Nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất

- Thứ Bảy, 15/02/2020, 07:35 - Chia sẻ
Doanh nghiệp sản xuất, các làng nghề đang lo dịch Covid-19 nếu kéo dài sẽ làm đình trệ sản xuất do thiếu nguồn linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc và người lao động đối mặt với nguy cơ không có việc làm...

Làng nghề thấp thỏm

Gần tháng nay, các hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ ở xã Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) thấp thỏm theo dõi tình hình dịch bệnh. Hầu hết các xưởng vừa mới hoạt động trở lại sau Tết Nguyên đán nên cường độ công việc chưa cao, nhưng nếu dịch bệnh còn kéo dài thì cả làng nghề Hữu Bằng sẽ bị tác động tiêu cực. 

“Những hộ chuyên sản xuất sofa sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên vì phần lớn nguyên liệu da, vải nỉ, phụ liệu đều nhập khẩu từ Trung Quốc”, anh Nguyễn Hữu Cường, chủ xưởng sofa nội thất Cường Thanh cho biết. Theo anh Cường, các kho vải ở Hữu Bằng từ trước Tết đã bán gần hết hàng, hiện nguyên liệu vẫn đủ dùng trong khoảng 2 tháng nhưng có ít mẫu để khách lựa chọn. Tình hình trước mắt không quá đáng ngại, song nếu dịch bệnh kéo dài, cửa khẩu không được thông thương thì làng nghề gỗ Hữu Bằng sẽ đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất.


Các xưởng sản xuất sofa sẽ chịu tác động đầu tiên từ dịch Covid-19

Chị Nguyễn Thị Yến, chủ xưởng nội thất Việt Trung cũng tỏ ra lo lắng, xưởng của chị quy mô lớn, vừa sản xuất, vừa nhập khẩu các sản phẩm nội thất, gỗ thịt từ Trung Quốc về bán. “May mắn là giờ đang đầu năm ít khách nên việc kinh doanh chưa bị ảnh hưởng nhiều”, chị nói. Hơn nữa, việc xuất khẩu các sản phẩm sang châu Âu cũng bị ảnh hưởng vì phần lớn hàng đều qua kênh phân phối ở Trung Quốc. Nếu dịch bệnh kéo dài, hoạt động xuất, nhập khẩu gặp khó khăn, xưởng của chị Yến sẽ chỉ tập trung sản xuất đồ nội thất. Khi đó, nguyên liệu gỗ thì không đáng ngại nhưng phụ liệu cho các sản phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn. “Phụ kiện của Trung Quốc mẫu mã đa dạng, có nhiều lựa chọn. Sản phẩm của Việt Nam giá cả không cạnh tranh hơn là mấy, lại ít mẫu mã. Ví dụ, tay nắm tủ quần áo, tủ bếp, hàng Việt Nam chỉ có khoảng 15 mẫu thì hàng Trung Quốc có 50 - 70 mẫu”, chị Yến cho biết.

Doanh nghiệp lo âu

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của nước ta, đặc biệt làm gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Nếu tình hình nguồn cung nguyên liệu đầu vào và thị trường xuất khẩu không sớm được cải thiện thì khả năng cầm cự của các doanh nghiệp chỉ hết tháng 2.

Đại diện Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, khoảng 70 - 80% doanh nghiệp thành viên vẫn còn nguyên liệu sản xuất trong vòng 2 - 3 tuần nữa. Một số ít doanh nghiệp còn nguyên liệu đến cuối tháng 2 và rất ít doanh nghiệp đủ nguyên liệu sản xuất đến giữa tháng 3. Phó Chủ tịch Lefaso Diệp Thành Kiệt cho biết, đối với ngành da giày, hiện các doanh nghiệp trong nước đã chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu các loại. Trong đó, ở phân khúc cao cấp, ước ảnh hưởng khoảng 20%. “Thiệt hại nặng nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng thấp cấp, hoặc chuyên xuất qua khu vực biên mậu vì phải phụ thuộc 100% nguồn cung từ Trung Quốc do chi phí rẻ”, ông Kiệt thông tin.

Tương tự, ngành dệt may phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, nếu dịch bệnh kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu dệt may nước ta khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu đầu vào, tăng chi phí sản xuất, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho biết. Trước tình hình này, Vitas khuyến nghị doanh nghiệp trao đổi với khách hàng, tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh.

Để bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất, một số doanh nghiệp dệt may, da giày đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Braxin... Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua quốc gia khác không hề đơn giản, đặc biệt về đơn giá, phía bạn hàng Trung Quốc luôn thấp hơn so với các nước khác, nên sẽ rất khó cạnh tranh.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhận định: Chỉ 1 - 2 tháng nữa sẽ thấy rất rõ tác động của dịch bệnh. Nguy cơ dừng sản xuất rất nhiều, việc trả lương cho người lao động, cộng thêm chi phí duy tu bảo dưỡng máy móc cũng là khoản chi lớn. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp Thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, các hãng điện tử như LG, Samsung thông tin nếu dịch Covid-19 không được ngăn chặn trong 2 tuần tới, các hãng sẽ không còn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại Cửa khẩu Lạng Sơn, nếu không được thông quan sẽ làm giảm tới 50% doanh số trong năm 2020.

Nhật Trường