“Ngọn đèn pha’’ ngăn chặn lạm quyền

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:18 - Chia sẻ
Hoạt động giám sát quyền lực của QH, HĐND cùng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Tuy vậy, không ít vụ việc vi phạm pháp luật diễn ra trong thời gian dài và rất nghiêm trọng nhưng chậm bị phát hiện cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát, nhằm giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật còn kém hiệu quả. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát được Người ví như “ngọn đèn pha’’, vừa để giúp cho việc lãnh đạo đúng đắn, vừa ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực trong các cơ quan nhà nước các cấp.

Bài học chính quyền “công bộc của dân”

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh, đứng đầu và là linh hồn của Nhà nước rất coi trọng và quan tâm xây dựng nhà nước pháp quyền hợp pháp, hợp hiến với nền hành chính công vụ của dân, do dân, vì dân. Sau khi Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập tại phiên họp đầu tiên ngày 3.9.1945, với tư cách người đúng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách. Trong đó, nhiệm vụ thứ ba là phải có một Hiến pháp dân chủ và “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” làm cho Nhà nước ta trở thành Nhà nước dân chủ, hợp hiến. Không lâu sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 63 SL (ngày 23.11.1945) về tổ chức chính quyền địa phương, quy định HĐND do dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu, là cơ quan thay mặt cho dân; Ủy ban hành chính do các HĐND bầu ra là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ. Đây chính là những công cụ bảo đảm cho tính chất chính trị của dân, do dân, vì dân của nền dân chủ cộng hòa.


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận khảo sát và làm việc tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đam Rông 
Ảnh: N.Ngàc

Chuyển hóa những giá trị cốt lõi của thể chế dân chủ vào thực tiễn cách mạng nước ta, sau thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử bầu QH Khóa I ngày 6.1.1946 - cơ quan đại diện quyền lực cao nhất của nhân dân - công việc xây dựng chính quyền làng xã và bầu cử các đại biểu của nhân dân vào HĐND các cấp ở địa phương cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng. Người đã chỉ ra rằng “Các Ủy ban Nhân dân Làng, Phủ là hình thức chính phủ địa phương, phải chọn trong đó những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi của dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo nhân dân tín nhiệm. Nhất thiết không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào đó được”. Tư tưởng về “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” đã thấm sâu quá trình xây dựng chính quyền nhân dân, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng nước ta trong hoàn cảnh “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” lúc bấy giờ.

Ngày nay, đất nước hòa bình, đổi mới, hội nhập và phát triển, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bài học xây dựng chính quyền công bộc của dân vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương phải bám sát phục vụ lợi ích của nhân dân, “… phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng… mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng.” (Hồ Chí Minh - Sửa đổi lối làm việc.).

Đáng tiếc, trong quá trình thực thi chính sách ở các địa phương, có không ít những vấn đề liên quan đến quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị, ô nhiễm môi trường, BOT giao thông… cử tri và nhân dân còn bức xúc, bất bình nhưng phản ứng của cơ quan dân cử các cấp chưa kịp thời, chưa thể hiện đầy đủ vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân. Để cử tri phải thốt lên: Đại biểu của dân ở đâu? Điều này cho thấy, cơ chế phát huy quyền dân chủ của nhân dân và thực hiện dân chủ ở cơ sở cần phải được cải cách hiệu quả hơn.

Bài học cảnh báo về những “quan cách mạng”

 Thực tiễn công tác cán bộ hiện nay đang là vấn đề được người dân quan tâm nhưng còn nhiều bất cập. Người dân không biết hoặc ít biết về những “công bộc” sẽ được đề bạt để làm “đày tớ” cho mình, trong khi cán bộ lại có vai trò rất quan trọng đến đời sống của từng người dân. Tai mắt nhân dân ở mọi nơi, nếu có cơ chế đề cao vai trò của người dân trong công tác đánh giá, “chấm điểm” cán bộ, công chức thì chắc chắn nền hành chính quốc gia sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh, phục vụ nhân dân tốt hơn, đẩy lùi được nạn “chạy chức, chạy quyền” lạm dụng quyền lực trong bộ máy nhà nước.

Đối lập với những “công bộc của dân” là những “quan cách mạng”. Trước cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến Việt Nam học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) dự lễ ra mắt các ứng cử viên trước toàn thể nhân dân Thủ đô, Người căn dặn: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”. Đó cũng là lời cảnh báo sớm về nhận thức quyền lực nhân dân và việc sử dụng quyền lực đó đối với sự phát triển của đất nước trong buổi bình minh của nền dân chủ cộng hòa.

Trải qua hơn 7 thập kỷ xây dựng chính quyền nhân dân, quan điểm mọi quyền lực của đều thuộc về nhân dân đã khẳng định nhất quán bản chất của Nhà nước ta là nhà nước dân chủ, nhân dân ủy thác quyền lực của mình cho các cơ quan nhà nước các cấp, từ Trung ương đến địa phương thông qua hoạt động bầu cử bằng các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Ở nước ta, hai hình thức ứng cử luật định là tự ứng cử và được đề cử phù hợp với bản chất chế độ chính trị Việt Nam, phát huy được quyền làm chủ của mọi cá nhân và các tổ chức trong toàn bộ hệ thống, phù hợp với những giá trị phổ biến tiến bộ của nhân loại.

Tuy vậy, dân chủ, hay ý chí nhân dân trong bầu cử không chỉ trong bỏ phiếu mà còn thể hiện trong mọi thủ tục, trình tự tiến hành bầu cử, trong đó có quá trình hiệp thương. Nếu quá trình này không được đổi mới, khách quan, minh bạch thì rất có thể có những “quan cách mạng” lợi dụng “chui vào” bộ máy nhà nước làm tha hóa quyền lực nhân dân. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nguy hại nhất là khi được nhân dân ủy quyền, một số cán bộ, công chức “đã vác mặt làm quan cách mạng”, kéo bè, kéo cánh để thu vén lợi ích cá nhân, “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân’’.

Bài học coi kiểm tra, giám sát như  “ngọn đèn pha’’

Quan điểm thực hành dân chủ phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm được thể hiện rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Pháp luật về tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử các cấp không ngừng hoàn thiện, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015 được ban hành là một minh chứng. Hoạt động giám sát quyền lực của QH, HĐND cùng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời gian qua phát huy khá hiệu quả.

Tuy vậy, trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới, các phần tử cơ hội chính trị và “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường len lỏi mọi nơi trong đời sống xã hội. Theo đó, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân đã biến một bộ phận cán bộ, công chức có chức có quyền thành hủ bại, thành “giặc nội xâm”, sâu mọt hại dân. Không ít vụ việc vi phạm pháp luật diễn ra trong thời gian dài và rất nghiêm trọng nhưng chậm bị phát hiện, cho thấy, bài học về công tác kiểm tra, giám sát nhằm giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật, nhất là kiểm tra, giám sát ngay từ cơ sở còn kém hiệu quả, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.

 Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát được Người ví như “ngọn đèn pha’’ vừa để giúp cho việc lãnh đạo đúng đắn, vừa ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực trong các cơ quan nhà nước các cấp. Khi đã có chính sách đúng thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và nơi kiểm tra, giám sát; nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích.

Nguyễn Vân Hậu