Phiên họp thứ Ba mươi tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Những nội dung cần sửa đổi đã đưa vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

- Thứ Sáu, 10/05/2019, 17:37 - Chia sẻ
Tiếp tục phiên họp chiều nay, 10.5, liên quan đến việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, những nội dung cần sửa đổi, bổ sung được chia thành 2 nhóm và đều đã được đưa vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và các Nghị định hướng dẫn sẽ được sửa đổi, bổ sung sau khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) được QH xem xét, thông qua.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày những nội dung cần sửa đổi đã đưa vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)  
Ảnh: Quang Khánh

Trong Báo cáo thuyết minh về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO, do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày, cho biết, về cơ bản, các quy định của pháp luật Việt Nam tương thích với các quy định của Công ước số 98. Tuy nhiên, để bảo đảm thực thi đầy đủ, có hiệu quả Công ước trên thực tiễn sau khi gia nhập, Việt Nam cần nội luật hóa các quy định của Công ước và thực hiện một số công việc.

Về những quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến nội dung của Công ước số 98, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chủ yếu tập trung ở Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Công đoàn năm 2012, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị định số 05/2015 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động, Nghị định số 88/2015 Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 95/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Kết quả rà soát cho thấy, có 3 văn bản liên quan trực tiếp đến Công ước số 98 là Bộ luật Lao động năm 2012, Nghị định 05/2015 và Nghị định 95/2013. “Đây là 3 văn bản có những quy định cụ thể cần được sửa đổi, bổ sung nếu Việt Nam gia nhập và thực thi các tiêu chuẩn của Công ước số 98”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, những nội dung cần sửa đổi, bổ sung được chia thành 2 nhóm và đều đã được đưa vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và các Nghị định hướng dẫn sẽ được sửa đổi, bổ sung sau khi Bộ luật Lao động (sửa đổi) được QH xem xét, thông qua.

Đối với những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Lao động hiện hành, Bộ trưởng nêu rõ, quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ còn một vấn đề là bảo đảm tính tự nguyện của thương lượng tập thể là chưa hoàn toàn tương thích với Công ước số 98. Do vậy, tại dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã bổ sung một trong những nguyên tắc quan trọng của thương lượng tập thể là thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện, và bỏ quy định thương lượng tập thể được thực hiện định kỳ một năm một lần.

Việc thương lượng tập thể được tiến hành đột xuất hay định kỳ như thế nào là do các bên quan hệ lao động quyết định trên cơ sở tự nguyện theo đúng tinh thần của Công ước số 98, quy định tại Điều 66, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Và bổ sung các quy định bảo đảm thương lượng tập thể không chỉ được thực hiện ở cấp doanh nghiệp và cấp ngành như quy định hiện hành, mà có thể được thực hiện ở bất kỳ cấp nào như cấp bộ phận doanh nghiệp, cấp vùng, cấp nhóm doanh nghiệp... do chính các bên thương lượng quyết định (Điều 72, Điều 73, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)).

Phương Thủy