Kỷ niệm 200 năm mất Đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020)

Nguyễn Du và những vần thơ bang giao

- Thứ Sáu, 25/09/2020, 08:12 - Chia sẻ
Trong cuộc đời mình, Nguyễn Du (1765 - 16.9.1820) đã có những đóng góp nhất định cho công cuộc ngoại giao dưới triều Nguyễn qua một lần đi sứ (1813 - 1814) và qua tập thơ chữ Hán “Bắc hành tạp lục” - những trang thơ bang giao, thơ đề vịnh lịch sử và phản ánh đời sống xã hội, con người, phong cảnh đất nước Trung Quốc dưới triều nhà Thanh những năm đầu thế kỷ XIX.

Nói riêng về chuyến Nguyễn Du đi sứ, gia phả chép: "Tháng Hai năm Quý Dậu (1813), ông được thăng Cần chánh Điện học sĩ, rồi có chỉ sai làm Chánh sứ tuế cống, cùng với các ông Phó sứ là Đàm ân hầu, Thiêm sự Bộ Lại; và Phong Đặc hầu, Thiêm sự Bộ Lễ, đi sứ Trung Quốc. Tháng Tư năm Giáp Tuất (1814) trở về kinh"...

Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ tuế cống với vai trò Chánh sứ, nghĩa là dẫn đầu đoàn sứ bộ đi cống hiến phẩm vật để thắt chặt mối quan hệ hữu hảo giữa hai quốc gia phong kiến, Nguyễn Du còn để lại tập thơ sứ trình Bắc hành tạp lục độc đáo. Tập thơ với 110 đề mục và 120 bài, đề tài đa dạng, tình cảm phong phú.

Nguyễn Du được đánh giá là nhà văn hóa - ngoại giao xuất sắc  

Phản ánh cuộc sống và đề vịnh lịch sử

Những bài thơ Nguyễn Du viết trên đường đi sứ được chia thành hai loại: Phản ánh đời sống hiện tại, những điều tai nghe mắt thấy và đề vịnh lịch sử. Trong tư cách một vị Chánh sứ, Nguyễn Du cũng như bao người đi sứ khác thường nói đến nỗi nhớ nhà, tình cảnh nơi đất khách quê người, những cảnh trí lạ lùng mà lần đầu được gặp, được biết, thưởng ngoạn. Song điều khác biệt là ông luôn nhạy cảm quan sát, phản ánh cuộc sống những người dân lao động bình thường như ông cháu người hát rong ở Thái Bình, người kéo xe ở Hồ Nam, thôn xóm bên trạm Tây Hà, thảm trạng những người đói rét và đặc biệt việc binh đao làm nghẽn đường: Đồng loong coong, sắt lanh canh,/Gà kêu, chó sủa, ngựa xe dồn lao nhanh./Nhà giàu cửa đóng, nghèo không đóng,/Dìu già, ẵm trẻ, chạy vào thành… (Bài hành về việc binh đao làm nghẽn đường - Ngô Linh Ngọc dịch).

Khi khác là hình ảnh người mẹ với ba đứa con đói rét đối lập với bữa tiệc phung phí của đám quan lại và một ý nghĩ bất chợt nảy sinh trong nhà thơ: Không biết trên đường quan,/Mẹ con ngồi đói rũ!/Ai vẽ giùm bức tranh,/Dâng thánh hoàng xem thử… (Những điều trông thấy - Ngô Linh Ngọc dịch).

Trong mảng thơ đề vịnh lịch sử, Nguyễn Du thường bày tỏ rõ tinh thần dân tộc và thái độ phản đối, mỉa mai viên tướng Mã Viện đời nhà Hán: "Cột đồng trụ chỉ có thể lừa đàn bà đất Việt - Xe ngọc châu rốt cuộc làm lụy con cái trong nhà - Họ tên chỉ đáng được ghi ở gác Vân Đài - Sao còn ngoảnh mặt về nước Nam sách nhiễu việc cúng tế?" (Miếu thờ Mã Phục Ba ở Giáp Thành). Nhìn chung Nguyễn Du am tường nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử Trung Quốc, đặc biệt những nơi còn để lại dấu tích mà ông gặp trên đường. Ông hết lời ca ngợi những danh nhân văn hóa, các bậc trung thần nghĩa sĩ như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Văn Thiên Tường, Hàn Tín và cũng phê phán, khinh bỉ những kẻ xâm lược, gian hùng như Mã Viện, Minh Thành Tổ, Tô Tần, Tần Cối... Trong tương quan chung, Nguyễn Du ngợi ca những bậc nghĩa sĩ, bày tỏ thái độ kính trọng Khuất Nguyên và chê trách Giả Nghị.

