Ngành Công nghiệp thủ đô phát triển theo hướng có chọn lọc, đột phá.

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 06:16 - Chia sẻ
Chiều ngày 13.8, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Công thương về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Công thương và UBND thành phố Hà Nội; các cơ chế, chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực công thương của TP Hà Nội; các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất các nội dung cần phối hợp, thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản: Trong thời gian qua, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai các Chương trình, Đề án phát triển công nghiệp trên địa bàn thủ đô. Qua đó, UBND thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 là 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.204,3ha.

Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương.
Ảnh: P. Long

Đối với công tác quản lý, phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại, đến nay 27/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã được phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, có 3 quận, huyện đã hoàn thành công tác chuyển đổi là Hoàn Kiếm, Long Biên, Thanh Trì; 453/455 chợ đã được phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng (đạt 99,6%)... Ngoài ra, công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ được đẩy mạnh, thu được kết quả khả quan; thành phố đã lựa chọn, công nhận được 91 sản phẩm của 58 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội... Đặc biệt, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương tăng cường hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề và các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Trong thời gian tới, Hà Nội đề nghị Bộ Công thương phối hợp với thành phố trong quá trình rà soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; phối hợp hỗ trợ trong việc giới thiệu các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và đầu tư nước ngoài có sản xuất các sản phẩm có uy tín, thương hiệu, có tính dẫn dắt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chủ lực...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao hoạt động hợp tác giữa TP Hà Nội với Bộ Công thương, qua đó đã hỗ trợ bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng cơ chế chính sách ngành công thương.

Đồng tình với chủ trương, định hướng phát triển của thủ đô theo hướng dài hạn, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh: "Định hướng phát triển kinh tế của TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác cơ hội, dư địa của thủ đô về phát triển thương mại nội địa, xuất khẩu. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ cụ thể hóa hoạt động phối hợp với Hà Nội thông qua việc đề nghị thành phố xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống Logistics, hạ tầng năng lượng, giao thông..."

 

Đầu tư các dự án năng lượng đáp ứng mục tiêu cấp điện an toàn

Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đồng tình và thống nhất với những nội dung hai bên sẽ đẩy mạnh, tiếp tục phối hợp trong thời gian tới. Trong đó, về lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công thương phối hợp với thành phố xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại, phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá. Nhất là những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao. Phấn đấu trong nhiệm kỳ tới tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, xây dựng chiếm khoảng 23% trong tổng GRDP của thủ đô.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần tạo điều kiện hỗ trợ thành phố đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp; hai bên sẽ phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong xúc tiến đầu tư FDI và các cụm tiểu thủ công nghiệp, khu công nghệ cao Hòa Lạc...

Ngoài ra, thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh cập nhật bổ sung quy hoạch về phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến 2020, có xét đến 2030. Đồng thời phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình, đề án về khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chủ lực. Hướng dẫn thành phố trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thủ đô...

Về lĩnh vực năng lượng, Bí thư Thành ủy đề nghị Bộ Công thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quan tâm chỉ đạo, sắp xếp đủ vốn và các nguồn lực khác cho Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực thành phố sớm thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư các dự án năng lượng và hạ tầng đáp ứng mục tiêu cấp điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thủ đô. Riêng với lĩnh vực thương mại, Hà Nội mong muốn được hỗ trợ xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phục vụ các sự kiện lớn của thành phố...

Nguyên Khôi