Nghiệp dư không có ngoại lệ<BR><I>Tiểu luận của </I>HỒ ANH THÁI

- Thứ Năm, 01/01/2015, 09:32 - Chia sẻ
Sự chuyên nghiệp hoàn chỉnh chưa phải đã làm cho tác phẩm có giá trị. Nhưng sự chuyên nghiệp phải là yếu tố cơ bản để từ đó nghệ thuật đích thực mới có điều kiện cất cánh nâng mình lên.

Vở kịch Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi hôm ấy diễn ở nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Trên sân khấu đang diễn ra cảnh một đám kiệu bị chặn lại giữa đường, không cho đi tiếp. Đang lúc cãi vã giữa đám cấm vệ chặn đường và đoàn rước kiệu đòi quyền đi qua, đây là kiệu của một nhân vật có thế lực. Viên cấm vệ nhắc đến tên công chúa Trần Thị Dung, vợ của thái sư Trần Thủ Độ.

Đúng lúc ấy, một giọng nói quyền uy cất lên: Có ta đây. Không phải trên sân khấu mà phía bên trái của khán phòng. Đèn sáng bừng lên, chiếu về phía ấy. Nghệ sĩ Lan Hương đã đứng đấy từ bao giờ, trang phục của bà Trần Thị Dung. Người đàn bà quyền biến từ bên dưới theo mấy bậc cầu thang bên trái đi lên, đối mặt trực tiếp với cánh cấm vệ. Mấy bậc cầu thang ấy như hàm ý bà ta đã phải bước ra khỏi kiệu, rồi từ đó đi lên dần theo bậc thang quyền lực.

Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi sử dụng chi tiết này bằng cách tận dụng mấy cấp cầu thang ở bên trái sân khấu. Kiến trúc sư thời Pháp xưa kia thiết kế bậc thang hai phía của sân khấu cũng đã tính trước những chi tiết nghệ thuật kiểu này. Không phải lúc nào diễn viên cũng đi từ hai bên cánh gà ra giữa sân khấu. Có những tình huống họ phải ở dưới khán phòng, đi lên, như là vốn từ khán giả mà ra, như là họ đã hòa làm một với người xem, rồi bây giờ tách ra để lên mà tham gia vào một đời sống khác. Cũng có khi ngược lại, nhân vật trên sân khấu không trở vào cánh gà mà theo hai bên cầu thang ấy đi xuống, dọc theo lối đi bên cạnh khán giả mà ra khỏi khán phòng. Tùy theo chủ đích nghệ thuật của đạo diễn.


Minh họa của Kim Duẩn 

Vậy bậc cầu thang hai bên sân khấu kia là để tham gia vào ý tưởng nghệ thuật. Còn trước và sau buổi biểu diễn, cầu thang hai bên khi ấy là để dành cho người lên phát biểu hoặc tặng hoa hoặc trao giải thưởng… Nếu không nằm trong ý tưởng kịch bản của chương trình, không ai có thể lên theo lối ấy. Không nhiệm vụ, miễn lên.

Nhưng các nhà hát của ta xây sau này không được như vậy. Bên cạnh hai cái lối lên sân khấu theo bậc cầu thang, phía hai bên sân khấu, người ta còn mở thêm hai cửa để có thể từ khán phòng đi thẳng lên cánh gà. Tiện, cho nghệ sĩ đến muộn có thể vào thẳng cánh gà. Tiện, cho một nhạc công ngồi dưới giếng dàn nhạc có thể chạy lên cánh gà lấy một cái gì đó để quên. Tiện, cho một vị âm thanh ánh sáng chạy lên để điều chỉnh gì đó bên trong. Tiện, cho mấy đứa con của nghệ sĩ đang ngồi xem chạy vào gặp mẹ. Sân khấu đang diễn ra cảnh hoàng cung, các ông hoàng bà chúa trang phục cổ đang tâm sự nỗi niềm gánh vác giang sơn, thì một ông sơ mi cắm thùng kiểu công chức lò dò đi lên để vào cánh gà bên phải, một cô bé váy đầm hiện đại nhảy nhót đi lên vào phía cánh gà bên trái. Ngay trước mắt khán giả. Thoạt tiên có người tưởng họ là diễn viên được quy định đi từ khán phòng lên, và đây là một chi tiết nghệ thuật đồng hiện, đưa nhân vật đương đại lên đối thoại với nhân vật lịch sử xa xưa. Nhận ra là mình đã nhầm thì cũng là lúc không khí nghệ thuật bị đánh tan, tâm trí đã bị phân tán. Thêm cả sự khó chịu nữa.

Tùy tiện. Vô nguyên tắc. Coi thường nghệ thuật. Coi thường khán giả. Còn có thể nói gì thêm?

Thêm. Đó là một tinh thần nghiệp dư bao trùm trong nghệ thuật, trong người quản lý đoàn nghệ thuật. Khán giả coi đó là thường, chính đấy là bằng chứng khán giả cũng đã trở nên nghiệp dư trong thưởng thức nghệ thuật.

