Chính sách hỗ trợ kinh tế của các nước trước tác động đại dịch Covid - 19

Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp

- Chủ Nhật, 12/04/2020, 08:32 - Chia sẻ
Khởi phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), đại dịch Covid-19 giờ đã hiện hữu ở hầu hết ngóc ngách của địa cầu, đe dọa lớn tới sinh mạng nhân loại và đẩy nền kinh tế toàn cầu trước nguy cơ suy thoái. Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước đang khẩn trương triển khai hàng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh; đồng thời, giảm thiểu cú sốc kinh tế do đại dịch gây ra.

Giảm thiểu cú sốc kinh tế

Ưu tiên hàng đầu của thế giới hiện nay là ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhằm có thêm thời gian để phát triển và sản xuất vaccine chống Covid-19. Tuy nhiên, các biện pháp phòng, chống dịch cũng đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động, hàng triệu lao động mất việc làm. Các chuyên gia cảnh báo, kinh tế toàn cầu khó tránh khỏi suy thoái, trong bối cảnh nhiều lĩnh vực kinh tế bị đóng băng do dịch bệnh. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm trong năm nay và thế giới đối mặt với suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái năm 2007 - 2009. Trong đó, các thị trường mới nổi và các nước thu nhập thấp ở châu Phi, Mỹ Latin và châu Á đối mặt với rủi ro cao.

Công ty tài chính Goldman Sachs (Mỹ) ước tính, trong tháng 4 - 6, sản lượng kinh tế của Mỹ sẽ giảm 24% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên 9% trong những tháng tới. Tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo cơ bản sẽ giảm còn 2,1% và theo kịch bản xấu hơn năm 2020 sẽ giảm xuống mức âm 0,5%, so với dự báo 5,8% vào năm 2019. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm còn 2,3% và thấp nhất còn 0,1% vào năm 2020, so với dự báo 6,1% vào năm 2019. Theo công ty xếp hạng tín dụng Fitch (Anh), kinh tế thế giới được dự đoán sụt giảm 1,9% trong năm 2020. GDP của các nước Mỹ, khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh dự kiến sẽ sụt giảm lần lượt 3,3%, 4,2% và 3,9%. Mặc dù sản xuất của Trung Quốc đang phục hồi sau khi gián đoạn trong quý I.2020 nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái toàn cầu, với tăng trưởng dự báo dưới mức 2%.

Điều đáng nói là tình hình hiện nay rất khác so với các cuộc khủng hoảng kinh tế vĩ mô từng xảy ra trong quá khứ, bởi các biện pháp chống suy thoái truyền thống mâu thuẫn trực tiếp với các biện pháp chống dịch bệnh hiện nay. Không có chính sách kinh tế vĩ mô thông thường nào lại khuyến khích khách hàng ở nhà cả. Các chuyên gia cho rằng, hơn lúc nào hết, Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp. Các chính sách đưa ra trong thời đại dịch cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động trong khi vẫn bảo đảm quá trình ra quyết định được tiến hành phù hợp với bối cảnh thế giới đang tạm thời giãn cách.

Nhiều nước đã tung ra các gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp nhằm giảm thiểu cú shock kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Theo tính toán của IMF, đến nay, các chính phủ trên khắp thế giới đã đưa ra nhiều biện pháp tài chính trị giá lên tới 8.000 tỷ USD. Song IMF nhấn mạnh, các nước cần tiếp tục có biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh và hỗ trợ hệ thống y tế; bảo vệ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bằng các biện pháp tài chính phù hợp, kịp thời, có trọng tâm song cũng phải bảo đảm giảm áp lực lên hệ thống tài chính và có kế hoạch sẵn sàng cho sự phục hồi kinh tế. Giới chuyên gia cho rằng, nền kinh tế thế giới có phục hồi nhanh chóng hậu Covid-19 hay không phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách được đưa ra trong đại dịch.

Nhắm đối tượng cụ thể

Đại dịch Covid-19 đang tác động trực tiếp tới các lĩnh vực kinh tế như bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, giao thông vận tải, du lịch và các đối tượng doanh nghiệp tự chủ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, các biện pháp hỗ trợ của nhiều nước cũng nhắm vào những đối tượng cụ thể.

Ở Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành thành luật gói giải cứu kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD, quy mô chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối những năm 2000. Gói giải cứu gồm các khoản chi trả trực tiếp trị giá 1.200 tỷ USD cho người dân Mỹ; 150 tỷ USD dành cho hỗ trợ ngành y tế; 500 tỷ USD để hỗ trợ chính quyền địa phương và công ty ở các bang cũng khoản tiền 350 tỷ USD để cho vay và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.

Tại châu Âu, Anh đã tung ra gói giải cứu chưa từng có tiền lệ, trị giá 330 tỷ bảng Anh (gần 400 tỷ USD), tương đương 15% GDP của nước này. Gói giải cứu bao gồm các biện pháp hỗ trợ tài chính dành cho cá nhân và doanh nghiệp. Trong đó, chủ doanh nghiệp có thể yêu cầu Chính phủ cho trả tới 80% lương cho người lao động nếu người lao động không thể đi làm hoặc được cho nghỉ, với mức chi trả tối đa hàng tháng 2.500 bảng Anh. Các khoản thuế và chi trả bảo hiểm sẽ được khấu trừ như thường lệ. Doanh nghiệp có thể tham gia chi trả cùng Chính phủ nhưng không bắt buộc. Những doanh nghiệp tự chủ có thể nộp đơn xin miễn giảm thuế tới 80% giá trị lợi nhuận từ giao dịch thương mại trong ba tháng tới. Bên cạnh đó, những công ty nào đang nợ thuế cũng được miễn phí phạt do nộp chậm, trì hoãn thanh toán hoặc thanh toán theo từng đợt. Ngân hàng Anh cũng áp dụng lãi suất cho vay ở mức 0,1%, giảm từ mức 0,75% hồi đầu tháng 3, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong lịch sử xứ sở sương mù. Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha cũng triển khai các biện pháp trị giá hàng tỷ USD nhằm bảo vệ các công ty và người lao động trước những tổn thất kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.

Ở nam bán cầu, chính phủ New Zealand tuyên bố chi 12,1 tỷ NZD (7,1 tỷ USD), chiếm 4% GDP, cho các hoạt động hỗ trợ kinh doanh, tăng cường phúc lợi cho người cao tuổi và các gia đình thu nhập thấp, chi trả cho người lao động không thể đi làm vì bị cách ly. Australia cũng bơm 17,6 tỷ AUD (tương đương 10,1 tỷ USD) vào nền kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nền bởi đại dịch.

Ở châu Á, Chính phủ Nhật Bản đã công bố gói hỗ trợ kinh tế trị giá lên tới 108.000 tỷ yen (tương đương 1.000 tỷ USD), tương đương 20% GDP của Nhật Bản, nhằm chi trả cho các biện pháp chống dịch Covid-19 và bảo vệ doanh nghiệp, việc làm. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, gói hỗ trợ kinh tế mới gồm các biện pháp tài chính như trợ cấp trực tiếp tiền mặt cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, có trị giá 300.000 yen (tương đương 2.750 USD); 26.000 tỷ yen cho chương trình hoãn nộp thuế và an sinh xã hội cho các doanh nghiệp.

Thái Lan cũng công bố một loạt biện pháp hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ dành cho nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình thu nhập thấp. Cùng với đó, Chính phủ nước này đã phê chuẩn nhiều biện pháp tài chính khác nhằm hỗ trợ ngành du lịch và giảm bớt ảnh hưởng do đại dịch gây ra.

Ngọc Khánh