Nhà văn và hai tổng thống

- Thứ Tư, 07/01/2015, 09:02 - Chia sẻ
Philip Roth phủ nhận Âm mưu chống Mỹ là bản cáo trạng về George W. Bush. Nhưng chủ đề tình trạng bất lực và sự thịnh nộ của cuốn tiểu thuyết chắc chắn đã gây tiếng vang trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2004.

Chân dung tiểu thuyết gia Philip Roth

Ngay trước khi Âm mưu chống Mỹ (The Plot Against America) công bố, tiểu thuyết gia Philip Roth phủ nhận cuốn tiểu thuyết mới của ông là một bản cáo trạng ám chỉ George W. Bush. “Một số độc giả sẽ nghĩ quyển sách này là tiểu thuyết ám chỉ hoàn cảnh hiện tại của Mỹ. Thế là sai lầm”, ông viết trong một bài luận dài trên tờ Thời báo New York phản đối cách hiểu này. Tuy nhiên, Roth nhắc lại chuyện Franz Kafka chẳng thể ngờ tiểu thuyết của mình được sử dụng vào mục đích chính trị. “Văn học được sử dụng cho mọi mục đích”. Roth cố gắng thể hiện nước đôi. Ông nhấn mạnh không có ý định viết cuốn tiểu thuyết thành chuyện ngụ ngôn chính trị, dù biết rõ rằng nó sẽ ra như vậy. Bài luận chẳng làm rõ Roth có nhạo báng Bush là “gã không xứng đáng lèo lái đất nước tới chỗ cô độc hiếu chiến” hay không.

Sự che đậy của Roth không chỉ là chiến thuật văn học khôn ngoan, mà còn là chiến thuật tiếp thị lão luyện. Âm mưu chống Mỹ là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông lọt vào danh sách bán chạy nhất sau 17 năm. Hai tuần trước cuộc bầu cử năm 2004, tác phẩm được cho là hư cấu của Roth nằm cạnh loạt sách phi hư cấu ủng hộ Tổng thống Bush. Mặc dù dao động từ tung hô như Lính Mỹ (American Soldier) của Tommy Franks, phê phán như Gia tộc (The Family) của Kitty Kelley, Chuẩn mực của tư lệnh (Chain of Command) của Seymour Hersh đến giễu nhại như Bushworld (đồng âm với bushwalk nghĩa là cuộc hành quân trong rừng sâu) của Maureen Dowd và nhất là Nước Mỹ (America) của Jon Stewart, chủ đề chính không thể phủ nhận của loạt sách này là Bush và sức ảnh hưởng mạnh mẽ của ông. Dường như chỉ có sự cân bằng khi tiểu thuyết gia nổi bật nhất đất nước lên tiếng. Bất cứ lời nào, chẳng hạn sự phủ nhận của Roth vài tuần trước khi cuốn tiểu thuyết ra mắt, là sự vuốt ve giới phê bình nghi ngờ ông chống đối cực đoan.


Biếm họa Tổng thống Bush và trùm khủng bố Osama bin Laden

 
    Cuốn Âm mưu chống Mỹ ám chỉ Bush?

Roth dư sức thừa nhận có một số điểm tương đồng giữa nước Mỹ thời Bush và nước Mỹ ông phác thảo trong những năm 1940 - 1942, thời mà cảm tình viên Đức Quốc xã Charles Lindbergh làm chủ Nhà Trắng nhờ lá phiếu bè phái và bắt đầu thực hành biện pháp lưu đày người Mỹ Do Thái, xoa dịu Hitler và thúc đẩy chủ nghĩa phát xít. Tổng thống Lindbergh mặc áo phi công đội mũ da đi khắp đất nước, từ trời sà xuống để công bố thắng lợi của sức mạnh Mỹ, hệt như Paul Berman bình luận trên tờ Thời báo, “bạn là tên ngốc cực kỳ” nếu không chợt nhớ lại hình ảnh Bush, trang phục bay màu nâu vàng nhạt, giày ống phi công, bước từ máy bay Navy I xuống tàu Abraham Lincoln để phát biểu bài Sứ mệnh đã hoàn thành. Bạn cũng rất ngốc nếu không hiểu quyết tâm vị kỷ của Lindbergh để “mọi cuộc chiến tranh nước ngoài không dính líu nước Mỹ” thể hiện lý lẽ biện minh của Bush khi tiến hành chiến tranh ở Iraq và Afghanistan: “Chúng ta đang chiến đấu chống khủng bố ở nước ngoài, thì chúng ta không đối mặt với chúng trong nước”. Lời lẽ nhạt phèo và lảng tránh của Lindbergh xuềnh xoàng thô kệch ương ngạnh y hệt của Bush. Gần gũi nhất với mọi độc giả vào năm 2004 là cảm giác sợ hãi liên tục gợi lên gần như suốt tiểu thuyết, “nỗi sợ hãi bất tận” có thể đảo lộn cuộc sống những nhân vật Do Thái của Roth, kể cả gia đình Roth, một cơn ác mộng trỗi dậy. Cậu bé Philip chín tuổi và cha mẹ không thể giũ bỏ nỗi ám ảnh thường trực rằng “có thứ đã bị phá hủy và biến mất, chúng tôi là người Mỹ mà phải chịu thấp kém so với người Mỹ”, tất cả là vì “thảm họa chính trị mất cân xứng kỳ cục dồn một xã hội tự do vào ách chế độ dùi cui”. Roth còn viết: “Họa vô đơn chí”. Người Mỹ năm 2004 có thể hiểu.

