Nhiệm vụ ưu tiên

- Thứ Bảy, 08/08/2020, 06:19 - Chia sẻ
Ngày mai (9.8), thí sinh cả nước sẽ bắt đầu bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sau gần 2 tháng trì hoãn. Đây là kỳ thi có một không hai bởi “tính chất đặc biệt” buộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chia làm 2 đợt thi khi dịch Covid-19 ở nước ta vẫn phức tạp. Theo đó, những địa phương không nguy cơ cao tổ chức thi theo kế hoạch, còn thí sinh ở những địa phương có cách ly xã hội hay thuộc diện F1, F2 sẽ thi sau.

Như vậy, sau nhiều ý kiến băn khoăn, đắn đo, cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vẫn được tổ chức theo đúng kế hoạch vào 2 ngày 9 - 10.8. Mục tiêu tổ chức kỳ thi “phải an toàn tuyệt đối, không chỉ về chuyên môn mà cả về sức khỏe” được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh nhiều lần tại các cuộc họp gần đây. Đây là một quyết định có thể nói là khó khăn, dũng cảm nhưng cần thiết, đồng thời đặt ra cho ngành giáo dục các địa phương nhiều vấn đề phải sẵn sàng tâm thế ứng phó trong 2 ngày thi tới, khi nhiệm vụ ưu tiên không chỉ là bảo đảm nghiêm túc, trung thực và công bằng về mặt nội dung.

Việc chống dịch quan trọng nhưng bảo đảm quyền lợi cho thí sinh cũng quan trọng không kém. Đây là kỳ thi quan trọng với học sinh, là cơ sở để xét tuyển vào các trường ĐH trên cả nước. Theo số liệu của Vụ Giáo dục Đại học, năm học này, tuy các trường đã có nhiều thay đổi tuyển sinh theo hướng có lợi cho thí sinh và phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng phương thức xét tuyển dựa vào điểm tốt nghiệp THPT vẫn chiếm hơn 50%. Hiện có 650.000 thí sinh với hơn 2,5 triệu nguyện vọng liên quan đến phương thức xét tuyển này. Do đó, việc giữ ổn định kỳ thi, không gây xáo trộn xã hội, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của học sinh cả nước là cần thiết. Các trường đại học cũng đang lên phương án phù hợp tình hình thực tế, căn cứ tình huống cụ thể để chờ kết quả thi đợt 2 rồi xét tuyển hoặc chia thành hai đợt tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Đến thời điểm này, hầu hết địa phương đã trong tâm thế sẵn sàng tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều địa phương đã tiến hành phun thuốc khử trùng, vệ sinh phòng ốc bàn giao cho điểm thi; bố trí phòng cách ly và phòng thi dự phòng trong trường hợp phát hiện thí sinh ho sốt; các điểm thi phải có nước rửa tay, rà soát tình trạng sức khỏe thí sinh; thí sinh đeo khẩu trang, bảo đảm giãn cách… Ngành giáo dục cũng phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương tổ chức các phương án giải tỏa nhanh thí sinh và phụ huynh sau khi kết thúc giờ làm bài, bảo đảm không tập trung đông người tại cùng thời điểm. 

Trong tình hình hiện nay, khi mọi công tác chuẩn bị đã gần như hoàn tất, phụ huynh và học sinh có thể tin tưởng vào một kỳ thi tốt nghiệp diễn ra an toàn, nghiêm túc. Tất cả đang nỗ lực để mỗi điểm thi là một “pháo đài” an toàn, tạo môi trường thoải mái nhất có thể cho thí sinh “vượt vũ môn” thành công. 

Trong lúc này, chính sự bình tĩnh, chia sẻ, chủ động hợp tác tốt của học sinh, phụ huynh sẽ góp phần lớn trong việc ngăn chặn, giảm thiểu phát sinh sơ suất. Bên cạnh chuẩn bị kỹ tâm lý, kiến thức cho kỳ thi, thí sinh và phụ huynh cũng cần chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch tại điểm thi. Đặc biệt chú ý đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, hạn chế đến nơi công cộng, không tập trung đông người trước, sau giờ thi tại các điểm thi; chủ động hợp tác với lực lượng chức năng, địa phương… góp phần cho sự thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Duy Anh