Sổ tay:

Ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi

- Thứ Năm, 16/07/2020, 08:33 - Chia sẻ
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Chính phủ Na Uy vừa hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình “Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại ở Việt Nam”. Chương trình này được thực hiện 3 năm (2020 - 2022) với nhiều mục tiêu được đặt ra, trong đó có việc hoàn thiện pháp luật.

Cho đến thời điểm này, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi. Trong đó phải kể đến, Điều 40, Luật Bình đẳng giới quy định việc lựa chọn giới tính thai nhi, bao gồm cả việc xúi giục người khác lựa chọn giới tính thai nhi, là trái pháp luật; Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định các hình thức xử phạt cụ thể của hành vi lựa chọn giới tính thai nhi... Đặc biệt Chiến lược Quốc gia về dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020 đề ra mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng sinh học vào năm 2025.

Theo đánh giá của các chuyên gia thế giới, bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện trong nhiều thập kỷ qua, nhưng vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới là một thực hành có hại vẫn tồn tại trong xã hội. Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới đã được xác định là nguyên nhân chính gây mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam. Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã được phát hiện vào năm 2004 và bắt đầu từ năm 2005 trở đi thì sự chênh lệch số bé trai và bé gái đã nhanh chóng tăng lên và ở mức 111,5 bé trai/100 bé gái vào năm 2019. 

Bằng chứng cho thấy, sự mất cân bằng nhân khẩu học này là kết quả của việc lựa chọn giới tính trước khi sinh do mong muốn có con trai, có cội nguồn từ văn hóa truyền thống ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Có ba yếu bao gồm: Sự ưa thích con trai; công nghệ lựa chọn giới tính; mức sinh thấp - đã cùng một lúc tạo nên bối cảnh văn hóa - xã hội dẫn đến việc lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở ưa thích con trai.  

 Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara cho rằng, chúng ta cần phải chấm dứt quan niệm ưa thích con trai và không coi trọng giá trị của trẻ em gái trong các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới. Việt Nam đang đạt được nhiều tiến bộ, nhưng những tiến bộ này cần phải được thúc đẩy nhanh hơn nữa trong Thập kỷ Hành động vì các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Trưởng đại diện Naomi Kitahara nhấn mạnh, giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới không chỉ để bảo đảm bình đẳng giới, mà còn giúp cải thiện được tình trạng kết hôn của dân số trong tương lai do hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh, và điều này có thể dẫn tới việc giảm mức sinh ở Việt Nam. Do đó, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa trên toàn quốc để thúc đẩy việc thực hiện các khung chính sách và luật pháp hiện có để ngăn chặn việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới một cách mạnh mẽ, sâu rộng hơn.

Từ thực tiễn Việt Nam, chương trình đã đặt ra mục đích quan trọng nhất là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện khung chính sách, luật pháp và chương trình hiện tại giúp ngăn chặn và chấm dứt việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Trong đó bao gồm: Các chiến dịch truyền thông thay đổi các chuẩn mực xã hội và các thực hành củng cố cho việc ưa thích con trai và hạ thấp gía trị của con gái thông qua các phương pháp tiếp cận sáng tạo và đổi mới; tăng cường cơ chế điều phối liên ngành trong việc giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Có thể thấy bên cạnh việc hoàn thiện khung chính sách, pháp luật với việc thúc đẩy việc thực thi các quy định xử phạt đối với hành vi xác định và lựa chọn giới tính thai nhi mà không hạn chế quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản và các quyền sinh sản của phụ nữ, thì vấn đề nâng cao nhận thức trong cộng đồng là một việc hết sức quan trọng. Trong đó, không chỉ dừng lại ở việc tăng cường nhận thức, khả năng tiếp cận các dịch vụ pháp lý cho phụ nữ; mà vận động nam giới tham gia hành động để chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, khuyến khích ý thức tích cực trong xã hội theo hướng tăng cường bình đẳng giới, và vai trò tích cực của nam giới trong việc chủ động chấm dứt tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi dựa trên định kiến giới. 

Phạm Hải