Sổ tay

Nhân rộng những sáng kiến tư pháp

- Thứ Bảy, 08/08/2020, 06:27 - Chia sẻ
Sau Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai… TP Hồ Chí Minh vừa thực hiện liên thông thủ tục cấp lý lịch tư pháp và giấy phép lao động cho người nước ngoài với thời gian giải quyết hồ sơ từ 20 ngày giảm còn 17 ngày, giảm được 15 % thời gian xử lý hồ sơ.

Theo đó, Quy chế thực hiện liên thông nhóm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại TP Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa; giảm giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân. Cụ thể, khi thực hiện liên thông hai thủ tục hành chính này thời gian giải quyết giảm từ 20 ngày làm việc xuống còn 17 ngày làm việc (giảm 15% thời gian so với thực hiện riêng lẻ từng thủ tục hành chính). Mô hình liên thông sẽ được áp dụng trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam (http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn), Cổng dịch vụ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (https://lltptructuyen.moi.gov.vn).

Theo mô hình này, người nộp hồ sơ có thể là người sử dụng lao động nước ngoài hoặc các tổ chức, cá nhân được ủy quyền thực hiện thủ tục cấp giấy phép lao động với thủ tục tối giản. Các giấy tờ trùng nhau giữa 2 thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đều được lược bớt. Đây là điều quan trọng nhất đối với cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính. Bởi tâm lý chung là khi bớt được giấy tờ là bớt thủ tục, bớt chi phí, bớt được công đoạn đến nhiều cơ quan hành chính để thực hiện thủ tục  - đây là e ngại lớn nhất hiện nay của người dân. Điều đáng nói, việc liên thông này sẽ thu hút được doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính tham gia vào việc chuyển hồ sơ hành chính giữa Sở Tư pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Công an và có trách nhiệm thu cước dịch vụ bưu chính đúng giá quy định của Nhà nước. Như vậy, việc thực hiện liên thông đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa, xã hội hóa một phần các dịch vụ công. 

Chính vì thế, không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, nơi có số lượng người lao động nước ngoài lớn với 19.534 người đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà thầu - thì gần đây nhất UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có Quyết định số 4346/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về cấp giấy và cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1, số 2 và dịch vụ dịch thuật công chứng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, về cơ bản, mô hình liên thông được áp dụng trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam (http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn) và Cổng dịch vụ đăng ký cấp phiếu trực tuyến (https://lltptructuyen.moi.gov.vn). Có thể thấy, ở các tỉnh, thành phố có số lượng lao động người nước ngoài (Hà Nội, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh...) đều ưu tiên việc liên thông các thủ tục, nhất là các thủ tục liên quan, có tính chất thủ tục này là điều kiện để thực hiện thủ tục kia. 

 Thời gian qua, việc liên thông hai thủ tục nêu trên được đánh giá là một sáng kiến của ngành tư pháp. Tuy nhiên, số lượng các tỉnh, thành thực hiện chưa nhiều. Vậy làm thế nào để sáng kiến này được nhân rộng ở hầu khắp địa phương, đây là một câu hỏi đặt ra đối với Bộ Tư pháp. Hơn nữa, hiện các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp, vấn đề liên thông hai thủ tục nêu trên cần được đưa vào nội dung đánh giá, tổng kết để có sự căn chỉnh phù hợp thực tiễn cải cách hành chính; đồng thời là cơ sở cho các địa phương chưa thực hiện liên thông. 

Phạm Hải