Người dân làm nên hòa bình (*)

- Thứ Sáu, 12/07/2019, 07:59 - Chia sẻ
Tấm lòng của bạn bè quốc tế, những người không phân biệt màu da, sắc tộc, đảng phái đứng lên đấu tranh vì hòa bình đã góp phần vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất cho dân tộc Việt Nam. Thắng lợi đó không chỉ mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam mà còn là niềm vui chung của đông đảo bạn bè quốc tế, những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

“Đoàn kết với Việt Nam”

Nếu như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), phong trào đoàn kết ủng hộ nhân dân Việt Nam chỉ giới hạn ở Pháp, với những tên tuổi đã trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết này là Henri Martin và Raymonde Dien, thì trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, phong trào quốc tế đoàn kết với Việt Nam đã diễn ra rộng khắp trên thế giới, từ châu Á sang châu Âu, Mỹ, tạo thành một làn sóng phản chiến mạnh mẽ. “Đoàn kết với Việt Nam” đã trở thành khẩu hiệu phổ biến không chỉ tại châu Âu mà ở nhiều quốc gia trên thế giới bấy giờ.


Chia sẻ khát vọng hòa bình là sức mạnh để chúng ta phấn đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn
Ảnh: Viết Thành

Những năm 1960 - 1970, hòa chung phong trào nhân dân thế giới chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, các tầng lớp nhân dân Thụy Ðiển đã rầm rộ xuống đường, mạnh mẽ ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đòi Mỹ rút quân, chấm dứt chiến tranh. Nhiều người Thụy Ðiển đã gác sự nghiệp để toàn tâm, toàn ý ủng hộ Việt Nam. Đó là nữ nhà văn Sara Lidman, bà từng chuyển sang viết báo, diễn thuyết ủng hộ Việt Nam dưới nhiều hình thức, trở thành một trong những người ủng hộ Việt Nam tiêu biểu nhất ở Thụy Ðiển và các nước Bắc Âu.

Từ Venezuela xa xôi, năm 1964, lực lượng du kích Caracas đã tổ chức bắt cóc viên trung tá không quân người Mỹ Michael Smolen để đổi mạng cho chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi, sau khi anh bị chính quyền Sài Gòn bắt và kết án tử hình. Câu chuyện này đã đi vào thơ, vào nhạc: “Ôi tên anh truyền khắp hoàn cầu, vọng về nơi Venezuela cuồn cuộn sôi trong muôn con tim, người du kích châu Mỹ Latin” (Nguyễn Đức Toàn).

Tại châu Á, ở các nước Campuchia, Lào, Nhật Bản… đều có phong trào chống Mỹ, ủng hộ nhân dân Việt Nam từ rất sớm và mạnh mẽ. Đã có hàng triệu công nhân Nhật Bản bãi công, hàng trăm nhà công nghiệp ở thành phố Sabo từ chối sản xuất vải đóng giày cho lính Mỹ ở miền Nam Việt Nam, thủy thủ tàu Bunenmaru ở Okinawa không chở trên 1.000 tấn vũ khí sang Việt Nam…

Khát vọng hòa bình và tình yêu nhân loại

Nhắc đến hòa bình, nhiều người khó có thể quên được phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam cũng âm ỉ ngay trong lòng nước Mỹ. Tại buổi gặp gỡ hữu nghị nhân dịp ra mắt cuốn sách “Người dân làm nên hòa bình” (tập hợp tự truyện của những nhà hoạt động xã hội lỗi lạc phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam - BTV) sáng 11.7, ông Bùi Thế Giang, nguyên Phó Trưởng đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Phó Chủ tịch Hội Việt - Mỹ cho biết, những người dân Việt Nam và Mỹ cũng như những người yêu hòa bình khác không bao giờ có thể nói đủ lời cảm ơn với hàng triệu người đã góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh đế quốc Mỹ gây ra cho Việt Nam. “Là người Việt Nam từng sống qua những ngày tháng chống chiến tranh phá hoại do Mỹ tiến hành, tôi hiểu những gian khổ và hy sinh từ cuộc chiến tranh ấy; càng thấm thía hơn hạnh phúc lớn lao mà hòa bình mang lại”.

Ông Bùi Thế Giang kể, khi đang là học sinh trung học, ông và bạn bè đã được biết câu chuyện tự thiêu của công dân Mỹ Norman Morrison vào sáng 2.11.1965, ngay trước Lầu Năm góc để phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. “Với tư cách là một người dân Việt, gần đây tôi vẫn chưa thật sự hiểu đủ, hiểu đúng về những gian khổ và hy sinh của người Mỹ trong công cuộc phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Cách đây 20 năm, vào tháng 4.1999, vợ ông Norman Morrison, bà Anne Morrison Welsh khi sang Việt Nam đã thổ lộ, bà phải chờ 34 năm sau khi chồng chết, 24 năm sau khi kết thúc chiến tranh để sang Việt Nam, đất nước mà vì nó chồng bà đã tự thiêu, cũng là lý do không ít người Mỹ từng bị coi là phản quốc khi phản đối cuộc chiến tranh này”.

Đối với người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam không dừng lại ở mục tiêu chính trị đơn thuần mà đã trở thành tiếng nói của chính nghĩa, sức mạnh của cuộc chiến đấu vì lương tri, phẩm giá con người, có giá trị thức tỉnh nhân loại tiến bộ. Ông Alexander Herrmann Hing, một tác giả tham gia cuốn sách “Người dân làm nên hòa bình” cho rằng: “Với những gì được chứng kiến, tôi nghĩ chưa ở đâu và chưa bao giờ trong lịch sử thế giới, phong trào đoàn kết vì một quốc gia, sức mạnh để vươn tới hòa bình lại lớn lao đến thế như ở Việt Nam”.

Nhiều người từng đặt câu hỏi: Vì sao Việt Nam và Mỹ có thể tiến đến quan hệ tốt đẹp như ngày nay? Vì sao nhân dân Việt Nam có thể tha thứ cho những tội ác trong chiến tranh mà chính quyền Mỹ đã gây ra cho người Việt khi đó? Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Nguyễn Phương Nga khẳng định: Hoạt động của những người bạn Mỹ trong việc hàn gắn nỗi đau chiến tranh, khắc phục tàn dư và hậu quả của cuộc chiến những năm qua chính là câu trả lời. “Truyền thống của người Việt là nhân nghĩa, vị tha, không muốn sống trong hận thù. Phong trào phản chiến, sự hy sinh lớn lao của những người tham gia đã làm cho chúng ta hiểu rõ người dân Mỹ cũng giống người Việt Nam, luôn mong muốn hòa bình. Cùng chia sẻ khát vọng hòa bình và tình yêu thương nhân loại, đó là sức mạnh để chúng ta tiếp tục phấn đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.

___________ 

(*) Nhà xuất bản Thế giới, phát hành quý I.2019

Hương Sen