Liên minh Nghị viện thế giới (IPU)

Những chặng đường phát triển

- Chủ Nhật, 27/09/2020, 07:34 - Chia sẻ
Ra đời cách đây hơn một thế kỷ, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đã chứng tỏ được vai trò của mình thông qua những chặng đường phát triển mạnh mẽ.

Giai đoạn 1889 - 1945: Tìm giải pháp hòa bình cho tranh chấp quốc tế

Ngày 29.6.1889, hội nghị với tên gọi “Hội nghị Trọng tài của các Nghị viện" đã được tổ chức với sự tham gia của 95 nghị sĩ bởi Frédéric Passy (Pháp) và William Randal Cremer (Vương quốc Anh). Đây là diễn đàn thường trực đầu tiên cho các cuộc đàm phán đa phương về chính trị. Ban đầu, tổ chức các nghị sĩ tham dự hội nghị với tư cách cá nhân, nhưng sau này đã chuyển đổi thành một tổ chức quốc tế của các nghị viện quốc gia có chủ quyền. Năm 1892, hội nghị được đổi tên thành “Hội nghị liên Nghị viện về vấn đề Trọng tài quốc tế” đã phản ánh tính thử nghiệm của nó. Trải qua sự thử nghiệm của thời gian, 10 năm sau hội nghị được đổi tên thành “Liên minh Nghị viện thế giới về Trọng tài quốc tế”. Mãi đến năm 1908, tên ngắn gọn “Liên minh Nghị viện thế giới” mới chính thức được ghi vào quy chế.

Hội nghị vào năm 1913 tại La Haye là hội nghị chính thức cuối cùng trước khi bị gián đoạn do Chiến tranh Thế giới thứ Nhất bùng nổ. Trong thời gian diễn ra chiến tranh, Tổng thư ký IPU vẫn nghĩ rằng cần phải gửi điện tới các nhóm quốc gia trong Liên minh, thúc giục họ nhóm họp để đưa ra lời thỉnh cầu công khai và đầy nhiệt huyết đòi chính phủ nước họ can thiệp, phù hợp với nghĩa vụ được quy định trong Công ước La Haye, nhằm chống lại sự mở rộng chiến tranh. Nhưng tất cả đã quá muộn, không có hành động hưởng ứng nào vì tất cả đang bị nhấn chìm bởi làn sóng của chủ nghĩa dân tộc và tiếng gọi bảo vệ đường biên giới đang bị đe dọa.

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, IPU đã cố gắng không mệt mỏi để khởi động lại các hoạt động thường kỳ của mình. Nhưng rồi chiến tranh vẫn ám ảnh, đeo đẳng và tìm cách hủy hoại nền hòa bình. Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai đã nổ ra (năm 1939), một cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Hoạt động của Liên minh lại bị gián đoạn trong 7 năm, mãi đến năm 1947 mới trở lại hoạt động bình thường.

Nguồn: ITN

Từ năm 1945 đến nay: Thúc đẩy dân chủ trong quan hệ quốc tế

Qua hơn 131 năm hình thành và phát triển, số lượng các nghị viện thành viên của IPU qua các thời kỳ không ngừng được tăng lên, từ 9 thành viên ban đầu giờ là 173 thành viên và 11 thành viên liên kết.

Mặc dù không thể ngăn chặn được các cuộc chiến tranh thế giới, chủ nghĩa liên nghị viện vẫn tiếp tục phát triển từ trong lòng các cuộc chiến tranh.

Trong những năm 1951 - 1957, IPU trở thành trung tâm quan trọng để tái lập quan hệ chính thức với các đối tác quốc tế - điều kiện tiên quyết cho đàm phán hòa bình, ví dụ như cuộc đàm phán giữa các nghị sỹ Đức và Israel ở Istanbul năm 1951, dẫn đến việc thỏa thuận đền bù Đức - Israel năm 1955, hay các cuộc đàm phán tương tự diễn ra trong thời gian Hội nghị Liên minh Nghị viện Thế giới đã dẫn đến sự kết thúc cuộc xung đột Italy - Nam Tư về Triet (phần lãnh thổ của Italy), tranh chấp giữa Áo - Italy  liên quan đến miền Nam Tiron vào năm 1954 và cuộc khủng hoảng kênh đào Suez giữa Anh - Ai Cập năm 1957.

Trong những năm 1970 và 1980, Liên minh đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa dịu ở châu Âu, thu hẹp khoảng cách bất đồng giữa hai khối Đông - Tây trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Năm 1997, Liên minh đã thông qua Tuyên ngôn về Dân chủ, xác định các tiêu chí cho Nghị viện dân chủ là: “Đại diện, minh bạch, dễ tiếp cận, có trách nhiệm và hiệu quả”. Ngoài ra, Liên minh đã triển khai nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, tăng cường kết nối toàn cầu, đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hợp tác với các tổ chức quốc tế…

Trong bối cảnh phát triển ngày nay của thế giới, các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột quân sự vẫn liên tiếp xảy ra ở khu vực Trung Đông, châu Phi, Đông Âu... Đặc biệt gần đây, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mới xuất hiện với nhiều hoạt động khủng bố dã man trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Ngăn ngừa chiến tranh, chiến đấu chống khủng bố - kẻ thù chung của nhân loại và gìn giữ hòa bình sẽ vẫn là yêu cầu cấp thiết đối với IPU. Ngoài ra, việc bảo đảm sự kết nối với cử tri, bảo đảm quyền con người, bình đẳng giới, quá trình thúc đẩy quản trị tốt và tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của Liên minh vẫn còn là những thách thức đang đặt ra.

Nền dân chủ quốc tế đã tiến triển đáng kể từ năm 1889, phần lớn là do Liên minh Nghị viện Thế giới đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ thiết lập các hình thức quản trị dân chủ ở các cấp quốc gia và quốc tế. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Liên minh đã thể hiện cam kết chắc chắn nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh, dân chủ, nhân quyền và phát triển bền vững. Trong một thế giới đang thay đổi, sau 131 năm kể từ khi Liên minh Nghị viện Thế giới ra đời, tầm nhìn của các nhà sáng lập Liên minh vẫn còn nguyên giá trị và đúng đắn hơn bao giờ hết.

Đạt Quốc