Sửa quy định về nhãn hiệu hàng hóa

Nhìn từ lợi ích doanh nghiệp

- Thứ Bảy, 22/08/2020, 06:07 - Chia sẻ
Việc nhiều lần thay đổi những quy định liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa đã khiến cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Bởi mỗi lần thay đổi, doanh nghiệp lại phải bỏ chi phí làm nhãn hiệu mới, gây lãng phí rất lớn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Đây là băn khoăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp xung quanh Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.

Tốn kém và không khả thi

Khoản 1, Điều 1 Dự thảo quy định, phạm vi điều chỉnh của nghị định này là “quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu…; trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam yêu cầu ghi nhãn theo hợp đồng mua bán hàng hóa và chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa được thực hiện theo hợp đồng với điều kiện những yêu cầu này không làm sai lệch bản chất của hàng hóa, không vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu.”

Nhiều lần thay đổi quy định về nhãn hàng hóa.
Nguồn: INT

Từ năm 2017 đến 2019, đã có hai lần quy định pháp luật về dán nhãn được thay đổi, nếu Dự thảo được thông qua, việc dán nhãn hàng hóa, sẽ có thêm lần thay đổi thứ ba. Dự kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa có hiệu lực từ tháng 6.2021.

Góp ý vào quy định này, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP) cho rằng, đề xuất này vừa không hợp lý, tốn kém và bất khả thi. Bởi, hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà phải ghi nhãn theo cả quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước xuất khẩu. Quy định này gây rất nhiều tốn kém cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, mỗi năm xuất khẩu hàng triệu tấn thành phẩm thủy sản; hay ngành da giày mỗi năm trung bình xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giày dép các loại. Nếu phải thay đổi nhãn, mỗi đôi chỉ cần tốn thêm 100 đồng để làm nhãn mới là ngành da giầy đã tốn hơn 100 tỷ đồng mỗi năm. Nếu tất cả ngành sản xuất khác đều phải thay nhãn, tổng thiệt hại của tất cả ngành kinh tế sẽ lên đến hàng ngàn tỷ đồng. 

Cũng là đề xuất được đánh giá là gây khó cho doanh nghiệp, Điều 2 Dự thảo quy định về điều khoản thi hành như sau: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2021; hàng hóa là thực phẩm dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng, dầu nhờn động cơ có nhãn đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP đã được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành tiếp tục lưu thông, sử dụng cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa đó”. Thực tế, các doanh nghiệp thường sản xuất nhãn sản phẩm với số lượng lớn để tiết kiệm chi phí sản xuất. Nếu điều khoản chuyển tiếp chỉ áp dụng cho hàng hóa đã được sản xuất/ nhập khẩu trước thời điểm hiệu lực của Nghị định thì nhiều doanh nghiệp phải hủy một lượng lớn nhãn đã sản xuất rồi, gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp. Liên quan đến đề xuất này, VASEP cho rằng nên quy định theo hướng: hàng hóa có nhãn đúng quy định tại Nghị định 43/2017 đã được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, sử dụng trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục lưu thông, sử dụng cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa đó. Nhãn hàng hóa, bao bì thương phẩm gắn nhãn hàng hóa đúng quy định tại Nghị định 43/2017 đã được sản xuất, in ấn trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng để sản xuất hàng hóa, nhưng không quá 2 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành - tức là 2 năm kể từ ngày 1.6.2021. 

Liên quan đến thời điểm có hiệu lực của Dự thảo, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, cũng chưa biết bao giờ hết dịch, liệu đề xuất ngày 1.6.2021 có hợp lý. Tuy nhiên, ở khía cạnh xây dựng pháp luật, nếu không ban hành đúng thời gian thì cơ quan được giao nhiệm vụ lại rơi vào tình huống... chậm/nợ ban hành văn bản. 

Không phù hợp với thông lệ quốc tế

Ngoài những đề xuất gây khó, lãng phí thì Dự thảo cũng được đánh giá là có những quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế, đối với hàng xuất gia công thường chỉ ghi tên của chủ sở hữu (như Cotsco, Walmart, AquaStar....) theo luật của Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, Dự thảo đề xuất ghi tên nhà sản xuất (NSX) theo quy định pháp luật Việt Nam. Đại diện nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày cho rằng, “chắc chắn nhiều đối tác không chấp nhận”. Theo thông lệ quốc tế, tổ chức, cá nhân xuất khẩu tại Việt Nam chỉ chịu trách nhiệm cung cấp hàng hóa đúng theo giao kèo trong hợp đồng, còn người nhập khẩu là chủ sở hữu hàng hóa phải chịu trách nhiệm  bảo đảm việc ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật của nước nhập khẩu.

Ngoài ra, Khoản 3, Điều 1 Dự thảo đề xuất, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trên nhãn gốc bắt buộc phải thể hiện các nội dung như tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa bằng tiếng nước ngoài tại cửa khẩu. Trường hợp các nội dung bắt buộc trên nhãn gốc chưa được thể hiện bằng tiếng Việt, nhãn gốc còn thiếu các nội dung này thì phải ghi nhãn phụ. Đây cũng là đề xuất được nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, trái với quy định quốc tế. Bởi, chiếu theo quy định tại Codex Stand 1-1985, mục 8.2.1 và TCVN 7087:2013 quy định nếu thiếu thông tin thì “có thể sử dụng một nhãn phụ chứa các thông tin ghi nhãn bắt buộc bằng ngôn ngữ người tiêu dùng yêu cầu thay vì phải ghi nhãn lại”.

Đặc biệt, đề xuất trên cũng trái với cam kết trong Hiệp định EVFTA. Cụ thể, Điều 5.9 Hiệp định EVFTA quy định: “các Bên phải chấp nhận rằng việc dán nhãn, bao gồm dán nhãn bổ sung hoặc sửa nhãn, được thực hiện tại các cơ sở được cho phép”. Thực tế, hàng hóa từ nhà sản xuất có thể xuất đi nhiều nước nên họ không thể đáp ứng yêu cầu riêng biệt cho Việt Nam trừ khi Việt Nam đủ mua hàng khối lượng lớn để họ có thể làm nhãn riêng cho thị trường Việt Nam. Thêm vào nữa, sản phẩm có thể gia công tại nhiều địa điểm khác nhau, nhà sản xuất không thể thể hiện hết thông tin địa chỉ gia công này trên nhãn gốc sản phẩm.

Đình Khoa