Những lời mời

- Thứ Tư, 18/09/2019, 08:21 - Chia sẻ

Một nhà thơ điện thoại đến nhà tôi:

Tối mai, tôi có buổi nói chuyện, giới thiệu tập thơ mới xuất bản, tại... vào hồi... Mời ông đến nghe.

Tôi ậm ừ cho qua chuyện vì cú điện thoại quá đột ngột. Cũng lại bởi hầu như chúng tôi chỉ tình cờ gặp nhau ở đâu đó rồi nói chuyện, còn chưa bao giờ gọi điện cho nhau.

Tôi hỏi:

Tập thơ nào nhỉ, xuất bản khi nào?

Ông bạn sốt sắng:

Tập... vừa ra tháng trước. Ông chưa có à? Toàn bài hay. Tiêu thụ được nhiều rồi. Nhiều người gọi điện thoại đến tôi khen lắm. Đã có rất nhiều nơi lên chương trình mời tôi đến giới thiệu, nhưng tôi bận quá, chưa dám nhận lời. Ông đến nhé. Nhớ đến sớm kẻo hết chỗ ngồi, vì cái hội trường đó chỉ chứa được 300 người thôi.

Lần khác, một nhạc sĩ cũng chỉ quen biết sơ sơ, gọi điện thoại cho tôi với nội dung tương tự:

Sáng Chủ nhật tuần này có chương trình biểu diễn các tác phẩm âm nhạc của mình, tổ chức tại... lúc... Hai phần ba là nhạc không lời, chỉ có 6 ca khúc mới sáng tác gần đây do 3 ca sĩ “xịn” hát. Mời ông đến dự rồi cho một bài báo. Ông có thể rủ thêm ngươì nhà hoặc bạn bè cùng đi. Cần thì cứ đến... nhận giấy mời, bao nhiêu cũng được vì mình không cho bán vé, chỉ mời. Nếu không thì cứ đến cũng được. Nói là khách của tác giả, họ cho vào ngay…

Gần đây nhất, giữa một ngày rất nắng nóng tháng 7, đang đi trên đường, tôi bỗng nghe tiếng người gọi tên mình. Tôi quay lại thì thấy một người quen (sơ sơ) có máu me viết lách dừng xe, có ý muốn gặp mình. Ông ta cất lời:

Sáng mai, có cuộc họp báo giới thiệu cuốn sách mới ra của tôi. Mời ông đến dự cho vui. Ông đến, tôi tặng sách luôn thể vì không mang theo đây.

Rồi ông lấy ra tờ giấy mời nhưng còn để trống, đoạn rút bút ghi tên tôi vào chỗ “Kính mời….”

Tôi không thể nấn ná thêm, bèn bắt tay ông để tạm biệt một cách rất lỏng lẻo, hững hờ.

***

Người sáng tác nào cũng yêu mình, yêu tác phẩm của mình là điều chính đáng, dễ hiểu. Tâm lý này cần được trân trọng. Nhưng tự yêu đến mức không lưu ý gì đến phép xã giao, ứng xử tối thiểu như ba nhân vật trên thì quả là... lố. Mời người ta thì phải gửi giấy đàng hoàng, trước một số ngày, thậm chí tìm đến tận nhà (gọi điện hẹn trước), nếu không thân thiết. Ngay cả khi thân cũng rất nên làm việc này. Mấy tác giả trên chỉ mời miệng, cứ như là báo đến họp, hoặc làm một việc gì mà đối tượng có bổn phận phải đến. Rồi nhà thơ thì tự khen luôn thơ của mình “toàn những bài hay”, còn nhạc sĩ thì chưa gì đã yêu cầu có bài báo giới thiệu. Một vị lại mời bất chợt, tiện gặp giữa đường.

Xin nhắc lại: Đó là những người chỉ có mối quen biết rất bình thường với tôi, chứ không hề thân thiết. Rõ là ứng xử có phần suồng sã xuất phát từ sự quá yêu, quá đề cao mình và ít nhiều coi thường đối tượng mình có ý mời. Tất nhiên là với cách mời và đặt vấn đề như vậy, tôi đã không đến dự.

TS. Nguyễn Đình San