Người dân phải được lựa chọn

- Thứ Ba, 25/08/2020, 05:41 - Chia sẻ
Người dân đi trên các tuyến đường Láng - Hòa Lạc, Nội Bài - Nhật Tân, Hà Nội - Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương… có thể sẽ phải trả tiền nếu phương án thu phí (hoặc giá sử dụng dịch vụ) đường cao tốc do Nhà nước đầu tư được các cơ quan có thẩm quyền thông qua.

Mới đây, bản đề xuất phương án thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đã được Bộ Giao thông - Vận tải gửi tới Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp để lấy ý kiến.

Trước đó, khi kiểm tra dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối tháng 7.2020, Thủ tướng đánh giá việc triển khai thu phí tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương là hết sức cần thiết và yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, cùng Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương xây dựng phương án thu phù hợp.

Trên thực tế, Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu việc khai thác tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (đầu tư bằng vốn ngân sách) từ giữa năm 2018 và nhiều lần báo cáo Thủ tướng. Tuyến đường này vận hành từ năm 2011 và Nhà nước đã bán quyền thu phí 4 năm (2014 - 2018), thu về gần 2.000 tỷ đồng. Với tổng đầu tư 9.884 tỷ đồng, dự án vẫn cần 6.000 tỷ đồng nữa để hoàn vốn (vay từ nguồn trái phiếu xây dựng công trình). Sau khi hết hợp đồng thu phí, dự án dỡ trạm dẫn đến việc xe container, xe tải hạng nặng bỏ Quốc lộ 1 chuyển qua đi đường cao tốc (miễn phí) làm đường xuống cấp trầm trọng, tốc độ tối đa cho phép từ 120km/h giảm xuống còn 60 - 80km/h. Ngoài ra, ngân sách phải bỏ ra thêm 134 tỷ đồng để bảo dưỡng, quản lý... trong khi việc quản lý tuyến đường khó khăn hơn trước.

Tuy vậy, Luật Giao thông đường bộ hiện hành chưa đưa nội dung thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vào danh mục thuế và lệ phí nên các bộ chưa có cơ sở để đề xuất thu. Trong khi chờ sửa luật, thay vì chỉ bó hẹp trong phạm vi tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương như ban đầu, Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng đề án thu phí đường cao tốc trên toàn bộ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Chủ trương này thực tế cũng đã được “bật đèn xanh”. Tại Nghị quyết số 117/2020/QH14, Quốc hội đồng ý chuyển đổi phương thức đầu tư 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam (từ đối tác công - tư sang đầu tư công); đồng thời yêu cầu Chính phủ xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương.

Việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư không chỉ nhằm điều tiết giao thông, thu hồi vốn, nâng cao chất lượng dịch vụ trên tuyến đường đó mà quan trọng hơn đó là giúp Nhà nước có thêm nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông đồng bộ hơn cho đất nước. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi trong tương lai có thêm nhiều tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư được đưa vào sử dụng; ngân sách nhà nước đang chịu nhiều sức ép nặng nề mà chúng ta thì còn phải hoàn thiện gần 3.000km cao tốc nữa trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo tính toán của Bộ Giao thông - Vận tải, nếu thu phí trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; Hà Nội - Thái Nguyên, hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng. Sau này, nếu thu trên các tuyến Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị, Mỹ Thuận - Cần Thơ, La Sơn - Túy Loan, Cam Lộ - La Sơn, hàng năm ngân sách sẽ có thêm hơn 4.800 tỷ đồng.

Hiện Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí vào Danh mục phí, lệ phí tại Luật Phí và lệ phí. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng tình và gợi ý phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thu theo cơ chế giá dịch vụ, để tránh dư luận về việc “phí chồng phí” và gia tăng sức hút nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng đường bộ.

Dù thu theo hình thức nào thì nguyên tắc tối thượng phải tuân thủ đó là Nhà nước chỉ thu phí/giá trên những tuyến đường mà người dân có sự chọn lựa và đường ở đâu thì trạm thu phí đặt ở đó. Mức phí phải phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng, bởi vì người dân và doanh nghiệp cũng đang rất khốn khó vì dịch bệnh. 

 

 

 

 

 

Hà Lan