Huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội:

Nhiều bến thủy nội địa, bến khách ngang sông hoạt động không phép

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 09:01 - Chia sẻ
Qua kiểm tra thực tế công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý bến thủy nội địa trên địa bàn huyện Phúc Thọ, đoàn khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Đô thị HĐND thành phố đánh giá trên địa bàn vẫn còn nhiều bến thủy nội địa, bến trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD), bến khách ngang sông hoạt động không phép.

Vai trò quản lý của địa phương chưa thực sự hiệu quả

Báo cáo đoàn khảo sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Cường cho biết: Huyện Phúc Thọ có tuyến sông Hồng dài 12km nhưng chưa có đơn vị nào được cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông. Đồng thời, trên địa bàn còn có 9 bến thủy nội địa (bao gồm bến tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD), bến khách ngang sông). Thực hiện chỉ đạo của thành phố, tháng 6.2020, UBND huyện đã tiến hành kiểm tra thực tế tại tất cả những bến bãi trên địa bàn, qua đó xác định toàn bộ bến thủy nội địa, bến tập kết trung chuyển VLXD... đều không đủ điều kiện hoạt động, chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động theo quy định. Sau kiểm tra, UBND huyện đã yêu cầu đề nghị tạm dừng hoạt động các bến thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn; Công an huyện và Đội Thanh tra GT - VT đã ra quyết định xử phạt 3 bến không có giấy phép hoạt động với số tiền 7.500.000 đồng/bến; Phòng CSGT đường thủy xử phạt các bến khách ngang sông do đưa phương tiện vào khai thác không đúng công dụng, khai thác bến thủy quá thời hạn cho phép...

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện cho biết: Đoạn sông Hồng qua địa bàn có hiện tượng khai thác trộm cát, sỏi lòng sông nhưng các đối tượng này chủ yếu hoạt động lén lút vào ban đêm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng VLXD cát, sỏi và vận chuyển hành khách qua sông của người dân trên địa bàn hiện rất lớn. Do vậy, UBND huyện đề nghị UBND thành phố, các sở ngành liên quan sớm có văn bản hướng dẫn tổ chức lựa chọn đơn vị khai thác bến khách ngang sông, để các bến đi vào hoạt động đúng pháp luật. Ngoài ra, UBND thành phố cần hướng dẫn chi tiết để các hộ kinh doanh hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, triển khai đầy đủ dự án, bảo đảm các điều kiện để cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động đúng quy định.

Qua kiểm tra thực tế và lắng nghe ý kiến của địa phương và sở, ngành liên quan, các thành viên đoàn khảo sát khẳng định: Mặc dù chính quyền địa phương và các sở ngành đã ra quân kiểm tra, xử phạt song trên thực tế các bến thủy nội địa, bến tập kết trung chuyển VLXD, bến khách ngang sông trên địa bàn vẫn đang hoạt động "chui" bởi tất cả đều đã hết thời hạn cấp phép hoạt động, chưa hoàn thiện xong các thủ tục để được gia hạn hoặc cấp phép lại. Điều này cho thấy vai trò quản lý của chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa các sở ngành, ý thức chấp hành quy định pháp luật của chủ bến, bãi vẫn còn chưa quyết liệt, hiệu quả.

Đoàn khảo sát HĐND thành phố kiểm tra thực tế tại bến trung chuyển vật liệu xây dựng Vân Phúc (xã Vân Phúc)  

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Thay mặt đoàn khảo sát, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân ghi nhận kết quả đạt được của huyện Phúc Thọ trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý bến thủy nội địa, trong đó, thời gian qua huyện đã tăng cường kiểm tra giám sát và xử phạt những hành vi vi phạm. Tuy nhiên, Trưởng ban Đô thị đánh giá công tác quản lý trong lĩnh vực này còn bộc lộ không ít tồn tại, bất cập. Điển hình đó là việc các bến thủy nội địa, bến trung chuyển VLXD, bến khách ngang sông mặc dù đã hết hạn hoặc chưa được cấp phép nhưng trên thực tế vẫn đang hoạt động bình thường, vi phạm các quy định hiện hành. "Việc xử phạt và cho tồn tại như vậy chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý" - ông Nguyễn Nguyên Quân nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố đề nghị với những bến chưa được cấp phép, huyện phải kiên quyết đình chỉ hoạt động. Để làm được điều này đòi hỏi các cấp chính quyền từ huyện đến các phải tăng cường công tác kiểm tra, có biện pháp quản lý hiệu quả để các chủ bến tuân thủ các chỉ đạo trong khai thác, quản lý bến. Ngoài ra, UBND huyện và các sở, ngành sớm có những phương án giải quyết theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố. Trong đó, huyện Phúc Thọ phải chủ động trong việc rà soát các quy định của pháp luật để hướng dẫn chủ bến bãi thực hiện đúng thủ tục. Đồng thời, UBND huyện cần xây dựng phương án đấu giá đất để trình Sở Tài nguyên - Môi trường để báo cáo thành phố xem xét từng trường hợp cụ thể, tạo cơ sở để Sở Giao thông - Vận tải thực hiện cấp phép hoạt động cho các bến.

"Huyện Phúc Thọ cần chủ động phối hợp với các sở ngành kiểm tra thực tiễn thì mới có thể giải quyết nhanh, tạo điều kiện cho các bến được đưa vào khai thác, sử dụng đúng pháp luật, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước” - ông Nguyễn Nguyên Quân đề nghị

PHI LONG