Nhiều vấn đề dân sinh nóng bỏng sẽ được xem xét tại Kỳ họp thứ Tám

- Chủ Nhật, 20/10/2019, 07:41 - Chia sẻ
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân về Kỳ họp thứ Tám sẽ khai mạc ngày mai, 21.10, ĐBQH ĐẶNG NGỌC NGHĨA (THỪA THIÊN HUẾ) cho rằng, các đại biểu sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề ô nhiễm môi trường bởi nhiều vụ việc liên tiếp xảy ra vừa qua đã gây bức xúc trong nhân dân như cháy Nhà máy Rạng Đông và nguồn nước sạch Hà Nội bị nhiễm dầu thải. Bên cạnh đó, các vấn đề dân sinh nóng bỏng khác cũng sẽ được xem xét, đánh giá thận trọng để có giải pháp phù hợp.

Tiếng nói mạnh mẽ về ô nhiễm môi trường

- Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tám, QH sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, đồng thời xem xét, quyết định các vấn đề KT - XH, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Ông có kỳ vọng gì ở kỳ họp lần này?

- Đây là kỳ họp quan trọng, diễn ra trong bối cảnh QH đã đi được 2/3 chặng đường của nhiệm kỳ Khóa XIV. Theo dự kiến chương trình Kỳ họp được Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo UBTVQH vừa qua thì tôi cho rằng đã được cân nhắc kỹ lưỡng và bố trí rất hợp lý, nhất là trong bối cảnh các địa phương cũng đang khởi động các công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tôi đặc biệt vui mừng khi từ đầu năm 2019 đến nay, KT - XH tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện, với tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được QH đề ra. Văn hóa, thể thao và du lịch có sự khởi sắc, lần đầu tiên bóng đá Việt Nam đứng trước cơ hội vàng tham dự WorldCup 2022. An ninh - quốc phòng được giữ vững, tình hình Biển Đông tuy đối mặt với diễn biến phức tạp, nhưng như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nói tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ đó là: “Những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng”. Trên cơ sở giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, chúng ta tránh xung đột vũ trang nhưng đồng thời vẫn kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bằng các biện pháp hòa bình. Tôi tin tưởng chúng ta sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển KT - XH trong năm 2019 và hoàn thành Nghị quyết số 142/2016/QH13 của QH về Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm (2016 - 2020).

- Một nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ Tám là QH sẽ xem xét, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về nội dung này?

- Lẽ ra chúng ta phải thông qua Đề án này đồng thời với các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất, nhưng đến nay mới làm được. Với Đề án quan trọng này có khả năng sẽ rút ngắn được khoảng cách phát triển và thu nhập giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với các vùng, miền khác. Chúng ta thay đổi trọng tâm chính sách dân tộc theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Tập trung vào các lĩnh vực như kinh tế lâm nghiệp; cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, hương liệu; chăn nuôi đại gia súc, gia súc ăn cỏ; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng (trải nghiệm): Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề để nâng cao mặt bằng dân trí, đổi mới tư duy, khơi dậy sự sáng tạo, tự lực, tự cường vượt khó vươn lên…

- Hai vấn đề rất nóng được dư luận, cử tri quan tâm vừa qua và mong muốn ĐBQH có tiếng nói ngay tại Kỳ họp thứ Tám là ô nhiễm môi trường do sự cố cháy Nhà máy Rạng Đông và nguồn nước sạch Hà Nội bị nhiễm dầu thải. Cá nhân ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?

- Chắc chắn các ĐBQH sẽ có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề này. Chúng ta không thể và không được để xảy ra những sự cố đáng tiếc như thời gian vừa qua. Đặc biệt cần có phương án ứng biến, xử lý nhanh hơn để ổn định tâm lý người dân, hỗ trợ di tản người dân trong trường hợp cần thiết. Cung cấp đầy đủ thông tin, công khai và minh bạch trách nhiệm.

Xử lý PCCC - nặng về tình hơn lý

- Thưa ông, cũng tại Kỳ họp thứ Tám, QH sẽ tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2012 - 2018. Là thành viên Đoàn giám sát, ông nhìn nhận thế nào về chuyên đề giám sát này?

- Thực tế giám sát cho thấy, trong bối cảnh kinh tế phát triển “nóng” như hiện nay thì cháy, nổ sẽ còn diễn biến phức tạp và gia tăng nhất là ở các khu vực công cộng như chợ, khu vực kinh doanh của tư nhân, kinh doanh hóa chất, xăng dầu, nhà hàng, khách sạn, karaoke. Cháy nổ có nhiều nguyên nhân, trong đó 70% là do quá tải điện. Ví dụ, sử dụng điện quá công suất cho phép của một tòa nhà rất dễ xảy ra chập điện. Cháy nổ là tai nạn khôn lường, ai cũng có thể đối mặt với vấn đề này. Dù có nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng đáng lưu ý vẫn là nguyên nhân chủ quan: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC; chưa xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong PCCC. Xử lý PCCC còn nặng về tình hơn lý. Theo báo cáo có trên 60% vi phạm từ lớn đến nhỏ liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC như khách sạn tư nhân phải có cửa thoát nạn ra ngoài, song vì nhà là liền kề nên chúng ta chưa thực hiện được quy định này; hay thiết bị PCCC bị quá hạn, lực lượng chuyên trách, lực lượng tại chỗ không được tổ chức luyện tập thường xuyên…

- Giám sát PCCC lần này, Đoàn giám sát đã trực tiếp xem diễn tập PCCC tại các khu chung cư, khu hóa chất, kho vũ khí, vật liệu nổ hay ngay tại các chợ; kiểm tra trang thiết bị PCCC. Cách làm này chắc hẳn sẽ giúp các kiến nghị trong Báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2012 - 2018 sát và trúng với thực tiễn đặt ra hiện nay, thưa ông?

- Giám sát PCCC được tổ chức khá tốt, ngoài xem xét các văn bản pháp luật, nghe báo cáo ngắn gọn, chúng tôi chú trọng hơn vào thực tiễn. Giám sát phải đi vào người thực, việc thực, nhất là trong PCCC, đơn vị nào, lãnh đạo nào quan tâm thì nơi ấy ít khi xảy ra cháy, nổ. Chúng tôi hy vọng sau giám sát, sẽ thay đổi cách kiểm tra công tác PCCC theo hướng liên tục, thường xuyên, tập trung vào các đợt cao điểm, nhất là khi khô, hạn kéo dài, các ngày lễ, tết. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho những cách làm, câu nói đơn giản như “ra khỏi phòng là phải tắt điện”, “trời khô hanh cẩn thận củi lửa”...  thấm, ngấm vào từng người dân để mỗi người đều nêu cao ý thức, trách nhiệm PCCC, không chủ quan, không lơ là. Bên cạnh đó cần ưu tiên bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị; chỉ đạo bố trí ngân sách PCCC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa PCCC; tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế về PCCC; có chính sách phù hợp khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở PCCC, tham gia hoạt động PCCC.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện