Pháp luật về lao động của các nước trên thế giới

Nhật Bản: Điều chỉnh để thích ứng với dân số già

- Chủ Nhật, 16/06/2019, 07:06 - Chia sẻ
Là một cường quốc phát triển bậc nhất thế giới, Nhật Bản được ví như “con rồng của châu Á”. Tuy nhiên, nước này đang rơi vào tình trạng già hóa dân số. Chính vì vậy, các nhà lập pháp ở đất nước mặt trời mọc đã phải nỗ lực cải cách luật pháp liên quan đến lao động để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển.

Khuyến khích người già làm việc

Hiện nay, tình trạng thiếu hụt nguồn lao động đang diễn ra ở khắp các ngành, nghề tại Nhật Bản vì già hóa dân số. Theo số liệu công bố của Chính phủ, cứ một trong ba người dân nước này sẽ ở độ tuổi 65 vào năm 2025. Năm ngoái, trong số 66,64 triệu lao động có độ tuổi từ 15 tuổi trở lên có 8,62 triệu lao động (chiếm 13%) ở độ tuổi 65. Một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu dân số và an ninh xã hội quốc gia Nhật Bản cũng cho thấy, 1/4 dân số sẽ bước vào tuổi 75 và cao hơn vào năm 2040. Cùng với tỷ lệ sinh giảm, dân số Nhật Bản sẽ giảm một phần ba vào năm 2060, và tại thời điểm này hơn 40% người Nhật cũng trên 65 tuổi. Trong khi đó, theo tính toán của Viện Nghiên cứu và tư vấn Persol thuộc Đại học Chuo, đến năm 2030, đất nước mặt trời mọc sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 6,44 triệu lao động.


Điều đó buộc Nhật Bản phải xem xét kéo dài tuổi làm việc của người lao động lên tới 70 tuổi. Các công ty trong nước được khuyến khích bảo đảm công việc cho lao động đến độ tuổi đó bằng nhiều hình thức, từ tiếp tục ký hợp đồng đối với những người đã nghỉ hưu đến hỗ trợ người lao động tìm công việc mới tại các công ty khác hay hỗ trợ tài chính cho các hợp đồng thuê việc tự do…

Thực tế, tuổi nghỉ hưu cho người lao động ở các công ty Nhật Bản là 60 tuổi nhưng người lao động vẫn có thể làm việc tới 65 tuổi nếu mong muốn và chủ lao động tuân thủ luật thuê lao động. Hiện nay, các trung tâm giới thiệu việc làm cho người trên 65 tuổi, hoạt động bằng ngân sách nhà nước và trực thuộc đơn vị hành chính, được thành lập ngày một nhiều như một giải pháp hỗ trợ người cao tuổi làm việc. Nhật Bản cũng đang cân nhắc lựa chọn mới cho phép trì hoãn nhận lương hưu đến năm 75 tuổi. Trước tình hình này, Chính phủ đã lên kế hoạch trình một dự luật lên Quốc hội vào năm tới để sửa đổi một số luật liên quan nhằm tạo việc làm ổn định cho người cao tuổi.

Tiếp nhận lao động nước ngoài

Bên cạnh việc khuyến khích người già tiếp tục cống hiến, cuối năm ngoái, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật nới lỏng các quy định về tiếp nhận người lao động nước ngoài để giải bài toán thiếu nhân lực cho thị trường lao động. Động thái trên cho phép mở cửa chào đón lực lượng lao động có trình độ thấp từ các nước, thay vì chỉ chấp nhận những đối tượng có tay nghề, trình độ chuyên môn cao như lâu nay.

Trước đây người Nhật thường phản đối lao động nhập cư và chỉ cho phép người nước ngoài làm việc ở một số lĩnh vực như giảng dạy, y học, công nghệ và luật. Bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4 năm nay, hệ thống cấp thị thực cho người lao động nước ngoài sẽ thu hút nhân công nước ngoài vào Nhật Bản làm việc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng, canh tác nông nghiệp và điều dưỡng vốn đang bị thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Theo hệ thống mới, lao động nước ngoài sẽ được tiếp nhận theo hai loại thị thực. Loại 1 không đòi hỏi người lao động có trình độ học vấn và kinh nghiệm cao trong khi loại 2 giành cho nhóm lao động làm việc cần kỹ năng cao hơn.

Để có được thị thực loại 1 - có giá trị tối đa 5 năm, người lao động cần vượt qua các bài kiểm tra tiếng Nhật và kỹ thuật. Người lao động đã trải qua chương trình thực tập kỹ thuật kéo dài hơn 3 năm có thể đăng ký xin thị thực loại này mà không cần phải thực hiện các bài kiểm tra. Tuy nhiên, những người lao động trong nhóm đó sẽ không được phép đưa gia đình tới Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản ước tính, thị thực loại 1 sẽ giúp tiếp nhận tối đa 47.750 lao động trong năm đầu tiên có hiệu lực. 5 năm sau, con số trên sẽ vào khoảng 345.150 lao động, trong đó có 60.000 lao động trong lĩnh vực điều dưỡng. Loại thị thực thứ 2 có mức yêu cầu ngặt nghèo hơn như phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cấp độ cao. Bù lại họ được phép đưa gia đình đi cùng và số lần gia hạn thị thực cũng không bị hạn chế. Từ đó, có cơ hội định cư tại đây.

Việc nới lỏng chính sách cho lao động nước ngoài đã nhận được sự đồng tình của của đa số người Nhật. Theo khảo sát mới nhất của Đài truyền hình TV Tokyo và báo Nikkei, có đến 54% người được hỏi ủng hộ chính sách trên, trong khi chỉ 36% phản đối. Phần đông người ủng hộ là giới trẻ với suy nghĩ cởi mở hơn những thế hệ trước.

Ngọc Minh