Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Quảng Trị Khóa VII

Nhận diện thách thức để tháo gỡ kịp thời

- Thứ Năm, 23/07/2020, 06:23 - Chia sẻ
Xác định 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và kế hoạch 5 năm 2016-2020, nhiều vấn đề cấp thiết liên quan đến kinh tế - xã hội của Quảng Trị đã được các đại biểu bàn bạc, thảo luận ngay trong ngày khai mạc với mong muốn tìm ra giải pháp căn cơ thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra.

Tăng trưởng đứng thứ 16 của cả nước

Bước sang năm 2020, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Quảng Trị tiếp tục đạt được những kết quả khá tích cực. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: So với nhiều tỉnh, thành có mức tăng trưởng âm, kinh tế Quảng Trị vẫn phát triển và có mức tăng trưởng đứng thứ 16 của cả nước, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,17% so với cùng kỳ năm trước. Góp phần đưa “con tàu kinh tế” vượt qua những trở ngại của đại dịch Covid-19, theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, yếu tố tạo nên kết quả đó chính là tỉnh luôn quán triệt xuyên suốt phương châm “Hành động quyết liệt - Về đích toàn diện - Tạo đà bứt phá” trong chỉ đạo, điều hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng phát biểu ý kiến.
Ảnh: Hải Phong

Với kịch bản kỹ lưỡng đã được thông qua, các trụ cột kinh tế của tỉnh đã được đổi mới tích cực. Trong đó, cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng theo hướng nông nghiệp phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, liên kết hợp tác; đặc biệt, sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 được mùa toàn diện, năng suất lúa đạt 58,7 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được tập trung chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn; có 266 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 3.594,6 tỷ đồng, tăng 33% về số doanh nghiệp…

Những con số tích cực đó đã tác động đến không khí của phiên khai mạc. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, nền kinh tế của Quảng Trị cũng đang đối mặt với không ít khó khăn và còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là, một số chỉ tiêu đạt thấp như tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách trên địa bàn, tạo việc làm mới, thu xuất nhập khẩu; tiến độ thực hiện và giải ngân một số dự án quan trọng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước còn chậm; công tác xúc tiến, vận động, thu hút đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu; hoạt động của các doanh nghiệp, các ngành dịch vụ, du lịch gặp nhiều khó khăn, phương thức kinh doanh chậm được cải thiện, đổi mới, chất lượng các dịch vụ…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu HĐND tỉnh đã đề ra trong năm 2020, tập thể UBND tỉnh đã nêu 9 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn nhằm khôi phục phát triển kinh tế. Cụ thể, tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu kinh tế đồng bộ theo các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình đã đề ra; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; thúc đẩy tổ chức sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ cao…

Trước đó, trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ chủ yếu những tháng cuối năm, đại diện các Ban HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh giải trình thêm các giải pháp đột phá để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển năm 2020 theo kế hoạch đề ra... Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng cho rằng, UBND tỉnh cần có chính sách kích cầu du lịch, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút và triển khai các dự án du lịch, tạo bước đột phá cho du lịch tỉnh phát triển. Đặc biệt, đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm bảo đảm các chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra; tiếp tục triển khai biện pháp đồng bộ đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN và thu hồi nợ đọng.

Xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm

Cũng tại phiên khai mạc, nhiều đại biểu băn khoăn về kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản. Theo báo cáo của UBND tỉnh, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2020 là 3.633 tỷ đồng, bằng 184% so với kế hoạch năm 2019. Tính đến ngày 20.6, dự ước tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển do tỉnh quản lý năm 2020 là 872 tỷ đồng, đạt 24% so với kế hoạch... Như vậy, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt thấp.

Trao đổi bên lề hành lang kỳ họp, nhiều đại biểu đề nghị HĐND tỉnh thống nhất các giải pháp theo Tờ trình của UBND tỉnh. Trong đó: Quy định mốc thời gian điều chuyển vốn đối với các dự án đến hết ngày 15.11.2020 giải ngân dưới 85% vốn kế hoạch, nhằm phù hợp với quy định của Chính phủ. Đồng thời, giao UBND tỉnh rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương kế hoạch 2020 của các dự án đến ngày 15.9.2020 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn được giao để bổ sung cho các dự án khác có tỷ lệ giải ngân tốt, cần đẩy nhanh tiến độ.

Còn theo các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, UBND tỉnh cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tích cực hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục triển khai thực hiện các công trình, dự án đã khởi công nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh để bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện các dự án… “UBND tỉnh cũng cần bổ sung giải pháp nâng cao hiệu quả giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện dự án chậm tiến độ, bị điều chuyển vốn hoặc thu hồi vốn; phương án tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, các dự án trọng điểm đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các bộ, ngành, Chính phủ cho ý kiến”, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Ánh đề xuất.

Trao đổi thêm, người đứng đầu UBND tỉnh, ông Võ Văn Hưng cho biết: Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung mọi nỗ lực thực hiện, quyết tâm giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Đồng thời, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát; duy trì chế độ giao ban xây dựng cơ bản; kịp thời tháo gỡ khó khăn để bảo đảm quản lý nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả đúng luật. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng…

Ngoài đầu tư xây dựng cơ bản, các đại biểu cũng cho rằng: HĐND tỉnh cần thống nhất không điều chỉnh dự toán, phấn đấu thu đúng, thu đủ, thu đạt dự toán để bảo đảm các nguồn chi theo nghị quyết HĐND tỉnh… Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Văn Khởi kiến nghị, các cấp, ngành công khai, minh bạch các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản; việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để  nhân dân, các cơ quan, tổ chức giám sát, phòng ngừa tham nhũng.

Diệp Anh