Nhiều kiến nghị sửa đổi liên quan đến dự thảo Bộ luật Lao động

- Thứ Tư, 18/09/2019, 17:06 - Chia sẻ
Sáng ngày 18.9, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị”.

Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Viện trưởng Viện CIEM Trần Đình Cung nhận định, cần phải nhìn tổng thể người lao động, không nên nhìm một nhóm lao động ăn lương hay nhóm người lao động ở doanh nghiệp, do đó Dự thảo Bộ luật Lao động cần phải bảo vệ và sử dụng tốt nhất toàn bộ nguồn lao động ở Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, Bộ luật Lao động là Bộ luật có phạm vi điều chỉnh lớn và ảnh hưởng sâu rộng tới môi trường kinh doanh, tính cạnh tranh của nên kinh tế cũng như quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đối với thế giới. Hiện nay, Dự thảo Bộ luật Lao động đang trong quá trình được sửa đổi và lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động từ Bộ luật này. Trong bối cảnh xây dựng Bộ luật Lao động mới có rất nhiều các quy định đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo vệ quyền lợi cho người lao động cho thấy nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, hội nhập với xu thế phát triển quốc tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, ở một phương diện khách quan khác thì cần xem xét thấu đáo vị trí kinh tế hay chính là năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang ở đâu so với khu vực và thế giới, để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nên kinh tế. Bởi lẽ, khi nền kinh tế bị tác động, thì Bộ luật Lao động trở thành rào cản hoặc “ngáng chân” sự tăng trưởng sản xuất, giảm kim ngạch xuất khẩu thì chính đời sống của người lao động sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và trước hết. Bên cạnh đó, khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam suy giảm so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề của các nước khác, thì khi đó “người yếu thế” lại chính là các doanh nghiệp Việt Nam.

Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP Hồ Chí Minh, TS. Vũ Thành Tự Anh nhận định, nhiều quy định vẫn không phản ánh được đời sống thực của người lao động, Dự thảo Bộ luật Lao động mới sẽ có thể khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dôi dư do năng lực tài chính hiện tại của doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam) chưa đáp ứng được các yêu cầu của Dự thảo Bộ luật Lao động mới. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Đức Nguyên