Thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Phú Thọ Khóa XVIII

Nhìn thẳng hạn chế để tháo gỡ

- Thứ Ba, 16/07/2019, 07:31 - Chia sẻ
Hơn 40 ý kiến tại 5 tổ thảo luận cùng giải trình của lãnh đạo các sở, ngành đã làm rõ thêm về các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm đã cho thấy trách nhiệm của cả các đại biểu dân cử và lãnh đạo các cơ quan hữu quan. Nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém để tìm các giải pháp tháo gỡ, xử lý dứt điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đó là những điểm nổi bật tại các phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh.

Băn khoăn về tốc độ tăng trưởng thấp

Tại các tổ thảo luận, đại biểu đánh giá cao việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019. Đây là kết quả của sự cố gắng rất lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh, các ngành, địa phương và sự đồng thuận của doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh. Nhất trí với nhận định kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng ổn định, đặc biệt là công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực, thu ngân sách tăng cao, tạo tiền đề để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019… song đại biểu băn khoăn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn còn thấp. Nhiều ý kiến đề nghị, 6 tháng còn lại của năm, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng công tác số hóa trong quản lý, kê khai thu ngân sách nhằm chống tiêu cực, thất thoát.


Đại biểu HĐND tỉnh tham gia cho ý kiến thảo luận tại tổ Ảnh: P.Nam

Phiên thảo luận tại tổ cũng nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu lo lắng trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lan nhanh trên địa bàn. Các đại biểu đề nghị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có định hướng cơ cấu, tổ chức lại ngành chăn nuôi trên địa bàn; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản để tạo điều kiện phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đến năm 2020, nhìn nhận rõ kết quả, hạn chế để có phương hướng thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời xem xét, có cơ chế hỗ trợ công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn đổi cho các địa phương.

Các đại biểu cũng phản ánh về tình trạng thiếu giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học tại nhiều địa phương, đề nghị tỉnh sớm có chủ trương tuyển dụng biên chế còn thiếu và tăng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non hợp đồng, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học mới. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng mạng xã hội để đăng thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận; xử lý triệt để tình trạng họp chợ tạm, chợ cóc trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và tình trạng bán hàng rong trên địa bàn thành phố Việt Trì…

Riêng về các nội dung chuyên đề trình tại kỳ họp, nhiều ý kiến đề nghị HĐND tỉnh thảo luận, thống nhất cách đặt tên khu dân cư sau khi sáp nhập; bổ sung đối tượng hộ cận nghèo đối với Quy định chế độ hỗ trợ và mức đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở điều trị ma túy công lập của tỉnh…

Siết chặt công tác quản lý tài nguyên - môi trường

Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Phú Thọ lần này, lĩnh vực tài nguyên - môi trường cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu. Chuyển tải tâm tư của cử tri, nhiều đại biểu mong muốn tỉnh hạn chế thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn, gà do hoạt động của các doanh nghiệp này gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Đồng thời, đề nghị, thời gian tới, tỉnh sớm hoàn thành Đề án thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn; có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện vận chuyển, thu gom rác thải từ các huyện đến khu xử lý tập trung của tỉnh.

Cũng liên quan đến lĩnh vực này, nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng trước tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản, quản lý tài nguyên thiên nhiên còn diễn biến phức tạp, không chỉ gây thất thoát mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh - trật tự, gây bất an trong nhân dân. Chỉ rõ nguyên nhân, đại biểu Phạm Thanh Tùng - Bí thư huyện Tân Sơn thẳng thắn cho biết: Hiện nay, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại nhiều địa phương còn lỏng lẻo, chính quyền cần phải sát sao hơn nữa. Đặc biệt, đối với vấn đề xin phép hạ cốt nền xây dựng nhưng thực chất để lợi dụng khai thác khoáng sản trái phép. Tại huyện Tân Sơn, từ đầu năm 2019 đã xử lý 3 vụ việc khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là tại xã Kim Thượng, huyện đã kịp thời xử lý một số đối tượng khai thác đá trái phép trong khu vực rừng phòng hộ.
Cùng chung quan điểm cần tăng cường quản lý hơn nữa trong lĩnh vực này, đại biểu Nguyễn Kim Chi cho rằng, thời gian qua tại một số địa phương vẫn đang là điểm “nóng” trong vấn đề khai thác khoáng sản như Đoan Hùng, Thanh Ba, Thanh Thủy, Lâm Thao… Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn.

Đại biểu Lê Hồng Vân - Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì nêu vấn đề giá đền bù đất cho người dân còn quá thấp, dẫn đến nhiều dự án không thể hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân, là một trong những nguyên nhân chính gây nên khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai ở Việt Trì và nhiều địa phương khác. Đề nghị các cấp, ngành có những đề xuất lên Chính phủ, Trung ương về đền bù giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích cho 3 bên: Người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

MẠNH TUÂN