“Nhà nước của nhân dân” cần thể hiện cụ thể trong Hiến pháp

- Thứ Ba, 05/03/2013, 08:26 - Chia sẻ
Chương mở đầu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định: “Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Tuyên ngôn đó cần được thể hiện sâu sắc, cụ thể, có tính khả thi trong sửa đổi Hiến pháp lần này.

Nhà nước pháp quyền, có nghĩa sự điều hành đất nước, quản lý xã hội được thực hiện bằng pháp luật, mà trước hết là Hiến pháp-đạo luật gốc; đạo luật cơ bản này cần vững chắc, nhất khoát, mạch lạc để các luật khác phải hướng theo. Hạn chế phần sau của mỗi điều khoản thường có câu: “Theo quy định của pháp luật”, nhưng chờ mãi không thấy luật nào quy định cả, nên Hiến pháp khó khả thi. Hơn nữa sửa đổi Hiến pháp lần này cần thừa hưởng, chọn lọc Hiến pháp trước và trên cơ sở kết tinh những tinh túy từ thực tiễn đổi mới mạnh mẽ của nhân dân, của đất nước trong quá trình hội nhập.

Nhà nước “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” được thể hiện khá nhiều trong chương: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, nhưng xem ra quyền lực trực tiếp của nhân dân còn quá hạn hẹp và người dân vẫn còn băn khoăn: tại sao không kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” để Điều 30 của dự thảo sửa lại và bổ sung: “Công dân có quyền được trưng cầu dân ý về những vấn đề hệ trọng của địa phương, của đất nước”. Trưng cầu ý dân không những thể hiện: “Nhà nước của nhân dân...” mà còn khẳng định: “nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp”. Hiến pháp tiên tiến của một xã hội tiến bộ, phát triển, văn minh, cần tạo cơ hội nhiều hơn để người dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp. Do đó, nên sửa lại điều khoản cuối cùng theo hướng: “Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua cần tổ chức trưng cầu ý dân trước khi công bố”. Đồng thời ở Chương V, QH không cần phải: “Quyết định trưng cầu ý dân” nữa.

Như vậy Hiến pháp sẽ có tính khả thi cao. Không những chỉ đến khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, mà trong thực tế một số vấn đề lớn quan trọng khác cũng cần được trưng cầu ý dân. Tiền đề của vấn đề này trong Luật Ban hành văn bản QPPL có quy định: lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp, trước khi ban hành. Nhưng thực tế còn rất hạn chế, hơn nữa lấy ý kiến tham gia góp ý khác hẳn với trưng cầu ý dân. Lần này cần đưa vào Hiến pháp, sau đó luật sẽ quy định những vấn đề cần trưng cầu ý dân. Không những phạm vi cả nước, ở địa phương cũng có rất nhiều nội dung quan trọng, cụ thể, sát thực cần được trưng cầu ý dân trước khi tổ chức thực hiện. Như vậy, có những vấn đề lớn tác động đến nhiều người dân, cần được nhân dân “ưng thuận” sau khi cơ quan đại diện cho dân đã thông qua. Chính đây mới là quyền lực trực tiếp của nhân dân. Được như vậy không những thể hiện được “Nhà nước do nhân dân” mà việc thực thi pháp luật sẽ được đồng thuận, thông suốt hơn, hạn chế bức xúc, khiếu nại, tố cáo trong nhân dân.

Nhà nước “của nhân dân” cần thể hiện nhất khoát trong chương: “Chính quyền địa phương” của bản Dự thảo. Sau khi xác định: “Các đơn vị hành chính lãnh thổ”, Hiến pháp cần khẳng định: “Chính quyền địa phương có cơ quan HĐND do nhân dân trực tiếp bầu ra và cơ quan hành chính do HĐND bầu cử”, HĐND có ở tất cả các cấp chính quyền và đều thuộc hệ thống quản lý nhà nước, nhưng nhiệm vụ, quyền hạn riêng, có tính độc lập giữa HĐND với UBND. Biết rằng, HĐND ở các đơn vị hành chính lãnh thổ đang thí điểm và còn cân nhắc, nhưng thời gian thí điểm cũng đã khá dài, mọi tranh luận đã khá rõ, nên kết thúc để Hiến pháp lần này được cụ thể, rõ ràng. Không lý gì: “Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân” lại còn bị lập lờ, bỏ ngỏ trong sửa đổi Hiến pháp lần này. Chắc chắn năm trăm ĐBQH- “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân” sẽ đầy đủ trí tuệ và có cơ sở để quyết định chính xác vấn đề đó. Nếu cần thiết thì tổ chức “trưng cầu dân ý”.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này ghép HĐND, UBND thành chương: “Chính quyền địa phương” nhưng vỏn vẹn chỉ có năm điều khoản, chưa đủ khái quát khái niệm, tính chất, vai trò, vị trí của HĐND và UBND. Chỉ mới lướt qua chức năng, thiếu hẳn nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND. Có lẽ những người soạn thảo rất ít được làm việc ở HĐND và UBND ba cấp tại các địa phương. Trong lúc Chính phủ: “Phân công, phân cấp... tạo điều kiện để HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn”. Tính dân chủ, tự quản, tự quyết các vấn đề ở địa phương thuộc về HĐND, nhưng những nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản, cốt yếu nhất vẫn chưa được ghi trong Hiến pháp thì cũng còn băn khoăn thật! Nên chăng cần bổ sung vào Chương IX nội dung trên. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương với phương diện nhân dân trực tiếp bầu ra và ủy quyền cho cơ quan này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Vì: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” nên nhân dân có quyền giám sát hoạt động của HĐND, cử tri có quyền “bãi nhiệm” đại biểu HĐND.

Quả thật để nhân dân tín nhiệm lựa chọn bầu làm đại biểu và được làm việc ở cơ quan dân cử không hề đơn giản như nhiều người vẫn tưởng và cũng phải chịu nhiều áp lực lắm. Ở Việt Nam chưa có chức danh, tổ chức nào được hình thành ra từ bầu cử do nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp bỏ phiếu kín như đại biểu QH, đại biểu HĐND. Như vậy, chỉ có cơ quan dân cử mới đủ điều kiện để thực hiện quyền lực Nhà nước bằng hình thức dân chủ đại diện. Còn “các cơ quan khác của nhà nước” ở địa phương, không do dân bầu ra, các thành viên của cơ quan đó không chịu sự “bãi nhiệm” của cử tri thì không thể đại diện cho cử tri và nhân dân được. Vấn đề này cần khẳng định trong Điều 6 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, để không những xác định trách nhiệm chính trị của cơ quan dân cử, sứ mệnh lớn lao của đại biểu HĐND, mà còn thể hiện tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND trong tương lai; nhân dân càng khẳng định thêm trách nhiệm, quyền hạn cao cả, thiêng liêng khi cầm lá phiếu quyết định lựa chọn những người thật xứng đáng để mình ủy quyền thực hiện quyền hạn ở cơ quan quyền lựa Nhà nước.

Mong sao việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này vì dân nhiều hơn. Những người soạn thảo, các cơ quan thẩm quyền và nhất là QH -cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến tham gia đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân để bản Hiếp pháp mới tiến bộ hơn, dân chủ hơn.

Trần Quảng