Cuốn tiểu thuyết khác xa bối cảnh năm 2004. Trên hết, Lindbergh rõ ràng là người yêu hòa bình, thắng phiếu lớn bằng cách khơi gợi sự sợ hãi chiến tranh của đất nước - khác xa chiến lược tranh cử năm 2004 của Tổng thống Bush kêu gọi lòng thèm muốn tiếp tục  “cuộc chiến chống khủng bố” của quốc gia. Roth vẫn tập trung vào kinh nghiệm của người Mỹ gốc Do Thái, vào nỗi hoài nghi rằng sự phân biệt đối xử với họ mơ hồ nhưng luôn tiếp diễn. Bạo lực không leo thang nhưng có hình thức cuộc tàn sát người Do Thái ở các thành phố lớn gần như sự tụ tập phá rối quyền dân sự cuối những năm 1960. Khác Bush, đường lối hoạt động của Lindbergh được lòng nhiều giới, ông tự lái máy bay mà không cần vệ sĩ nào kể cả lúc dầu sôi lửa bỏng, còn Bush nổi tiếng với chuyến bay vội vã chui vào hầm quân sự bí mật sáng ngày 11.9.2001. Độc giả rất khó sắp xếp cho cuốn tiểu thuyết tương ứng thực tế.

Khác biệt nổi bật là nhà đối lập Lindbergh dữ dội nhất: Walter Winchell phụ trách chuyên mục vấn đề Do Thái, người phê phán Lindbergh khắc nghiệt nhất trong tiểu thuyết của Roth. Winchell quá đáng, giận dữ, và tắc trách khi tấn công, chiếm được lòng biết ơn vô tận của gia đình Roth và hầu hết dân khu Newark. Họ gọi ông là “tiếng nói phản đối thù hận của chúng tôi”. Dân tình lâm vào bế tắc với những bài đả kích hàng tuần của Winchell. Các gia đình đổ ra đường để tranh luận những dự đoán lo ngại của họ. Khi chắc chắn rằng không ai thách thức nổi Lindbergh trong cuộc bầu cử tiếp theo, Winchell thông báo ông sẽ ứng cử. Không lâu sau đó, trong chuyến đi vận động chính trị, ông phải gánh chịu số phận tử vì đạo.

Không có Walter Winchell nào từ khởi đầu cho đến cuộc chiến Iraq, không ai có số liệu đáng tin cậy về Iraq để đối trọng với chính quyền và phe ủng hộ diều hâu. Ban biên tập Thời báo New York, Bưu báo Washington, Người New York và Cộng hòa mới hỗ trợ chiến tranh. Siêu sao truyền thông Oprah Winfrey mời chuyên gia Trung Đông thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Kenneth Pollock lên sóng nhằm quảng bá cho cuốn sách Bão tố đe dọa (The Threatening Storm) cổ vũ chiến tranh. “Giới trí thức then chốt từng vượt trội trong đời sống văn hóa Mỹ đã chìm vào im lặng”, nhà viết sử Tony Judt than thở trên trang Bình luận sách London năm 2006. “Chủ nghĩa tự do ở Mỹ ngày nay là hoạt động chính trị mà không dám nhận”. Vài nhà phê bình nổi bật về chiến tranh và một số ấn phẩm, đặc biệt là Bình luận sách New York, vẫn hoài nghi sâu sắc về tuyên bố và nỗ lực mở rộng sức mạnh của chính quyền (J. M. Coetzee bình luận cuốn sách Âm mưu chống Mỹ, David Cole cảnh báo chương trình ăn cắp thông tin cá nhân với bài Chú Sam đang theo dõi bạn). Nhưng không ai can đảm và thâm hậu như Winchell trong tiểu thuyết của Roth: “Người Mỹ còn chịu đựng sự phản bội của tổng thống do chính họ bầu bao lâu nữa? Người Mỹ sẽ ngủ mơ trong khi hiến pháp cao cả bị bọn nội gián phát xít trong vỏ Cộng hòa ngang nhiên diễu hành dưới bóng cờ và thánh giá xé ra từng mảnh bao lâu nữa?”.

Sự chào đón cuốn Âm mưu chống Mỹ chứng tỏ rằng người Mỹ muốn nghe một giọng nói như vậy. Đòi hỏi Philip Roth làm điều đó là quá nhiều, nhưng chính đáng. Không ai hiểu nhu cầu này hơn chính Roth. “Chúng ta có cảm giác bất lực với Bush”, Roth nói với Claudia Roth Pierpont, tác giả của cuốn tiểu sử phê bình Roth được cởi trói (Roth Unbound): “Không nghe đảng Dân chủ thốt ra bất cứ lời lẽ chính đáng nào. Họ bấu lấy cuốn sách này như mấu chốt giận dữ và thất vọng”. 

Tri Sơ lược dịch
Theo The Daily Beast