Quyền giám sát của nghị viện châu Âu

Nghị viện siêu quốc gia

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 14:32 - Chia sẻ
Tiền thân là Quốc hội chung (Common Assembly) ra đời dựa trên Hiệp ước thành lập Cộng đồng Than và Thép châu Âu (1951), Nghị viện châu Âu (EP) ngày nay đã trở thành một trong những thể chế chính trị quan trọng nhất của Liên minh châu Âu (EU). Cùng với Hội đồng Bộ trưởng, EP tạo thành lưỡng viện lập pháp của các thể chế của Liên minh và được mô tả là một trong những cơ quan lập pháp quyền lực nhất thế giới.
 
Nghị viện được bầu cử theo hình thức phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm kể từ năm 1979. Do vậy, EP trở trành Nghị viện “siêu quốc gia” duy nhất trên thế giới được bầu cử trực tiếp bởi người dân. EP có hai địa điểm họp, là Tòa nhà Louise Weiss ở Strasbourg, Pháp, dành cho các phiên họp toàn thể và là trụ sở chính thức của Nghị viện và tổ hợp Espace Léopold/Leopoldwijk ở Brussels, Bỉ, tòa nhà nhỏ hơn, phục vụ cho các cuộc họp trù bị và bổ sung, không toàn thể. Ban thư ký EP, cơ quan hành chính của Nghị viện, đóng ở Luxembourg. Cuộc bầu cử trên toàn Liên minh mới nhất là bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2009.

Một trong những chức năng căn bản của EP là tạo ra động lực chính trị. EP trước hết là diễn đàn dân chủ cấp cao của châu Âu, nơi những đại diện của toàn thể công dân EU hóa giải các vấn đề nhạy cảm chính trị và quốc gia. EU thường kêu gọi việc sửa đổi, phát triển thêm hoặc thay thế các chính sách cũ bằng những chính sách mới phù hợp hơn. EP tham gia soạn thảo các Hiệp ước của Liên minh. Kể từ năm 1984 đến nay, EP trở thành nhân tố thúc đẩy chính để đưa các nước thành viên cùng nhau thực hiện và bảo đảm các giá trị chung của Liên minh. 

Nghị viện châu Âu có quyền lập pháp nhưng lại không có quyền chủ động lập pháp như phần lớn các nghị viện quốc gia. Trong khi nó là “thể chế đầu tiên” của EU (được nêu đầu tiên ở trong các hiệp ước, có quyền lực lễ nghi ở trên các cơ quan khác cấp châu Âu), Hội đồng Bộ trưởng lại có quyền về lập pháp cao hơn Nghị viện nếu thủ tục cùng quyết định (quyền bình đẳng về sửa đổi và bác bỏ) không áp dụng. Tuy nhiên, Nghị viện lại có quyền kiểm soát ngân sách EU kể từ thập niên 1970 và có quyền phủ quyết đối với việc bổ nhiệm Ủy ban châu Âu.

Nguyễn Hoàng