Ngàn dâu<br><i>Truyện ngắn của</i> Phan Cung Việt

- Thứ Hai, 09/02/2015, 14:32 - Chia sẻ

Vùng cửa biển cát trắng nương dâu từ xưa đã có nhiều chuyện lạ. Không chỉ vì cát trắng khác thường, dâu xanh khác thường. Khởi thủy một ngày có hai luồng nước ấm và lạnh từ biển xô vào, thành hai lạch nước song song khác thường. Phù du phù sa dồn nhau trôi vào, như mang theo bao hạt mầm của sự sống. Một ngày, có đôi chim hồng hạc từ chân trời xa bay đến, chúng cúi xuống tìm gì trong đất cát, như một cặp tình nhân chăm chỉ. Chẳng bao lâu, khi khí xuân từ biển cồn lên, từ giữa hai lạch nước mọc lên bãi dâu xanh biếc, như hòa cả sắc mây trời từ biển kia. Cát từ đó cũng trắng khác thường.

Chuyện xưa nhiều lắm, đại loại như ngày xuân biển lặng năm ấy, có cụ đồ bận quần áo nâu sồng, khoác tay nải, từ miền trong đi qua đây. Câu thơ về ngàn dâu, về sự thương nhớ lứa đôi, nghe đâu do cụ để lại, và chính cụ là một thi nhân nổi tiếng. Chuyện hiện đại thì thật hiện đại, như trên trái đất cũng hiếm có. Rằng thời chiến tranh khốc liệt, máy bay quần đảo, vùng biển lặng này là nơi sau mỗi lần oanh kích, máy bay bay qua xả hết bom để quy về chiến hạm ngoài biển. Kỳ lạ, chẳng có quả bom nào rơi trúng vào nương dâu ngút ngàn. Nàng tiên dâu dịu dàng xứ biển có sức khiển bom đạn thần diệu đó.


Minh họa của Vũ Xuân Hoàn
Cũng một ngày xuân, người viết truyện này thời đó là một phóng viên chiến tranh trẻ trung, được may mắn đi tác nghiệp vùng cửa biển. Cửa biển có trung đội nữ pháo binh nổi tiếng. Trường cấp ba ở đây học sinh đội mũ rơm đi học, học sinh làm nên những căn hầm kèo, trong đó có cô gái cán bộ đoàn đẹp như bông hoa biển, gương mặt Đức Mẹ, học sinh giỏi môn toán, tác giả của những hầm kèo cải tiến kia. Em bảo: Chúng em phải vận dụng cả kiến thức hình học và vật lý vào đấy, anh ạ. Ngồi trong chiếc hầm kèo còn thơm mùi tre để tránh một trận bom, cô gái bình thản kể chuyện học toán, đưa bàn tay búp măng chỉ ra bãi dâu ngút ngàn, nói trong hương tóc thơm ngát: Anh thấy bãi dâu thần quê em chưa. Chẳng có quả bom nào rơi xuống đó cả. Trong gió biển, cô vén cổ áo, để lộ chuỗi hạt ngà cũ nhưng còn độ bóng, một nốt ruồi hồng khó nhận ra. Em kéo chuỗi hạt và hồn nhiên khoe: Của bà ngoại tặng em đấy.

Cứ vài mùa xuân, nhớ vùng cửa biển, tôi lại tìm về. Nghe nói có chùa lớn, người đi hội rất đông. Ngồi trên xe về vùng xuân cửa biển, bao nhiêu chuyện, chuyện nào cũng hay. Như chuyện cái tháp hồng ở chùa thiêng lắm, vài năm thì đôi chim hồng hạc lại bay về. Chuyện nhà sư nữ trụ trì thật là giỏi giang, nói được cả tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, từng du học suốt thời  con gái, nhiều khách nước ngoài tìm đến chùa. Nhưng rồi người ta cũng hé chuyện cuộc đời. Như sau một mối tình buồn từ thuở học sinh, cô gái xinh đẹp giỏi giang đi tu đâu tận vùng Yên Tử xa xôi…

Nghe loại chuyện đó, tôi tìm đến ngay. Chim bay rợp một vùng trên đỉnh Tháp Hồng. Bầu trời trong sáng đến lạ. Khách du xuân, vãn chùa rất đông. Tôi ý tứ trình cả thẻ nhà báo và nhà văn ở phòng khánh tiết, tỏ ý muốn thăm và làm việc với sư nữ trụ trì. Nữ tu lễ phép bảo: Ông phải chờ, sư thầy bận lắm. Chắc sáng mai, sau mờ sáng thầy cúng cháo và tọa thiền, may ra ông mới làm việc được. Cảnh này, tình này, dù lâu mấy, tôi vẫn chờ được.

