội Biên phòng là một trong các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, được áp dụng bảy biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nên dự thảo Luật không cần cân nhắc việc quy định lại việc áp dụng các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới tại Điều 17 hoặc chỉ quy định mang tính viện dẫn.

Bên cạnh đó, nếu giữ tên là “Luật Biên phòng Việt Nam” thì nội hàm cần làm rõ khái niệm “biên phòng” và quy định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, nhiệm vụ của Biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và nhiệm vụ cụ thể, chế độ, chính sách của các lực lượng này và công tác quản lý nhà nước về biên phòng.

Nguồn: tuyengiao.vn

Theo dự thảo Luật thì khái niệm biên phòng “là tổng thể các biện pháp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới”. Cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ, khái niệm này đã bao hàm hết được phạm vi cần thể hiện chưa? Có thống nhất với cách thể hiện khái niệm “quốc phòng” tại Luật Quốc phòng năm 2018 và phù hợp với khái niệm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ…? Vì đây là nội dung rất quan trọng, làm cơ sở để quy định các nội dung khác của dự thảo Luật.

Đã là nhiệm vụ phải có chủ thể thực hiện

Điều 5 dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ biên phòng. Đã là nhiệm vụ thì phải có chủ thể thực hiện, nếu không thực hiện tốt sẽ phải xác định rõ trách nhiệm liên đới để có hình thức xử lý. Tuy nhiên, theo Điều 5 dự thảo Luật thì khó có thể xác định rõ các nhiệm vụ biên phòng, đồng thời có thể chồng chéo với nhiệm vụ của chính quyền địa phương có đường biên giới quốc gia, cơ quan, tổ chức đứng chân tại khu vực biên giới.

Về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, dự thảo Luật quy định gồm: Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng bao gồm hệ thống chính trị, nhân dân là chủ thể. Các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương,lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách. Như vậy, dự thảo Luật quy định toàn xã hội phải có nhiệm vụ thực thi nhiệm vụ biên phòng. Theo đó, tại Chương V dự thảo Luật quy định khá cụ thể chính sách ưu đãi của Nhà nước về biên phòng và lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Hiện nay, hệ thống pháp luật đã quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách khá cụ thể cho tất cả các lực lượng, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện công việc của mình có liên quan theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép; công dân được phép làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Ví dụ, sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ thực có nhiệm vụ và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản chuyên ngành. Trong Công an thực hiện theo Luật Công an nhân dân năm 2018. Lực lượng Dân quân tự vệ thực hiện theo Luật Dân quân tự vệ, trong đó, nhiều nơi đã có các Chốt chiến đấu của Dân quân Thường trực trên biên giới đất liền. Cán bộ, công chức thực hiện theo Luật Cán bộ, Luật Công chức và Bảng lương của Chính phủ… Vậy làm sao có thể bổ sung chế độ, chính sách thực thi nhiệm vụ biên phòng đối với cả xã hội? Quy định như vậy không khả thi và chưa phù hợp với quan điểm của Đảng là tránh quy định về tổ chức, biên chế và chế độ, chính sách, phụ cấp trong các luật chuyên ngành.

Từ những phân tích trên, đề nghị cân nhắc nên thu hẹp phạm vi điều chỉnh, quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động, công tác bảo đảm và chế độ, chính sách đối với lực lực lượng biên phòng, tạo cơ sở pháp lý cao hơn, góp phần thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong khi thực thi nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng.

Thạc sĩ Đoàn Phúc Thịnh -
Phó Vụ trưởng Vụ Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Quốc hội

Đoàn Phúc Thịnh