Có phải vì diện tích xây dựng nhà hát có hạn, người ta chỉ có thể thiết kế lối vào cánh gà ở ngay trước mắt người xem? Đó là một lý do, nhưng khi thiết kế, một người quản lý nhà hát, một người vẽ mẫu vẫn có thể có phương án khác, nếu họ am hiểu công việc của mình. Tư duy thiết kế nghiệp dư dẫn đến tất cả những thứ nghiệp dư như đã nói ở trên, dẫn đến cả hiện trạng khán giả nghiệp dư.

Cũng cần phải nói thẳng ra, người xem đã nhiều lần phải nhăn mặt trước những cái phông cảnh sân khấu đầy vết nhăn. Trong những vở kịch ở nhà hát, trong những vở diễn trực tiếp hoặc truyền lại trên truyền hình. Cái phông vẽ cảnh núi non sông nước, cảnh lầu vua phủ chúa, cảnh phố phường… sao cũng phải có nếp nhăn, ở chỗ đường may nối những tấm vải, có khi nhăn nhúm. Vở diễn của một đoàn chuyên nghiệp, họa sĩ vẽ cảnh cũng chuyên nghiệp, mà phông màn thì như đội kịch phường xã. Có khi là loa đài âm thanh không khớp. Có khi là ánh sáng chớp lóe giật cục hoặc trùm lấp lung tung, rất thô sơ về kỹ thuật. Có khi ngồi trong một lô ghế bên sườn nhà hát lớn, nhìn chéo vào cánh gà, đạo diễn chương trình không thiết kế vật chắn tầm nhìn, thấy cả mấy chàng mấy nàng vũ công tụt váy tụt quần thay trang phục cho cảnh múa phụ họa sắp đến.

Còn nghệ thuật thì sao? Sự sa sút về nghệ thuật có thể thấy rõ ràng trong hầu hết các ngành. Một tinh thần nghiệp dư bao trùm trong đời sống kinh tế chính trị xã hội, nghệ thuật làm sao có thể là ngoại lệ. Điện ảnh sao mà giả tạo từ cách diễn xuất của diễn viên, mắng nhau chan chát đanh đá hùng hổ, khóc cười giả tạo, đánh nhau giả vờ, đuổi nhau giả vờ. Sân khấu diễn xuất như hoạt cảnh đội văn nghệ phường xã quận huyện nào đó, đội văn nghệ tổng công ty nào đó, trường học nào đó. Ca hát trình độ âm nhạc thanh nhạc cũng như cảm xúc hầu như đều chập chững giản đơn. Văn chương thiếu vắng từ ngôn ngữ trở đi, ngôn ngữ nghèo nàn xơ cứng, làm sao diễn đạt tư tưởng cảm xúc cho được… Những ngành ta chưa điểm danh không phải là đã khá hơn.

Trở lại câu chuyện đang nói về sân khấu. Khoảng vài chục năm trước, người ta thấy nó vẫn còn khá hơn điện ảnh. Bây giờ, vài chục năm sau, thấy tốc độ xuống dốc sao mà nhanh chóng mặt, cùng với điện ảnh. Vài chục năm, đủ cho sân khấu thế giới trở nên tinh vi tinh tế hơn nhiều, lớn mạnh hoành tráng hơn nhiều. Ta hãy xem vở nhạc kịch Những người khốn khổ trên sân khấu Âu - Mỹ chẳng hạn. Đấy chỉ là một vở mang tính bình dân đại chúng, nhưng không một nếp nhăn trên phông màn trên quần áo nhân vật, một tổng hợp âm thanh ánh sáng phục trang đạo cụ hầu như không thấy sai sót. Sân khấu quay, đổi cảnh liên tục, toàn bộ không gian nhiều chiều đều cao đều xa đều rộng đều dài, tất cả đều hài hòa ăn khớp. Không cần nói là trên nền kỹ thuật như vậy, các nghệ sĩ cũng phải chuyên nghiệp ở mức cao và hết mình. Sự chuyên nghiệp hoàn chỉnh chưa phải đã làm cho tác phẩm có giá trị. Nhưng sự chuyên nghiệp phải là yếu tố cơ bản để từ đó nghệ thuật đích thực mới có điều kiện cất cánh nâng mình lên.

Nói như vậy, không khéo lại đang sa vào cái bóng ma so sánh theo kiểu thực dân mà tôi đã nói trong một bài tiểu luận. Thì thôi, không so sánh. Nhưng mà thực dân đã ra đi từ lâu rồi, thời kỳ hậu thuộc địa có lẽ cũng qua lâu rồi, chẳng nhẽ vẫn còn giữ lại tàn dư của một xã hội hậu thuộc địa, ở đấy người ta không làm được một cái gì cho bài bản hẳn hoi tử tế. Ở đấy người ta vẫn cứ phải bằng lòng, bằng lòng tạm bợ, trước những phông màn nhăn nhúm và người ra vào lên xuống thản nhiên ngay bên cạnh sân khấu.