Thực hiện Chương trình OCOP Hà Nội

Nhiều tiềm năng, động lực để phát triển

- Thứ Sáu, 31/07/2020, 06:09 - Chia sẻ
Thủ đô Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Nhiều sản phẩm thủ công, mỹ nghệ đã vươn tới thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, còn phát triển hàng nghìn HTX, trang trại chăn nuôi, trồng trọt, mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho giá trị kinh tế lớn. Đó là tiềm năng và cũng là động lực để Hà Nội tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho người dân vùng nông thôn.

Đã có hơn 300 sản phẩm OCOP

Khởi động từ năm 2019, đến nay, thành phố Hà Nội đã có 71 chủ thể thuộc 18 quận, huyện, thị tham gia Chương trình OCOP. Sau 2 đợt thẩm định đã có 301 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sao. Trong số đó, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang trình hồ sơ để Hội đồng Trung ương xem xét, công nhận là sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Ngoài ra, còn có 207 sản phẩm 4 sao và 88 sản phẩm 3 sao. Trong số các sản phẩm được công nhận, có 133 sản phẩm của chủ thể là doanh nghiệp (chiếm 44,1%), 115 sản phẩm của chủ thể là HTX (chiếm 38,2%) và 53 sản phẩm của chủ thể là các hộ kinh doanh (chiếm 17,7%).

Hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP hiện đang được Hà Nội đặc biệt chú trọng.
Ảnh: Tường Vy

Theo kế hoạch trong năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp huyện, xã. Hà Nội phấn đấu 100% doanh nghiệp, HTX, chủ hộ có đăng ký sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn, sẽ có khoảng 700 sản phẩm OCOP trở lên, trong đó có từ 500 sản phẩm cấp thành phố, 100 sản phẩm cấp quốc gia theo quy định. Mặc dù triển khai chương trình OCOP muộn hơn so với một số tỉnh, thành khác nhưng với cách làm bài bản, khoa học, có sự đúc rút kinh nghiệm từ những nơi khác, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai hiệu quả chương trình OCOP.

Theo Chi cục Trưởng Chi cục PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Chương trình OCOP của Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương, thành phố, phối hợp chặt của các sở, ngành, các quận, huyện, thị với tinh thần làm việc nhiệt tình, trách nhiệm và sáng tạo. Các chủ thể sản phẩm OCOP hiểu được ý nghĩa, lợi ích thiết thực của chương trình, từ đó nhiệt tình, tích cực phối hợp với các đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ nâng cấp chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ minh chứng để đăng ký tham gia dự thi Chương trình OCOP. Theo đó, mặc dù còn nhiều khó khăn trong bước đi đầu tiên nhưng Hà Nội đã thực hiện hoàn thành vượt Kế hoạch Chương trình OCOP năm 2019 đề ra.

Sau khi đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP, thành phố đặc biệt chú trọng khâu quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm. Trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn hẹp, Văn phòng điều phối NTM, Sở NN - PTNT đã tham mưu UBND thành phố lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP với chương trình xây dựng NTM và chương trình NN - PTNT của thành phố. Theo đó, đã tổ chức nhiều hội chợ triển lãm, hội chợ quốc tế, diễn đàn kết nối mạng lưới OCOP… với hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm nông sản, làng nghề trên địa bàn và một số khu vực lân cận khác. Thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền bước đầu được người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP và đánh giá cao về chất lượng, phong phú về chủng loại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Thủ đô.

Theo Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Chí, những tháng đầu năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp nên công tác triển khai Chương trình OCOP bị chậm lại. Tuy nhiên, ngay sau khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị tập trung rà soát, đăng ký mục tiêu thực hiện Chương trình OCOP năm 2020. Theo đó, nếu như năm 2019, các địa phương tham gia chủ yếu là các huyện thì năm 2020, 11/12 quận đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, toàn thành phố đã có 29/30 quận, huyện, thị đăng ký thực hiện Chương trình OCOP năm 2020.

Trong tháng 6 và 7 vừa qua, Sở NN - PTNT, Văn phòng điều phối NTM thành phố đã tổ chức chuỗi sự kiện quảng bá, hội thảo về kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng của thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước. Theo đó, đã có hàng nghìn dòng sản phẩm được trưng bày, hàng trăm biên bản ký kết, ghi nhớ hợp tác về liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa doanh nghiệp và địa phương, giữa doanh nghiệp và các chủ thể OCOP. “Đây không chỉ là dịp để Hà Nội triển khai tốt chương trình OCOP, mà còn là dịp để các tỉnh, thành khác được quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương, mở ra cơ hội giao lưu, kết nối các kênh phân phối sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng” - Ông Chí chia sẻ.

Phấn đấu có thêm trên 800 sản phẩm được đánh giá, phân hạng

Sau khi tập trung rà soát, các quận, huyện, thị đã đăng ký mục tiêu phấn đấu 779 sản phẩm được đánh giá công nhận là sản phẩm OCOP từ nay đến cuối năm 2020. Trong đó, huyện Đan Phượng đăng ký số lượng lớn nhất với 107 sản phẩm. Tiếp đến là Hoài Đức 78 sản phẩm, Thạch Thất 66 sản phẩm, Gia Lâm 61 sản phẩm, Thường Tín 59 sản phẩm… Trên cơ sở đăng ký của các quận, huyện, thị xã, Văn phòng điều phối NTM Hà Nội đã đề nghị, giao chỉ tiêu tăng thêm cho một số địa phương. Theo đó, trong năm 2020, toàn thành phố phấn đấu sẽ có thêm 875 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Chi cục Trưởng Chi cục PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, các quận, huyện, thị cần tiếp tục chủ động rà soát, đánh giá chất lượng của các sản phẩm có lợi thế thuộc 6 nhóm lĩnh vực. Từ đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cấp các tiêu chí cho sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2020 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, hoàn thiện hồ sơ những sản phẩm tiềm năng 5 sao trình thành phố để dự thi đánh giá cấp trung ương. Những tháng cuối năm, Văn phòng điều phối NTM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức 4 sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền với các tỉnh, thành khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, xây dựng Đề án Mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội.

Cùng với những nhiệm vụ trọng tâm trên, theo kế hoạch, Hà Nội sẽ hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm OCOP đã được thành phố quyết định công nhận cấp sao. Ban hành Hướng dẫn về quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP, thứ hạng sao lên tem, bao bì, nhãn mác các sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên của thành phố Hà Nội để thuận lợi trong công tác quản lý và nhận diện sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online… để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm sử dụng, giúp tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Thủ đô.

Đào Cảnh