Ngành hải quan phủ sóng hiện đại hóa

- Thứ Năm, 24/09/2020, 10:59 - Chia sẻ
Cải cách hành chính là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhằm giúp cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Trong tiến trình đó, ngành hải quan đã nỗ lực đẩy mạnh triển khai cải cách hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực và đã được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Phủ sóng hiện đại hóa

Hướng tới mục tiêu đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa, những năm qua ngành hải quan đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình cải cách, hiện đại hóa. Một trong những dấu ấn nổi bật và rõ nét nhất là ngành hải quan đã điện tử hóa các hoạt động quản lý hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp. Hoạt động này được đẩy mạnh từ năm 2005 bằng việc thí điểm điện tử hóa thủ tục hải quan. Sau đó, nhờ có sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản, đầu năm 2014, Hải quan Việt Nam chính thức triển khai Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS.

Đến nay, hệ thống VNACCS/VCIS luôn vận hành ổn định, an ninh, an toàn với sự tham gia của gần 100% doanh nghiệp tại tất cả các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Nổi bật là hệ thống xử lý dữ liệu tập trung cấp Tổng cục với mức độ tự động hóa cao, thời gian đăng ký tờ khai hải quan chỉ còn khoảng 3 giây, thời gian thông quan đối với các lô hàng phân luồng xanh, không phải nộp thuế chỉ có 4 giây. Việc thực hiện khai báo, xử lý hồ sơ trên hệ thống VNACCS/VCIS đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan. Cùng với trọng tâm là Hệ thống VNACC/VCIS, Hải quan Việt Nam xây dựng, vận hành hàng loạt hệ thống công nghệ thông tin khác.

Là một trong những đơn vị đi đầu về triển khai kế hoạch cải cách hiện đại hóa của ngành Hải quan cũng như tại đơn vị, Hải quan Quảng Ninh đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong tổ chức triển khai thực hiện các chương trình cải cách hiện đại hóa, từ thực hiện thủ tục hải quan điện tử, sau này là thực hiện thông quan tự động VNACCS/VCIS; thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Trưởng phòng Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Hải quan Quảng Ninh Phùng Thị Nguyên Hạnh cho biết, để “phủ sóng” được công nghệ thông tin, cán bộ công chức Cục Hải quan Quảng Ninh phải sát với doanh nghiệp, thậm chí cầm tay chỉ việc. Đồng thời, tích cực, chủ động xây dựng các phần mềm quản lý để đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù tại địa bàn như Phần mềm quản lý cư dân biên giới để kiểm soát định mức hàng hóa qua lại cư dân biên giới. Phần mềm này hiện nay cũng được chia sẻ cho nhiều đơn vị hải quan địa phương thực hiện.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái

Chia sẻ về quá trình hiện đại hóa tại hải quan địa phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3, Cục Hải quan Hải Phòng Đàm Minh Nghiệp cho biết, trên thực tế, dù đã có rất nhiều hệ thống, tuy nhiên ngành Hải quan chưa có hệ thống quản lý các khu vực, địa điểm giám sát. Điều này dẫn đến việc các khâu trước đã điện tử hóa song đến khâu nhận hàng, quản lý hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống.

Từ thực trạng này, nhóm triển khai của Hải quan Hải Phòng ban đầu có ý tưởng triển khai kết nối với doanh nghiệp kinh doanh cảng ở mức độ thấp hơn nhưng khi nghiên cứu kỹ cho thấy, cần triển khai quy mô, để việc kết nối giữa doanh nghiệp kinh doanh cảng và Hải quan càng thông suốt.

“Việc nghiên cứu, triển khai hệ thống VASSCM là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, sự gia tăng hàng hóa xuất nhập khẩu cảng biển ngày càng lớn, đòi hỏi của Chính phủ về giảm thời gian thông quan ngày càng gắt gao. Đến nay, việc triển khai hệ thống VASSCM đã mang lại nhiều giá trị trong công tác quản lý hải quan, góp phần quan trọng trong việc thống kê hàng hóa, chống buôn lậu và phục vụ thông quan nhanh hàng hóa” - ông Đàm Minh Nghiệp cho hay.

Đòi hỏi cấp thiết

Trong xu thế toàn cầu hóa, ngành Hải quan đã có sự chuẩn bị và xây dựng tiến trình cải cách, hiện đại hóa theo chuẩn mực phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó, cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giải quyết một cách tốt nhất, hiệu quả nhất trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là hàng hóa xuất nhập khẩu tăng mạnh qua từng năm. Tuy nhiên, đi kèm đó là những khó khăn, thách thức to lớn trong công tác giám sát, quản lý hải quan, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan Nguyễn Mạnh Tùng, đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như hội nhập quốc tế, việc cải cách, hiện đại hóa là cần thiết. Do đó, khi đưa cải cách hiện đại hóa vào áp dụng phải bảo đảm lực lượng công chức trong ngành tại các vị trí làm việc phải thấm nhuần chủ trương, nhiệm vụ. Phải xác định được đây không chỉ là đòi hỏi của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, mà chính là xuất phát từ bối cảnh phát triển của thế giới với sự thay đổi mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Bởi, trong công cuộc cải cách hiện đại hóa, ai chậm trong tiếp cận sẽ đi sau.

Ngoài ra, cải cách hiện đại hóa là quá trình đồng bộ, nhất quán và công nghệ thông tin là một công cụ. Theo đó, công nghệ thông tin có thể được ứng dụng hiệu quả hay không là do tư duy quản lý. Nói cách khác, có tư duy quản lý phù hợp mới xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin phù hợp. Từ đó, hướng đến môi trường hải quan điện tử phi giấy tờ, được thực hiện “Mọi nơi - Mọi lúc - Mọi phương tiện” như mục tiêu được Chính phủ, Bộ Tài chính đặt ra đối với ngành Hải quan.

Vân Phi