Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng

Ngựa vằn ảo giác

- Thứ Hai, 03/08/2015, 08:25 - Chia sẻ
Là một họa sĩ tiên phong của trường phái Op Art (nghệ thuật thị giác), Victor Vasarely đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật với sự tính toán chính xác. Trong đó, Ngựa vằn (Zebras), vẽ năm 1937, thường được nhắc đến như tác phẩm điển hình, khởi đầu cho việc tạo ảo giác trong nghệ thuật và thiết kế hiện đại.

Ngựa vằn, tranh khắc gỗ của Victor Vasarely, kích thước 50 x 60cm, hiện thuộc sưu tập tư nhân

Trên nền đen tuyền, những vệt trắng được vẽ ra hoặc cũng có thể xem là những vệt đen bị cách quãng, đứt đoạn liên tục. Đôi ngựa vằn dường như lẫn vào nhau trong một mạng lưới...

Vasarely sinh tại Pecs, Hungary năm 1906, sau khi nhận được bằng cử nhân năm 1925, ông bắt đầu học nghệ thuật tại Podolini-Volkmann Academy ở Budapest. Đến năm 1928, ông chuyển đến Học viện Muhely, còn được gọi là Budapest Bauhaus, và theo học họa sĩ Alexander Bortnijik, bắt đầu nghiên cứu màu sắc và quang học từ thành tựu của Jaohannes Itten, Josef Albers và chủ nghĩa cấu trúc trong hội họa của Malevich và Kandinsky. Từ năm 1930, Vasarely đã trở thành một trong những người làm thiết kế đồ họa chuyên nghiệp. Thậm chí, ông còn là người sáng tạo ra các mô hình có tính liên kết với nhau trong không gian.

Có lẽ chính nền tảng đó đã tạo ra tư duy khác trong sáng tạo nghệ thuật của Vasarely. Thoạt nhìn tác phẩm Ngựa vằn có vẻ như đơn giản, bởi nó được tạo nên bởi các nét đen, trắng và trên một nền đen thăm thẳm. Nhưng nhìn kỹ, ta có thể thấy được sự tính toán kỹ lưỡng trong từng chuyển động của các đường vằn màu đen. Việc thay đổi kích thước các nét đen to nhỏ khác nhau theo chiều hướng khác nhau, liên tục, hoặc đứt quãng đã tạo nên tư duy thị giác. Người xem sẽ phải liên tục khám phá xem hình ảnh nào được tạo nên từ đường viền vô hình của các nét đen.

Không chỉ chịu ảnh hưởng của các bậc thầy của trường Bauhaus, các tác phẩm của Vasarely còn được xem là sự phát triển thỏa đáng học thuyết tâm lý học Gestal về thị giác. Tính tổng thể và bộ phận của hình ảnh tác động đến tâm lý con người khi nhìn nhận thế giới xung quanh. Do vậy, ảo giác sẽ được tạo ra trong những khoảng rỗng đặc của hình ảnh khi ta quan sát tổng thể hay bộ phận. Vasarely kết luận rằng, “hình học tự thân” có thể được nhìn thấy dưới bề mặt tổng thể, theo đó, hình thức và màu sắc không thể tách rời. Mọi hình thể đều thích ứng với màu sắc và chúng là thuộc tính của nhau. Do đó, các hình ảnh thiên nhiên đã được ông chuyển hóa thành các yếu tố trừu tượng. Điều này cũng được nhìn thấy khá rõ ràng trong bức tranh đôi ngựa vằn này. Không phải bỗng nhiên Vasarely lựa chọn nền đen cho tác phẩm. Chính sự ăn khớp giữa bên trong và bên ngoài của chuyển động giữa nét đen và khoảng trắng đã khiến cho đôi ngựa trở nên ảo ảnh hơn, đa chiều hơn. Người ta có thể nhìn thấy những không gian khác khi nhìn sâu vào bức tranh. Có thể xem đó kết quả của việc cách tân hội họa đơn sắc để tạo ra những vận động mà ông gọi là động học trực quan (Plastics cinétique), dựa trên nhận thức của người xem. Người xem lúc này đã trở thành tác giả sáng tạo lại theo nguyên tắc ảo giác quang học. Tác phẩm ngựa vằn cũng được Vasarely triển khai thành một series với những thay đổi, vận động của đường nét theo các thí nghiệm biến ảo khác nhau để tạo ra tính đa dạng trong thưởng ngoạn khám phá.

Càng về sau, Vasarely càng vẽ những tác phẩm thiên về nghệ thuật trừu tượng hình học có tính ảo giác. Các hình lồi và hình lõm được tạo nên từ các hình ảnh tròn vuông, tam giác thay đổi theo thấu kính, kích thước, tạo nên sự chuyển động một cách linh hoạt. Ông cũng thành công trong việc nghiên cứu các yếu tố hoán vị và tiếp nối nghiên cứu cách thức tạo ra các hình ảnh gây ảo giác. Chính điều này mà các tác phẩm của Vasarely trở nên khác biệt trong dòng chảy hội họa thế giới.

Trang Thanh Hiền