Mờ sáng tôi đã đặt chân lên Tháp Hồng. Bóng một người đàn bà nâu sồng giản dị đi qua. Một sự xinh đẹp thánh thiện như chốn đào nguyên nào. Biển im phắc. Chim chao qua lại nhưng rất nhẹ. Tiên nữ cúng cháo rồi ngồi thiền, trên bậc giữa của Tháp Hồng, nhìn ra biển. Như linh ứng, trước khi vào cuộc thiền, nhà sư nhìn xuống bậc lên của tháp, nghiêng đầu chào rất từ tốn. Chắc ông từ xa đến? Tôi nghiêng đầu: Thưa vâng. Tôi định hỏi nhà sư việc đời, như những việc làm từ thiện nổi tiếng của nhà chùa đây. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi buột miệng: Thưa… Thiền. Sư nữ linh ứng, chỉ tay ra biển, thật bình dị, đưa tay vào xếp chiếu nhỏ mầu hồng cạnh bên, trên đó có chiếc điện thoại di động nhỏ xíu, cũng mầu hồng. Mời ông ngồi.

Và câu chuyện, cả chủ và khách, không ai ngờ được :

- Thưa, ông có thiền không. Biển cả chính là cả biển thiền ông ạ. Khi người ta thiền, chính là thu biển cả vào mắt, vào tim, vào buồng phổi…

Tôi trở nên ngoan ngoãn: Dạ… Dạ… Dạ…

- Thưa, biển thiền trong kiếp sóng gió, bão tố, vực sâu… Thiền cho cả mặt đất và kiếp người…

Tôi vẫn trong trạng thái tín ngưỡng: Dạ… Dạ… Dạ…

Sau đó tiếng chuông lễ vang lên dồn dập. Nhà sư chắp hai tay búp măng hình cánh sen. Tôi bần thần, mộng du kêu lên mấy tiếng nho nhỏ trong cổ họng. Thích Hải Thương. Nhà sư như hiểu ý, cười thánh thiện cáo biệt.

Tôi về ngơ ngẩn, viết vội thiên truyện ngắn: Chiếc điện thoại di động của nhà chùa. Truyện ấy được nhiều người đọc khen ngợi.

Qua truyền thông và khách du lịch, tôi biết cửa biển ấy vẫn giữ nét lặng lẽ cát trắng dâu xanh rất riêng, như cũng đã đổi thay nhiều lắm. Người ta kháo nhau về những trung tâm rất mới ở đây: Trung tâm dâu tằm, Trung tâm phần mềm hải sản, Trung tâm vải tơ… Đặc biệt người ta ca ngợi sự đỡ đầu của nhà chùa và vị sư nữ trụ trì ở đây. Tôi lại nóng lòng tìm đến. Và mọi chuyện lại như một sự linh ứng.

Khu Tháp Hồng đẹp lên rất nhiều bởi dằng dặc bãi dâu bao quanh, như đến tận chân trời. Khí sắc như cũng trong trẻo hơn, nhờ môi trường môi sinh, hệ sinh thái dâu cửa biển. Và kỳ lạ, trước cửa tháp, tinh mơ sáng khi thủy triều rút nhanh xuống, bãi cát cồn nọ dặm kia như cũng trắng tinh khôi hơn. Chợt nhớ câu thơ dâu bể của thi nhân. Hình như tất thảy đều linh ứng, huyền diệu.

Biết mùa lễ hội ở đây ngày càng đông. Theo tuần tự và kinh nghiệm tác nghiệp, tôi lại đăng ký trình tự. Và cái giờ sáng tinh khôi cần đến, thì lại đến.

Khác chăng là sau mấy mùa hội xuân, lần này trở lại, tôi đã nhập môn phái thiền, đã say thiền. Những lần xuống biển, tôi chăm chú thu biển vào mình, cho sóng gió biển khơi tràn cả vào tim, vào lồng ngực. Hình như sáng nay có vị sư đã nhìn thấy tôi ngồi thiền trên bãi cát trước chân tháp.

Nhà sư cười dịu dàng: Ông đấy ư? Ông đã thiền rồi ư?

Vẫn tầng hai của Tháp Hồng, vẫn những vuông chiếu hồng và chiếc điện thoại di động mầu hồng, giờ có thêm chiếc iPad trắng muốt, chúng tôi nói chuyện rất lâu. Hình như sau lần gặp đầu tiên và thiên truyện ngắn, tôi đã kết bằng một câu lạ lùng: Anh muốn gọi tên em là Thích Hải Thương, được không?

Và lần này, khi nhà sư cúi xuống, nơi cổ áo mầu điều bình dị, tôi lại thấy chuỗi hạt sứ năm nào và nốt ruồi mầu hồng giấu sau nó.

Bầu trời trên Tháp Hồng bỗng sáng lên lạ lùng. Còn mầu xanh bãi dâu ngút trời khiến hồn tôi dịu dàng đến vậy…