Nghệ thuật đương đại vào không gian sống

- Thứ Năm, 02/07/2020, 06:08 - Chia sẻ
Một ngôi nhà ống đặc trưng của Việt Nam đã trở thành chất liệu để 16 nghệ sĩ đối thoại bằng nghệ thuật. Cuộc đối thoại đầy ngẫu hứng này cho người xem cách nhìn nhận khác về tác phẩm nghệ thuật đương đại, cũng như khám phá những ý nghĩa mới của một ngôi nhà ống trong lòng đô thị.

"Ống thở" giữa Hà Nội

Triển lãm “Ống thở” đang diễn ra tại 342 Bà Triệu, Hà Nội, như một nỗ lực thử nghiệm các khả năng tương tác của thực hành nghệ thuật đương đại trong không gian một ngôi nhà ống phổ biến tại Việt Nam. Trong gần một tháng, 16 nghệ sĩ nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử địa hình, cũng như khám phá ngôn ngữ kiến trúc độc đáo của tòa nhà, từ đó đề xuất những tác phẩm nghệ thuật có khả năng đối thoại với các yếu tố của công trình.

Tác phẩm "Xô lệch song song" của nghệ sĩ Vũ Kim Thư

Họa sĩ Phạm Khắc Quang đặc biệt ấn tượng với những ô kính màu trong không gian tòa nhà: “Khi nhìn thấy những ô kính màu, ngoài chức năng lấy ánh sáng, trang trí, tôi thấy nó có thể gánh vác thêm chức năng khác và đưa vào ô kính đó các bức tranh đồ họa nung trên kính. Tranh trên mỗi ô kính là câu chuyện, hình ảnh đời sống, phong cảnh, con người. Sau khi lắp đặt, mỗi ô màu đem lại cảm quan thị giác bởi tranh đồ họa thay đổi màu sắc theo thời tiết, cường độ ánh sáng”.

Lấy cảm hứng từ khung cửa sổ to nhìn ra vườn nhà xanh mát, nghệ sĩ Vũ Kim Thư sắp đặt bản vẽ giấy washi trên cửa kính, tạo ra một loạt hình vẽ nhà ống của riêng mình kết hợp với nền khung cảnh như tạo nên một thành phố thu nhỏ giữa thiên nhiên. Trong khi đó, tiếp nối phương thức đưa các biểu tượng văn hóa khắc lên tấm gương để có thể soi vào lịch sử, nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế thực hiện tác phẩm đồ họa trên gương “Nghê kia ngự ở trên tường”. Trên tấm gương tròn, nghệ sĩ khắc vào mặt sau hình ảnh con nghê bằng vàng trên ấn tín của Chúa Nguyễn Phúc Chu đúc năm 1709 với mong muốn mỗi người xem thấy mình như một phần của quá khứ đang mai một.

Sử dụng các phương pháp đồ họa cắt khắc xuyên thủng, kết hợp ánh sáng đèn LED trên các vật liệu tái chế là mái tôn và thùng phuy, inox gương... nghệ sĩ Lê Đăng Ninh gây ấn tượng bằng tác phẩm mang tên “Nhà tối” - gợi lên suy tư về cách con người luôn phải tìm cách xoay xở ứng biến để thích nghi với môi trường và hoàn cảnh sống dù trong bất kỳ điều kiện nào. Anh cho rằng: “Các tác động môi trường, biến đổi khí hậu hay quá trình phát triển đô thị... đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội. Ở những thành phố đang phát triển như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh... việc kiến tạo không gian nhà ở, sinh hoạt, làm việc là nhu cầu cấp thiết”...

Dự án "Ống thở" ghi nhận nỗ lực thử nghiệm các khả năng tương tác của việc thực hành nghệ thuật đương đại trong không gian nhà ống. 16 nghệ sĩ khuấy động tinh thần làm việc liên ngành, đa ngành: Kỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc, hội họa...; chia sẻ và đồng sáng tạo trong không gian cụ thể.

"Ống thở" mang lại cái nhìn mới cho công chúng về nghệ thuật đương đại và nghệ thuật trong không gian sống

Đối thoại kiến trúc và nghệ thuật đương đại

Theo tư liệu địa chính Hà Nội, trong suốt thời gian đô thị hóa nửa đầu thế kỷ XX (1885 - 1955), tại thành phố đã hình thành 30.000 thửa đất hình ống. Khu phố cũ có hình dạng tự nhiên, còn khu phố mới được bố trí phần lớn theo kích thước tiêu chuẩn với chiều sâu 25m và mặt tiền thường từ 4 - 6m. Trải qua thời gian diện tích của Hà Nội đã tăng lên nhiều lần, con số của những thửa đất hình ống đó đã nhân lên gấp bội, tiếp tục chia nhỏ hơn nữa hay gộp lại tùy vào sự phát triển của từng thời kỳ kinh tế trong lịch sử. Câu chuyện về những ngôi nhà ống có mặt tiền hẹp và sâu hun hút bắt nguồn từ lịch sử quá khứ xa xưa, ngày nay lại được khắc họa phổ biến mang hình dáng “lênh khênh” của mình với kỹ thuật xây dựng nhà cao tầng phát triển từng ngày.

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển đô thị hơn trăm năm nay, công năng của nhà ống trên các con phố đã nhiều lần thay đổi theo những biến cố cũng như tác động của toàn cầu hóa. Với “Ống thở”, các nghệ sĩ mở ra câu chuyện trong không gian, công trình kiến trúc quen thuộc này, ta không chỉ dừng lại ở việc sử dụng công năng, mà còn có thể đưa vào đó câu chuyện về thẩm mỹ, đời sống bên ngoài.

Mối quan hệ mật thiết giữa nghệ thuật và kiến trúc vốn đã được khẳng định từ lâu, thậm chí đôi lúc ranh giới của hai lĩnh vực này bị lu mờ. Tuy nhiên, với nghệ thuật đương đại, ở Việt Nam, công chúng còn khá xa lạ. Đưa nghệ thuật đương đại vào không gian sống, các nghệ sĩ cho thấy người ta không chỉ thuần túy sử dụng công năng của đồ vật, vật liệu, mà còn có thể đan cài vào đó giá trị thẩm mỹ, mở ra nhiều liên tưởng cho người sáng tạo kiến trúc, người thụ hưởng không gian sống đó...

Theo họa sĩ Phạm Khắc Quang: “Bản thân những người sống trong đó sẽ có cảm nhận không chỉ sống trong ngôi nhà, mà sống trong không gian văn hóa, không gian nghệ thuật. Đó chính là những điều tạo hứng thú cho chúng tôi có cuộc đối thoại với ngôi nhà ống, mở ra nhiều điều cho kiến trúc sư, nghệ sĩ, mở đường cho các mối giao tiếp trong các không gian sống khác”.

Trong bối cảnh Việt Nam chưa có nhiều sự kết nối giữa các ngành nghệ thuật, dự án nghệ thuật “Ống thở” truyền tải tinh thần cởi mở, thích trải nghiệm mới, và hướng đến một nền nghệ thuật chung không giới hạn tới công chúng. “Cuộc gặp gỡ đối thoại đầy bất ngờ và ngẫu hứng giữa kiến trúc và nghệ thuật đương đại lần này hy vọng sẽ mang lại nguồn cảm hứng mới trong cách người xem quan niệm về một tác phẩm nghệ thuật cũng như về không gian sống của chính mình” - nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển triển lãm chia sẻ.

Thảo Nguyên