Ngăn chặn gia tăng người nghiện ngoài cộng đồng

- Thứ Ba, 18/08/2020, 05:57 - Chia sẻ
Hiện cả nước ta có trên 234.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều nếu thống kê cả số người nghi nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy. Người nghiện sinh sống ngoài cộng đồng gây nguy cơ mất an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nhiều địa phương, tạo nên những khó khăn, thách thức rất lớn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy...

Gia tăng áp lực nguồn “cầu” ma túy

Cục Cảnh sát Điều tra phòng chống tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, hiện tệ nạn buôn bán, sử dụng ma túy ở nước ta đang có chiều hướng phức tạp. Qua công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo và thực tiễn đấu tranh với tội phạm ma túy cho thấy, tình hình tội phạm ma túy tại Việt Nam tiếp tục chịu tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy thế giới và khu vực, đặc biệt là khu vực “Tam giác vàng”.

Đơn cử, tuyến biên giới Việt Nam - Lào, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tăng mạnh, nhất là ma túy tổng hợp. Đây là tuyến chịu tác động trực tiếp của tình hình sản xuất, mua bán trái phép ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” vào trong nước, lại có sự hậu thuẫn của các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy hoạt động lưu động tại các “điểm nóng” về ma túy dọc tuyến biên giới...

Tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, liều lĩnh.
Nguồn: Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy

Số liệu từ Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho thấy, số người nghiện ngoài cộng đồng cao hơn nhiều lần so với thực tế. Như vậy, nhu cầu cai nghiện của người nghiện ngoài cộng đồng rất cao, song được biết hiện cả nước mới chỉ có 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấp phép hoạt động.

Đáng báo động, thời gian gần đây, gia tăng cả về số lượng người nghiện, tỷ lệ người nghiện ở độ tuổi vị thành niên. Theo số liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, tính đến nay, cả nước có khoảng 234.000 người nghiện có hồ sơ quản lý (so với năm 2019 tăng khoảng 10.000 người). Trong khi đó, tổng số học viên tại 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước chỉ có chưa đến 35.000 người (chiếm 10%). Thực tế này cho thấy, số học viên cai nghiện là quá ít so với số người nghiện có hồ sơ quản lý, chưa kể những trường hợp nghiện ma túy giấu, không công khai trong cộng đồng.

Nhận định về vấn đề trên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, Đại tá Nguyễn Văn Viện cho biết: Nếu thống kê cả số người nghi nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy thì con số còn cao hơn nhiều và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng, đang làm tăng áp lực nguồn “cầu” ma túy trong nước để sử dụng cũng như để mua bán trong nước và đưa ra nước ngoài tiêu thụ. “Người nghiện sinh sống ngoài cộng đồng gây nguy cơ mất an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nhiều địa phương, tạo nên những khó khăn, thách thức rất lớn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy”, Đại tá Nguyễn Văn Viện băn khoăn.

Chính sách chưa sát thực tế

Có thể thấy, bên cạnh mặt trái cơ chế thị trường luôn là mảnh đất cho các loại tệ nạn xã hội phát triển, đặc biệt là tệ nạn ma túy, đã tác động vào tầng lớp thanh niên, thiếu niên lối sống thực dụng, thích ăn chơi, hưởng thụ nhưng không chịu lao động... thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm ma túy ngày càng gia tăng đó là do ý thức giáo dục, quan tâm đến con cái của một số gia đình bị buông lỏng. Vì cuộc sống mưu sinh, một số gia đình do mải mê làm ăn kiếm sống mà quên đi giáo dục, uốn nắn con cái trong quan hệ tiếp xúc bạn bè và khuyên bảo tránh xa các loại ma túy nên một số con cái của họ đã “vô tình” rơi vào cảnh nghiện ngập mà bố mẹ vẫn không hề hay biết.

Ngoài ra, các chính sách pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện ở nước ta còn chồng chéo, bất cập, chưa sát với thực tế. Ðơn cử, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ quan chức năng phải chứng minh được tình trạng nghiện của người nghiện ma túy. Trên thực tế, chỉ cần người nghiện không hợp tác thì rõ ràng không thể xác định được “tình trạng” nghiện, nhất là đối với trường hợp nghiện các dạng ma túy tổng hợp. Trong khi đó, Luật Phòng, chống ma túy lại quy định, việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là trách nhiệm của UBND cấp xã, nhưng thực tế hầu như không có xã, phường nào đủ nguồn nhân lực y tế bảo đảm tính chuyên môn để thực hiện, dẫn đến việc triển khai hình thức, gây lãng phí và tác dụng ngược…

Bên cạnh đó, hiện không có quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Trong khi đó đây là đối tượng cần phải được quan tâm đặc biệt, cần phải điều trị nghiện kịp thời thì mới hiệu quả. Chờ đến 6 năm để đủ 18 tuổi mới điều trị cho người nghiện thì tình trạng nghiện sẽ ngày càng nặng, khó điều trị hơn. Nhất là với xu hướng trẻ hóa ở người nghiện ma túy cũng như tội phạm hiện nay, đây là điểm mấu chốt khiến chính quyền nhiều địa phương cũng như các cơ quan chức năng gặp lúng túng khi thực thi nhiệm vụ.

Để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy nói chung, giảm số lượng người nghiện ma túy ngoài cộng đồng nói riêng, thiết nghĩ Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị chức năng, nhất là lực lượng công an, biên phòng, hải quan thực hiện tốt công tác đấu tranh với các loại tội phạm buôn bán, tàng trữ, sản xuất ma túy. Ðồng thời, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung kịp thời những quy định về luật pháp liên quan công tác cai nghiện; khắc phục những lỗ hổng, độ vênh và bất cập của hệ thống pháp luật liên quan như Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Mặt khác, tăng cường giải pháp phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy, nhằm bảo đảm an toàn, trật tự xã hội; công tác tuyên truyền ở cả gia đình, nhà trường và cộng đồng về phòng, chống ma túy ở các cấp cần được triển khai theo hướng hiện đại, thân thiện hơn với giới trẻ.

Bảo Hân