Trên hết cả, ông không chỉ nêu bài học giáo huấn, tấm gương đạo lý mà nhấn mạnh hơn về những khía cạnh nhân văn, nỗi niềm thế sự, những buồn vui, còn mất trong một đời người và cũng là chung cho mọi kiếp chúng sinh. Chính vì thế mà ông phê phán quyết liệt hiện thực ngang trái và đồng cảm với Khuất Nguyên, khuyên hồn ông đừng trở về cõi dương gian: Hãy sớm thu tinh thần về thái cực,/Chớ về đây nữa người mỉa mai./Hậu thế đều là bọn Thượng quan,/Mặt đất đâu cũng dòng Mịch La./Cá rồng không nuốt, hùm sói nuốt,/Hồn ơi, hồn ơi, biết sao mà? (Phản "Chiêu hồn" - Khương Hữu Dụng - Xuân Diệu dịch).

Cảm thương mọi kiếp người

 Nguyễn Du triệt để khai thác, liên tưởng, nhấn mạnh và đi đến nâng cấp, đúc kết những khía cạnh có tính muôn thuở của con người. Ông luôn đặt mỗi sự kiện, hiện tượng và nhân cách trong tương quan với bản chất sự sống, với cái vô cùng vô tận của thời gian và không gian. Chính vì thế mà ông luôn trở đi trở lại các mô típ nấm mồ, đứng trước mồ, bóng chiều, bóng đêm, gió tây, trời tây; luôn ngoái nhìn lại quá khứ với những tuổi xuân, tuổi trẻ, cảnh xưa người cũ đã một đi không trở lại; luôn luôn đặt mình vào một "ngày mai", khi mình đã nhắm mắt xuôi tay, đã đi qua cõi đời, đã cập bến hư vô mà gián cách chiêm nghiệm lại những tháng năm quá khứ. Qua các hình tượng nhân vật lịch sử Trung Quốc, một mặt ông bày tỏ rõ thái độ trước những thiện - ác, đúng - sai nhưng cũng đi tới chiết trung, coi mọi sự sang giàu, chức quyền, buồn vui cũng chỉ là hư ảo.

Trước đây Nguyễn Du khóc thương nàng Tiểu Thanh mà chạnh lòng xót xa cho thân phận mình một mai về cõi hư vô: Bất tri tam bách dư niên hậu - Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa - Người đời ai khóc Tố Như chăng?) thì bây giờ ông cảm thương mọi kiếp con người: Chân núi có thông cao, dưới thông là mồ mả,/Ngổn ngang gò đống đều là người đời xưa./ Tự do, tự tại không biết là đã chết,/ Hoa rụng, hoa nở, mùa xuân dài vô hạn./Đến ngày tế lễ, con cháu tưới uổng rượu xuống đất,/Giàu sang trên đời chỉ là mây nổi./Trăm năm rốt cuộc đều như thế cả,/Ngoảnh đầu nhìn lại chỉ thấy đám bụi mịt mù (Dọc đường cảm hứng).

Xuyên suốt nội dung tập thơ chữ Hán này là tiếng nói trữ tình, tiếng nói nhân văn giữa một thời tao loạn, tiếng nói khắc khoải tìm về ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người. Đứng giữa đất trời phương Bắc, Nguyễn Du chỉ ra những câu hỏi chung về số phận con người, chỉ ra những khát vọng giá trị nhân văn chung cho mọi kiếp chúng sinh...

Khác với nhiều người, những đóng góp của Nguyễn Du trên lĩnh vực ngoại giao không chỉ đo đếm bằng việc hoàn thành nhiệm vụ tuế cống để rồi ngay sau đó được thăng thưởng, mà còn cần đặc biệt đánh giá cao phần sáng tác thơ ca, phần giá trị văn hóa mà ông để lại cho đời. Xét trên phương diện ngoại giao, ông là nhà văn hóa - ngoại giao xuất sắc. Xét trên phương diện văn hóa, ông là nhà ngoại giao - văn hóa xuất sắc. Trên cả hai tư cách, Nguyễn Du là người đóng vai trò cầu nối tình bằng hữu, niềm cảm thông giữa những người dân hai nước Việt - Trung, người để lại những vần thơ giàu giá trị nhân bản và còn tỏa sáng đến muôn đời sau.

PGS. TS. NGUYỄN HỮU SƠN
(Viện Văn học)