Nhật Bản không khoan nhượng với hối lộ

- Thứ Hai, 04/11/2019, 07:42 - Chia sẻ
Chỉ trong vòng một tuần, hai bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã phải từ chức sau khi bị cáo buộc có hành vi hối lộ. Pháp luật Nhật Bản đưa ra những quy định không khoan nhượng với hành vi hối lộ dưới mọi hình thức, dù đó chỉ là trái cây hay rau củ…

Hai bộ trưởng từ chức vì tặng quà

Người đầu tiên phải từ chức là Bộ trưởng Thương mại Isshu Sugawara, sau khi tạp chí Shukan Bunshun tố cáo thư ký của ông đưa tiền hương (món quà chia buồn trong đám tang) dưới tên Sugawara cho gia đình một người ủng hộ ông qua đời ở Nerima Ward, Tokyo. Tạp chí Shukan Bunshun đã công bố bức ảnh thư ký ông Sugawara cúi đầu và trao phong bì chứa 20.000 yen tại địa điểm tang lễ ngày 17.10. Một quan chức phòng tang lễ cho biết, việc thư ký gửi quà chia buồn theo lệnh của ông Sugawara là có hệ thống.

Tờ Japantimes cho biết, hành động đó vi phạm Luật Bầu cử với mức phạt lên tới 500.000 yen. Luật pháp quy định rằng việc tặng quà của các chính trị gia cho người dân trong khu vực của mình là bất hợp pháp, cho dù có hay không có bầu cử.

Tạp chí Shukan Bunshun trong tháng này công bố một loạt cáo buộc chống lại ông Sugawara, như lạm dụng thư ký, gửi tặng hải sản và hoa quả cho cử tri ít nhất 239 lần thời gian qua. Các món quà này gồm: Dưa lưới, cua, cam, trứng cá hồi, trứng tuyết.

Chưa đầy một tuần sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai cũng phải tuyên bố từ chức sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin Bộ của ông đã hối lộ cử tri bằng ngô, khoai. Thông thường giỏ quà của ông Kawai gửi cho cử tri lúc nào cũng có khoai tây và ngô. Thi thoảng nhỉnh hơn một chút thì có thêm vài quả xoài - thứ trái cây được xem như xa xỉ ở Nhật Bản.

Nguyên nhân ông Kawai quyết định ra đi phần cũng vì vợ ông là bà Anri Kawai, nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do đắc cử vào Thượng viện hồi tháng 7, bị cáo buộc trả tiền trợ cấp cho nhân viên vượt quá số tiền theo quy định của pháp luật trong thời gian vận động tranh cử. Theo tạp chí Shukan Bunshun, đội ngũ của bà Kawai đã trả 30.000 yen (276 USD)/ngày cho nhân viên nữ, những người chịu trách nhiệm phát khẩu hiệu từ xe ô tô trong chiến dịch tranh cử của bà. Số tiền này vượt quá mức quy định theo Luật Bầu cử là 15.000 yen/ngày. Ngoài ra, thư ký của bà Kawai được cho là đã tặng quà cử tri địa phương trong tháng này.

Cả ông Kawai và ông Sugawara đều được bổ nhiệm hồi tháng 9 trong đợt cải tổ nội các của Nhật Bản. Được bầu vào Hạ viện từ năm 1996, ông Kawai đóng vai trò như cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Abe. Trong khi đó, ông Sugawara có mối quan hệ thân thiết với Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga.

Cả hai đều nhanh chóng từ chức vì họ không muốn các cuộc điều tra ảnh hưởng đến công tác quản lý đất nước. Theo tờ New York Times, đây là “lối thoát nhanh chóng”, cho thấy ông Abe đang kiểm soát chặt chẽ bất cứ điều gì có thể gây bất ổn cho chính phủ. Tính đến cuối tháng này, ông Abe sẽ trở thành Thủ tướng nắm quyền lâu nhất ở Nhật Bản.

Khi được hỏi về việc hai nhân vật trong Nội các mới liên tiếp phải từ chức, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết: “Việc ông Kawai từ chức không lâu sau khi ông Sugawara từ chức đã vấp phải nhiều chỉ trích, và tôi xin nhận những lời chỉ trích đó”. Khi được hỏi sẽ chịu trách nhiệm như thế nào về việc này, Thủ tướng Abe cho biết ông sẽ tiếp tục nỗ lực để “lấy lại sự tin tưởng từ công chúng”, đồng thời tiếp tục “thực hiện nghĩa vụ của chính phủ”.

Quy định nghiêm ngặt

Ở Nhật Bản, việc tặng quà dính dáng đến chính trị là không được phép. Luật pháp Nhật Bản quy định hạn mức chính xác số tiền ứng viên trả cho nhân viên làm việc cho chiến dịch tranh cử của họ. Những quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng người nhiều tiền có thể giành được ưu thế không công bằng trong chính trị.

“Ngay cả khi đó chỉ là 10 yen hoặc 100 yen, thì việc các chính trị gia vi phạm quy tắc đó là không được chấp nhận” - giáo sư khoa học chính trị Hiroshi Shiratori của Đại học Hosei ở Tokyo cho biết. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đôi khi những quy định này hơi cứng nhắc. Ông Yujin Yaguchi, giáo sư nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Tokyo, cho rằng vấn đề ở đây là cách Nhật Bản tuân thủ cứng nhắc các quy định, không nhìn nhận bức tranh lớn hơn và cả những vấn đề phía sau đó.

Tặng quà là một phần quan trọng của văn hóa Nhật Bản. Chẳng hạn như khách đến nhà không bao giờ đến tay không. Các công ty tặng quà giữa năm và cuối năm cho khách hàng. Viếng tang thì gửi chút tiền hương nhằm giúp tang quyến chi trả kinh phí và thường được đáp lễ bằng món quà là trà hoặc rong biển khô.

Tuy nhiên, văn hóa này đã bị nhiều quan chức lạm dụng như một phương thức để đưa hối lộ và tham nhũng. Năm 2000, Itsunori Onodera, nghị sĩ Hạ viện, mất việc sau khi ông gửi tiền hương cho cử tri ủng hộ. Ông Itsunori Onodera giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2003 và từng là Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản.

Nhật Bản đã siết chặt các quy định về tặng quà trong chính trị kể từ một số vụ bê bối liên quan tới số tiền hàng triệu USD làm rung chuyển Nhật Bản trong thập niên 1970 và 1980. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka đã bị kết tội năm 1983 khi nhận hối lộ 2,1 triệu USD để dàn xếp thương vụ mua máy bay Lockheed cho Hãng Hàng không All Nippon Airway.

Quỳnh Vũ