Kinh nghiệm tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp

“Nhân chứng” cho những vấn đề cần giải trình

- Thứ Năm, 10/09/2020, 06:17 - Chia sẻ
Theo kinh nghiệm của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp, cùng với việc chuẩn bị kỹ, thu thập đầy đủ thông tin, khảo sát, giám sát trực tiếp từ cơ sở... tùy vào tính chất nội dung phiên giải trình có thể mời một số đại diện cử tri tham dự. Cử tri là “nhân chứng” cho những vấn đề cần giải trình, đồng thời cũng là tuyên truyền viên khi những vấn đề yêu cầu giải trình được làm sáng tỏ.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức được nhiều phiên giải trình, đặc biệt là phiên giải trình về kết quả giải quyết những kiến nghị của cử tri; các kết luận tại các phiên giải trình, hội nghị chất vấn; các kiến nghị sau giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Hầu hết kết luận của chủ tọa đến nay cơ bản được UBND tỉnh, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các cơ quan liên quan có kế hoạch thực hiện, có biện pháp khắc phục cụ thể theo lộ trình, thời gian hoàn thành và báo cáo kết quả cụ thể trước HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất để cử tri theo dõi, giám sát. Tuy nhiên, số lượng phiên giải trình chưa nhiều. Người trả lời còn mang tính chất chung chung. Trong khi đó, đại biểu còn ngại, sợ va chạm; một số câu hỏi đặt ra còn mang tính chất hỏi cho biết, không truy trách nhiệm, thời gian khắc phục.

Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp tổ chức phiên giải trình kết quả thực hiện những kiến nghị từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Ảnh: Thu Trang

Xây dựng video clip, mời cử tri tham dự

Trên thực tế, nội dung yêu cầu giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp được đề xuất chủ yếu dựa trên cơ sở: Các kết luận sau giám sát của HĐND; qua việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; qua TXCT và giải quyết, trả lời các ý kiến kiến nghị của cử tri; đồng thời tham khảo nội dung các kết luận của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước những vấn đề còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém. Trên cơ sở những báo cáo giải trình của UBND và thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Thường trực HĐND phân công, giao nhiệm vụ cho các Ban HĐND tỉnh thẩm tra các báo cáo giải trình, khảo sát thực tế về tình hình thực hiện các nội dung giải trình và chuẩn bị tài liệu, hình ảnh minh họa…

Các phiên giải trình được tổ chức theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”. Thường trực HĐND tỉnh chỉ đưa nhóm vấn đề cần yêu cầu giải trình để làm rõ, không nêu câu hỏi cụ thể; khuyến khích sự tham gia đặt câu hỏi của đông đảo đại biểu HĐND tỉnh để làm sáng tỏ vấn đề cần giải trình. Các Ban của HĐND tỉnh phát huy vai trò của thành viên, tham gia đặt câu hỏi chất vấn trong những nhóm vấn đề quan tâm, trên cơ sở đó Thường trực, lãnh đạo ban cung cấp thông tin, nội dung cho đại biểu để thành viên ban nghiên cứu.

Theo kinh nghiệm của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp, chủ đề cần xây dựng video clip trong Hội nghị giải trình và nhóm vấn đề giải trình phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thu thập đầy đủ thông tin, tiến hành khảo sát, giám sát trực tiếp từ cơ sở hoặc nội dung cụ thể, điển hình. Có sự phối hợp chặt giữa Thường trực, các Ban, Văn phòng HĐND tỉnh với các cơ quan, đơn vị khác liên quan. Việc đặt câu hỏi tại yêu cầu cần đúng trọng tâm, có căn cứ xác đáng, địa chỉ cụ thể, yêu cầu trách nhiệm rõ ràng. Cần thiết phải bố trí những đại biểu chuyên trách hiểu biết sâu về nội dung đưa ra, chuẩn bị kỹ, đầy đủ các tài liệu để có thể tranh luận, làm rõ vấn đề.

Bên cạnh đó, ngoài những thành phần tham dự theo quy định, tùy vào tính chất của nội dung chất vấn, giải trình, Thường trực HĐND tỉnh có thể mời một số đại diện cử tri tham dự phiên họp khi cần thiết. Cử tri tham gia phiên họp chất vấn, giải trình không chỉ được chứng kiến hoạt động của đại biểu dân cử mà còn là “nhân chứng” cho những vấn đề cần giải trình, đồng thời cũng là tuyên truyền viên khi những vấn đề yêu cầu giải trình được làm sáng tỏ.

Phát huy vai trò "nhạc trưởng"

Các phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp đều được truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát chặt, tiếp nhận thông tin trực tiếp và đầy đủ hơn, đồng thời cũng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người được giải trình. Điều hành các phiên giải trình, chủ tọa cần linh hoạt, khoa học, mềm dẻo nhưng vẫn kiên quyết khi xử lý những tình huống phát sinh, tạo không khí tranh luận sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, nhưng vẫn mang tính xây dựng.

Trong mỗi vấn đề đặt ra, chủ tọa có thể đề nghị người giải trình đưa ra các thông tin, số liệu cụ thể chứng minh cho lập luận của mình; đồng thời, yêu cầu người trả lời tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, nhất là đưa ra các giải pháp khắc phục rõ ràng, có lộ trình thực hiện cụ thể để đại biểu, cử tri giám sát. Trường hợp cần thiết, chủ tọa có thể yêu cầu làm rõ đến cùng hoặc đề nghị dừng lại nếu thấy vấn đề chưa rõ và khó đạt được sự thống nhất để kết luận, đánh giá và nêu rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân xung quanh nội dung giải trình.

Sau mỗi nhóm vấn đề giải trình, chủ tọa cần có kết luận rõ ràng, gợi ý giải trình bổ sung nếu thấy cần để làm rõ vấn đề và có kết luận cụ thể từng nhóm vấn đề giải trình để có hướng xử lý, giải quyết kịp thời. Kết thúc phiên giải trình, chủ tọa xem xét kết luận hoặc ra nghị quyết về các nhóm vấn đề giải trình; đồng thời, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh phải tăng cường giám sát kết quả việc thực hiện và tạo sự đồng thuận để thúc đẩy công việc nhanh, hiệu quả hơn.

BẢO TRÂM