Người nghèo Văn Giang đổi đời từ tín dụng chính sách

- Thứ Ba, 25/08/2020, 06:43 - Chia sẻ
Vốn là huyện thuần nông, cây trồng chủ yếu là đay, ngô và đỗ, lạc nhưng nay huyện Văn Giang, Hưng Yên đã trở thành một trong những vựa sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh lớn nhất nước. Đời sống người dân ổn định và sung túc; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 1,5%. Kết quả này, ngoài những định hướng phát triển đúng đắn, phù hợp của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự đồng thuận của nhân dân, còn có sự hỗ trợ kịp thời từ các chương trình tín dụng chính sách.

Trao cơ hội cho người dân thoát nghèo

Mặc cho dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, người dân xã Liên Nghĩa, Văn Giang vẫn không từ bỏ cánh đồng hoa, cây cảnh. Với họ, dù dự đoán sức mua hoa, cây cảnh Tết năm nay sẽ giảm sâu nhưng “bao nhiêu vốn liếng đã đổ hết lên đây rồi, không làm, không được” - anh Hoàng Văn Đô, thôn AB Quán Trạch, xã Liên Nghĩa chỉ tay vào ruộng quất lọ bonsai bắt đầu câu chuyện.

Anh Hoàng Văn Đô chăm sóc cho vườn quất bonsai

Ảnh: Trần Việt 

Ở Liên Nghĩa, hầu như ai cũng tường tận về hoàn cảnh của người nông dân Hoàng Văn Đô - điển hình về sử dụng vốn vay chính sách làm kinh tế vườn. Năm 2018, từ 50 triệu đồng vốn vay chương trình hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Văn Giang, anh Đô đã đầu tư mua chum, lọ để trồng 500 gốc quất, bưởi cảnh… và chỉ 1 năm sau, khoản đầu tư này đã mang về cho anh Đô khoản lãi 170 triệu đồng. “Năm nay, tôi đã bỏ vào chỗ quất lọ bonsai này 400 triệu đồng; lại còn mất bao công cứu cho quất khỏi bị cháy rễ do nắng nóng kéo dài” - anh Đô chia sẻ.

Giống như anh Đô, anh Hoàng Văn Tiến cũng vay 50 triệu từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH huyện Văn Giang để cải tạo chân ruộng trũng thành vườn trồng cây ăn quả, cây hoa cảnh. Sau gần 5 năm, anh Tiến đã có trong tay 150 gốc bưởi, 400 gốc quất lọ bonsai và 600 gốc quất truyền thống. Riêng năm 2019, doanh thu từ quất, bưởi cảnh đạt 300 triệu đồng; trừ chi phí, anh Tiến còn lãi hơn 100 triệu đồng.

Chia sẻ thêm về hiệu quả sử dụng vốn ưu đãi của các hội viên, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân kiêm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn AB Quán Trạch Hoàng Đức Trình cho biết, hơn 10 năm làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn, anh đã chứng kiến 60 hộ trong Chi hội thoát nghèo; thậm chí nhiều trong số đó giờ đã có trong tay cơ ngơi khang trang, trị giá hàng tỷ đồng. “Cá nhân tôi mừng lắm. Mừng vì hội viên của mình đã biết cách làm ăn và sử dụng vốn vay hiệu quả và quan trọng hơn, Đảng, Chính phủ đã luôn theo sát, hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, cho họ cơ hội để đổi đời” - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn Hoàng Đức Trình nói.

Hiện nay, Tổ của anh Trình đang có dư nợ hơn 1,5 tỷ đồng của NHCSXH với 45 hộ đang vay vốn. Trong đó, còn 1 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. “Chúng tôi đã cam kết, sớm đưa 2 hộ này ra khỏi danh sách hộ nghèo và cận nghèo trong năm nay” - Anh Trình quả quyết.

Giúp dân giảm thiểu tác động của dịch bệnh

Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Văn Giang Nguyễn Đức Phong, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ, NHCSXH huyện Văn Giang đã triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

NHCSXH huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác của NHCSXH thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, cho vay bổ sung đối với khách hàng đang vay vốn. Để làm tốt công tác vay vốn, NHCSXH huyện đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, Đài Truyền thanh huyện, Cổng thông tin điện tử huyện tuyên truyền chính sách cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ nhu cầu vay vốn của nhân dân, NHCSXH huyện Văn Giang đã trình cấp trên bổ sung vốn và tổ chức giải ngân kịp thời, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tính đến 31.7.2020, NHCSXH huyện Văn Giang đã thực hiện giải ngân cho 1.542 lượt khách hàng vay vốn với tổng số tiền 57 tỷ 258 triệu đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời đến với bà con để sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong công tác xã hội từ thiện, NHCSXH huyện Văn Giang đã tuyên truyền, vận động cán bộ viên chức tích cực nhắn tin và tự nguyện đóng góp 1 ngày lương để ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19; ủng hộ Trung tâm Y tế Văn Giang số tiền 5 triệu đồng để mua sắm dụng cụ, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài những biện pháp hỗ trợ trên, cán bộ NHCSXH từng địa bàn trong huyện luôn sát sao nắm bắt tình hình của từng hộ vay; kịp thời báo cáo và tháo gỡ khó khăn cho bà con; giúp bà con yên tâm sản xuất và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của đại dịch.

Bình Nhi