Tản mạn

Người lạ quen biết

- Thứ Năm, 20/02/2020, 08:35 - Chia sẻ
“Ông Tây” sắp có mặt tại Hà Nội và có bài giảng đại chúng tại Viện nghiên cứu cao cấp về Toán vào ngày 21.2 tới là một người - lạ - quen - biết: Yvo Desmedt - đại thụ của làng mật mã thế giới.

Năm 2003, tôi lần đầu tiên sang Mỹ dự hội nghị CRYPTO. Khác với EUROCRYPT được tổ chức quanh các nước châu Âu, ASIACRYPT quanh các nước châu Á - châu Úc, thì CRYPTO luôn được tổ chức tại một nơi - Santa Barbara. (Đây là 3 hội nghị quốc tế thường niên lớn nhất của Hội Mật mã thế giới). Nhưng chính điều đó gây cho tôi xúc động. Bữa tiệc ngoài trời vẫn luôn trên bãi cỏ này, và nơi đây 20 năm trước, vào những năm 1980, bố tôi* cũng đến dự CRYPTO. Tôi nhớ bố kể, tại đây, lần đầu tiên khái niệm zero-knowledge proof (chứng minh không để lộ tri thức) đã được đưa ra (ngày nay nó là khái niệm nền tảng được ứng dụng khắp nơi). Tôi khi đó nghĩ, có khi đang đứng cùng chỗ với bố 20 năm trước…

Trong khi đang mơ màng với những tưởng tượng về hình ảnh xưa trong bữa tiệc ngoài vườn, tôi bỗng rất ấn tượng với một ông Tây dáng người cao cao, đội mũ phớt rộng vành, vô cùng năng động, nói oang oang với mọi người. Ông là Yvo Desmedt - một cổ thụ của làng mật mã và một người có tính cách rất sôi nổi, ngẫu hứng.

Cũng vào những năm đầu 1980, ông là người chủ chốt khai sinh ra Mật mã ngưỡng (Threshold Cryptography), ở đó không phải một phía tập trung có toàn quyền giải mã mà phải có sự đồng thuận của ít nhất một nhóm đủ lớn. Mật mã ngưỡng hiện diện khắp nơi, trong các hệ thống phân tán. Chẳng hạn ta có thể làm mạng xã hội mà ở đó tài khoản cá nhân chỉ có thể bị truy cập nếu như có sự đồng thuận của cả ba phía: nhà cung cấp dịch vụ, đại diện an ninh mạng và đại diện tòa án. Điều đó giúp tránh sự lạm quyền.

Ông làm nghiên cứu về rất nhiều nhánh khác nhau, rất đa dạng, từ rất lý thuyết đến rất thực tế. Các lĩnh vực nghiên cứu bao rất rộng từ đưa vào các khái niệm mới, phá mã, tham gia nghiên cứu về xây dựng các hệ thống bầu cử, và cả hacking chúng, đến những lĩnh vực thực tế như e-passport, an toàn mạng, virus...

Tôi cũng có đôi kỷ niệm với tính ngẫu hứng của Yvo Desmedt. Hồi tôi sắp làm xong PhD, bỗng ông thầy đưa điện thoại cho tôi bảo: “Có Yvo Desmedt gọi điện muốn nói chuyện với cậu này!”. Cuộc nói chuyện diễn ra chóng vánh, đại ý là Yvo Desmedt rủ tôi sang làm post-doc ở University College London (UCL). Tôi cũng ngẫu hứng nhận lời ký luôn trong chớp mắt. Tôi làm việc cùng Yvo, Helger và viết chung hai bài báo. Một hôm, ông ta gọi tôi vào phòng, đột nhiên hỏi tôi có muốn sau post-doc làm giảng viên tại UCL không, thì đúng lúc tôi nói: “Tôi hôm nay cũng muốn nói chuyện với ông vì muốn xin dừng hợp đồng về lại Paris đây”. Yvo Desmedt thích chủ động đánh phủ đầu với những điều bất ngờ, thì lần này tôi lại làm ông bất ngờ. Sau một lúc tròn mắt, tưởng bực mình thì ông rủ tôi đi uống bia thâu đêm trong những khu phố nhộn nhịp của London, kể rất nhiều chuyện lý thú, những bí sử của ngành, và tâm sự cả cuộc sống cá nhân Âu - Mỹ của ông. Khả năng kể chuyện của ông rất đặc biệt, và những bài nói chuyện cũng như vậy.

Hội Mật mã Thế giới (IACR) từ năm 2004 mỗi năm trao IACR Fellow cho tầm 5 người có đóng góp lớn cho ngành, và năm 2010 ông được trao. Ông cũng là thành viên Viện Hàn lâm Hoàng gia khoa học Bỉ, nơi ông sinh ra...

* GS Phan Đình Diệu

Phan Dương Hiệu