Nhịp cầu

Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát

- Thứ Sáu, 08/11/2019, 08:09 - Chia sẻ

Tính đến ngày 5.11, toàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn 24 xã, phường có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP); 16 xã, phường đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn chết do dịch; 7 xã đã qua 30 ngày nhưng phát dịch trở lại gồm: Xuân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa); Tiến Hóa, Phong Hóa, Mai Hóa, Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa) và xã Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy)… Theo phản ánh của ông Lê Văn Bảo (xã Nam Hóa, huyện Tuyên Hóa): Gia đình ông chăn nuôi 200 con lợn, cách đây mấy ngày phát hiện một số con lợn có triệu chứng bỏ ăn, nôn mửa, chảy máu ở miệng và bị chết nên đã báo với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý… Tương tự, ông Nguyễn Văn Minh (xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch) cho biết: Đàn lợn của gia đình ông cũng có biểu hiện sốt và tiêu chảy. Sau vài ngày theo dõi, một số con đã bị chết. Chính quyền xã cùng Phòng NN và PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, kết quả cho thấy dương tính với DTLCP.

Thực tế, bệnh DTLCP xuất hiện đầu tiên ở Quảng Bình được phát hiện tại xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa vào giữa tháng 6.2019. Sau đó, dịch bệnh đã bùng phát ở 40 xã, phường thuộc huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và TP Đồng Hới. Trưởng phòng NN và PTNT huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương lý giải: Nguyên nhân dịch bùng phát trở lại được xác định do tác động của mưa lũ, thời tiết ẩm ướt tạo môi trường thuận lợi cho dịch bệnh lây lan. Mặt khác, do quá trình buôn bán, vận chuyển gia súc ở các tỉnh vào địa bàn chưa được kiểm soát tốt; một số trường hợp lợn chết không rõ nguồn gốc vứt ra môi trường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cho rằng diễn biến dịch bệnh rất khó lường do thời tiết thay đổi, chuyển mùa; nguy cơ DTLCP lây lan rộng ra các địa phương vẫn rất cao, Chi cục trưởng chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Trần Công Tám cho biết: Từ khi DTCLP xuất hiện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi phòng chống bệnh DTLCP; thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh; hỗ trợ, phân bổ hơn 40.000 lít hóa chất các loại; gần 120 tấn vôi để thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các địa phương...

Để hạn chế sự lây lan của DTLCP trong giai đoạn hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phòng chống dịch bệnh; tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn; có giải pháp hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Đồng thời, trong tái đàn chăn nuôi lợn cần hết sức thận trọng; không để người dân chăn nuôi trong khu dân cư. “Sở NN và PTNT cần tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương phòng chống bệnh; Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua hóa chất và các trang thiết bị chống dịch…”, ông Ngân nhấn mạnh.

Thực tế, DTLCP đang là vấn đề lo lắng của đông đảo cử tri Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung. Mong rằng, các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, tìm giải pháp xử lý để giảm thiểu sự lây lan, tái bùng phát trở lại của dịch.

Th.Linh