Ngày làm việc thứ mười chín, Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV:

Nghe và thảo luận các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Thứ Tư, 14/11/2018, 14:54 - Chia sẻ
Sáng 14.11, tiếp tục chương trình làm việc, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã nghe và thảo luận về các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Khiếu nại vẫn chủ yếu về đất đai

Trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước so với năm 2017. Về tố cáo, so với năm 2017 tăng 41,1% về số đơn và 16,3% số vụ việc. Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay nhìn chung còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai...


Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 của Chính phủ
Ảnh: Quang Khánh

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn tồn tại. Đó là việc tiếp dân định kỳ tại một số nơi còn chưa bảo đảm đúng quy định của Luật Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tại một số địa phương còn chậm, chưa đúng trình tự, thủ tục. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong chấp hành pháp luật tiếp dân, khiếu nại tố cáo còn thấp. Trình độ năng lực một số cán bộ trực tiếp tham gia tiếp công dân xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, phân loại xử lý đơn thư còn lúng túng, nhầm lẫn giữa các loại đơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chế độ thông tin, báo chí có nơi chưa nghiêm túc, chất lượng hạn chế.

Báo cáo thẩm tra về nội dung này, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày, cho biết: Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, năm nay Báo cáo của Chính phủ  đã có nhiều đổi mới, phản ánh tình hình với nhiều số liệu cụ thể, có địa chỉ rõ ràng; đánh giá, phân tích những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, đồng thời làm rõ những nguyên nhân cơ bản phát sinh khiếu nại, tố cáo và những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Báo cáo của Chính phủ cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra
Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, tuy Báo cáo của Chính phủ nêu nhiều số liệu, nhưng chưa làm nổi bật tình hình năm 2018 cả về kết quả và hạn chế trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có những điểm gì khác so với các năm trước; chưa làm rõ việc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu từ năm trước đạt được ở mức độ nào; chưa có những đánh giá và so sánh mức độ chuyển biến trong công tác này ở từng bộ, ngành, địa phương để QH giám sát.
Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đã có sự chuyển biến tốt hơn so với các năm trước. Một số số liệu có tăng so với năm 2017 về số lượng đơn khiếu nại, tố cáo (tăng 11,8%), số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước (tăng 4,7%). Nội dung khiếu nại, tố cáo cơ bản không có nhiều thay đổi so với các năm trước; khiếu nại vẫn chủ yếu về đất đai; tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ, bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; một số trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo do kết quả giải quyết không đáp ứng được mong muốn...

Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa phân tách được số liệu những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan theo ngành dọc ở địa phương; chưa phân tích cụ thể việc xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài; chưa có đánh giá xu hướng phát triển của các vụ việc khiếu kiện tập trung đông người ẩn chứa yếu tố phức tạp, nhạy cảm hoặc có sự kích động, lôi kéo của các thế lực thù địch, gây mất an ninh, trật tự xã hội tại một số địa phương.

Dù đồng tình với 4 nhóm nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo như đã được chỉ ra trong Báo cáo của Chính phủ, song Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây chủ yếu vẫn là những nguyên nhân như đã được chỉ ra trong báo cáo các năm trước; chưa có sự phân tích, làm rõ sự khác biệt của năm 2018 so với năm 2017. Đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước trong năm 2018 tăng lên (tăng 4,7% so với năm 2017), ngược lại với 2 năm gần đây (năm 2016 giảm 8,6% , năm 2017 giảm 14,8% ) để từ đó có giải pháp phù hợp; đồng thời chỉ rõ các quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tế, là nguyên nhân dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo thời gian qua để có hướng sửa đổi, bổ sung.

