Xuất khẩu trái cây:

Nhiều kỳ vọng...

- Thứ Bảy, 26/09/2020, 09:26 - Chia sẻ
Phát biểu tại buổi họp báo về công tác kiểm dịch thực vật thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang Mỹ vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ngày 2.9 vừa qua, các chuyên gia của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đến nước ta và đã hoàn thành thời gian cách ly. Hiện các chuyên gia này đã bắt đầu làm việc để giám sát quá trình chiếu xạ xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Theo Cục Bảo vệ thực vật, những động thái này sẽ giúp sản lượng xuất khẩu trái cây của Việt Nam tăng trong thời gian tới.

Đây là những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu trái cây nói riêng và các mặt hàng nông lâm thủy sản nói chung không chỉ với thị trường Mỹ mà còn với nhiều thị trường "khó tính" khác. Bởi Mỹ là đối tác quan trọng trong xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, trong đó có nông sản. Hiện nay, có 6 loại trái cây của nước ta được xuất sang thị trường này. Và một trong những yêu cầu bắt buộc là tất cả các loại trái cây xuất đều phải chiếu xạ và có sự giám sát của chuyên gia đến từ Mỹ. Mục đích của chiếu xạ là giúp cho trái cây Việt Nam xuất sang Mỹ an toàn và nhanh chóng, đồng thời nhờ áp dụng công nghệ chiếu xạ đã giúp đẩy nhanh việc nhập khẩu trái cây tươi nhiệt đới của Mỹ.

Trong năm tài chính 2019 (từ 3.2019 - 3.2020), giá trị xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ của Việt Nam ở mức 20 triệu USD. Với việc chuyên gia APHIS trở lại làm việc tại nước ta, Cục Bảo vệ thực vật kỳ vọng giá trị xuất khẩu trong năm nay ít nhất đạt mức 20 triệu USD và sẽ tăng trong những năm tới.

Dù đã có không ít thuận lợi, nhưng để việc xuất khẩu trái cây cũng như các mặt hàng nông lâm thủy sản sang không chỉ thị trường Mỹ, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm. Đó là việc hầu hết các thị trường đang ngày càng siết chặt, đặt nhiều rào cản trong đó đặc biệt quan trọng là phải bảo đảm và ổn định được chất lượng sản phẩm. Thực tế thời gian qua, đã có không ít lô hàng nông sản khi xuất khẩu đã bị trả về vì không bảo đảm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm mà nguyên nhân là do việc sử dụng chất hóa học trong bảo quản và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt. Việc còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trái cây, nhiều nước sẽ không chấp nhận, vì vậy, điều cần làm hiện nay là phải kiểm soát chặt việc trồng, chế biến, bảo quản. Để làm được điều này, không có cách nào khác là phải xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ, đồng thời nâng cao ý thức, thay đổi tư duy, tập quán canh tác của người dân trong quá trình sản xuất...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã từng khuyến cáo, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đất đai manh mún… là những yếu tố cản trở quá trình đổi mới phương thức quản trị, cản trở quá trình sản xuất lớn, tập trung để tạo ra những sản phẩm đồng nhất về mẫu mã, chất lượng. Chỉ khi nào nông sản Việt tạo ra được sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh theo “mệnh lệnh của thị trường” thì sẽ không có rào cản nào gây khó được.

Vẫn biết việc thay đổi ý thức, tập quán canh tác không thể trong ngày một ngày hai. Nhưng điều quan trọng hơn chính là sự chung tay của nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà sản xuất, để việc kiểm soát chất lượng sản phẩm được thuận tiện, dễ dàng; thông tin thị trường nhanh chóng, đầy đủ, chính xác hơn; việc tiếp cận với các nguồn vốn để đầu tư công nghệ hiện đại thuận lợi, hiệu quả hơn. Có như vậy mới tạo ra được những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của nước nhập khẩu.

Khương Ninh