Về công tác tiếp công dân, Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ, vừa qua, tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ, chưa gắn kết việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến người dân có tâm lý thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết, tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đây là vấn đề cần sớm được khắc phục, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Tiếp công dân và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Đối thoại của người có thẩm quyền tại một số nơi còn hình thức

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến QH từ 16.8.2017 đến 15.8.2018 do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày cho thấy, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của các bộ, ngành, địa phương có sự chuyển biến tốt hơn so với một số năm trước. Chính phủ và nhiều địa phương đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác xây dựng thể chế, ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tính công khai minh bạch trong các hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được nâng cao, các thông báo, kết luận tiếp công dân và kết quả giải quyết đã được nhiều tỉnh, nhiều cấp công bố trên cổng thông tin điện tử. Công tác thanh tra, kiểm tra trong các hoạt động này được tăng cường, một số tỉnh đã nghiêm túc và kiên quyết trong xử lý các vi phạm.


Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân
Ảnh: Quang Khánh

Báo cáo cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn có một số tồn tại, một số đơn do QH chuyển đã giải quyết nhưng việc trả lời, thông báo kết quả đến cơ quan chuyển đơn còn chậm, nên khó theo dõi, giám sát. Nhiều vụ việc có thời gian nghiên cứu kéo dài, khi trả lời thường rất chung chung, không nêu rõ lộ trình giải quyết, nên khó báo tin cho công dân gửi đơn. Một số vụ việc khiếu nại được giải quyết còn chưa đảm bảo thời hạn, trình tự và hình thức giải quyết; công tác thụ lý, xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo của cơ quan chuyên môn còn chậm, chất lượng tham mưu, đề xuất chưa cao, nhiều trường hợp áp dụng quy định pháp luật trong giải quyết còn thiếu chính xác dẫn đến vụ việc khó được giải quyết dứt điểm. Việc đối thoại của người có thẩm quyền tại một số nơi còn hình thức, chưa được coi trọng đúng mức, việc ủy quyền đối thoại trong một số trường hợp gây bức xúc cho người khiếu nại nên khó tạo được sự đồng thuận. Cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu về giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều nơi còn hạn chế về nghiệp vụ, năng lực chuyên môn; tỷ lệ cán bộ có bằng chuyên ngành luật còn thấp...

Các đại biểu đều đồng tình với các báo cáo, đánh giá nỗ lực của các cơ quan trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đã có những chuyển biến tích cực, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An) đồng tình với các nhóm giải pháp mà các báo cáo đã nêu. Để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu cũng đề nghị, QH, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định về giải quyết khiếu nại tố cáo. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp công dân. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất đai phải bảo đảm công khai minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích của người dân. Kiên quyết xử lý người cố tình lợi dụng việc khiếu nại tố cáo để làm rối tình hình.


ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An)
Ảnh: Quang Khánh

Trong khi đó, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo tại cơ sở, một số nơi chính quyền chưa quan tâm đúng mức đặc biệt là cấp huyện cấp xã, chưa làm đúng trách nhiệm, chưa giải quyết từ gốc. Thậm chí có cán bộ thách thức người dân khiếu kiện. Điều này gây nên có tình trạng khiếu kiện vượt cấp.


ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum)
Ảnh: Quang Khánh

Cũng theo đại biểu, nếu khiếu nại, tố cáo giải quyết kịp thời đúng pháp luật, có tình có lý ngay từ cơ sở thì người dân sẽ đồng tình chấp thuận. Ngược lại thì sẽ gây nên phức tạp và vượt cấp. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, cần hết sức coi trọng đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là khiếu nại về đất đai. Qua đối thoại hiểu thái độ, sự thiện chí của các bên qua đó tìm ra giải pháp khả thi giải quyết. Đối thoại phải được coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết chứ không phải là giai đoạn đầu mà phải tôn trọng và thực hiện một cách nghiêm túc cầu thị chứ không phải chiếu lệ, làm cho xong, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.


ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước)
Ảnh: Quang Khánh

Cùng quan điểm này, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, thời gian tới cần tăng cường tiếp công dân, đối thoại với công dân. Tăng cường cơ chế phối hợp của các cơ quan trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cùng với đó, cần có phần mềm để xử lý liên thông việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân từ trung ương và địa phương để tránh việc giải quyết chồng chéo, chuyển đơn lòng vòng.

Hà An