Tuyên bố mới của Mỹ về các yêu sách hàng hải ở Biển Đông

Những thay đổi và không đổi

- Thứ Tư, 15/07/2020, 06:18 - Chia sẻ
Ngày 13.7 (giờ Mỹ, tức rạng sáng 14.7 giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố chính thức về "Lập trường của Mỹ về các yêu sách hàng hải ở Biển Đông". Theo đó, lần đầu tiên Mỹ gọi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là "phi pháp" sau thời gian dài sử dụng cụm từ "không phù hợp".

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau lễ kỷ niệm 4 năm ngày Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về các yêu sách hàng hải ở Biển Đông tháng 7.2016. Trong phán quyết đó, Tòa Trọng tài thường trực trụ sở ở La Hay đã đứng về phía Philippines, bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc xung quanh các thực thể ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Ankit Panda, chuyên gia chính sách đối ngoại và biên tập viên của tờ The Diplomat nhận định, tuyên bố đã cho thấy chính sách mới của Mỹ, trong đó giải thích chi tiết hơn về các diễn giải pháp lý của Chính phủ Mỹ về các yêu sách hàng hải thái quá ở Biển Đông, trọng tâm là đẩy lùi các yêu sách của Trung Quốc. Ông Panda cho rằng, tuyên bố chính thức này có một số điểm đáng lưu ý.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ra tuyên bố chính thức về Biển Đông
Nguồn: News18

3 điểm đáng lưu ý

Thứ nhất, động lực thúc đẩy Mỹ đưa ra chính sách này dường như là bởi Trung Quốc đang tăng cường các động thái để bằng mọi cách, đòi tài nguyên ở những vùng biển tranh chấp. Tuyên bố khẳng định: “Chúng tôi muốn thể hiện rõ ràng rằng, các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu như toàn bộ Biển Đông, cũng như hàng loạt chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên này, là hoàn toàn phi pháp”. Đây là lần đầu tiên Mỹ sử dụng cụm từ “phi pháp” sau một thời gian dài sử dụng cụm từ “không phù hợp”.

Đã có những chỉ dấu cho thấy chính sách của Mỹ đang đi theo hướng này. Năm ngoái, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã có nhiều tuyên bố lên án Trung Quốc có hành vi “bắt nạt” khi cho tàu khảo sát tiến hành các hoạt động trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Thứ hai, lập trường của Mỹ về tự do hàng hải và hàng không vẫn không thay đổi. Ở đây, quan điểm của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump là khá tương đồng với quan điểm của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Theo đó, quyền tự do hàng hải được xác định là mối quan tâm cốt lõi của Mỹ ở Biển Đông.

Thứ ba, tuyên bố của Mỹ chỉ rõ rằng Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình lên khu vực và Bắc Kinh đã không đưa ra được cơ sở pháp lý nhất quán nào cho “Yêu sách đường 9 đoạn ở Biển Đông” kể từ khi chính thức công bố nó năm 2009. Để hỗ trợ cho hai khẳng định này, Mỹ viện dẫn phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc với 3 điểm quan trọng như sau:

“CHND Trung Hoa (theo văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ) không thể khẳng định một cách hợp pháp một yêu sách hàng hải - bao gồm bất cứ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào từ Bãi Scarborough và Quần đảo Trường Sa - khi so với Philippines trong các khu vực mà Tòa Trọng tài đã phán quyết là nằm trong EEZ hoặc thềm lục địa của Philippines. Hành động quấy rối của Bắc Kinh đối với các hoạt động đánh bắt cá và phát triển năng lượng ngoài khơi của Philippines trong các khu vực đó, cũng như bất cứ hành động đơn phương nào của CHND Trung Hoa nhằm khai thác các nguồn tài nguyên này, là bất hợp pháp. Theo phán quyết có tính ràng buộc về pháp lý của Tòa Trọng tài, CHND Trung Hoa không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với Đá Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây, cả hai nằm hoàn toàn trong quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines, và Bắc Kinh cũng không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải nào được tạo ra từ những cấu trúc này.

Do Bắc Kinh không thể đưa ra một yêu sách hàng hải hợp pháp, rõ ràng tại Biển Đông, Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của CHND Trung Hoa đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà CHND Trung Hoa đưa ra yêu sách tại Quần đảo Trường Sa (mà không phương hại đến yêu sách chủ quyền của các quốc gia khác đối với các đảo đó). Vì thế, Hoa Kỳ bác bỏ bất kỳ yêu sách hàng hải nào của CHND Trung Hoa đối với các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Cụm bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Bất cứ hành động nào của CHND Trung Hoa nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hay phát triển dầu khí của các quốc gia khác trong những vùng biển này - hay đơn phương thực hiện các hành động đó - đều là bất hợp pháp.

CHND Trung Hoa không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với (hay bắt nguồn từ) Bãi ngầm James, một cấu trúc chìm hoàn toàn cách Malaysia chỉ 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.000 hải lý. Bãi ngầm James thường được nhắc đến trong hoạt động tuyên truyền của CHND Trung Hoa là "lãnh thổ cực nam của Trung Quốc". Luật pháp quốc tế rất rõ ràng: Một cấu trúc dưới nước như Bãi ngầm James không thể được bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền và không thể tạo ra các vùng hàng hải. Bãi ngầm James (nằm cách mặt nước khoảng 20m) không phải và chưa bao giờ là lãnh thổ của CHND Trung Hoa, và Bắc Kinh không thể khẳng định bất cứ quyền hàng hải hợp pháp nào từ đó”.

Trong tuyên bố, phía Mỹ nhấn mạnh phán quyết của Tòa Trọng tài là quyết định cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý đối với các bên liên quan. Mỹ đang điều chỉnh lập trường phù hợp quyết định của Tòa Trọng tài.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Ông Panda cho rằng, việc viện dẫn kết quả của Tòa Trọng tài cho thấy cách xự sự mới của Chính quyền Tổng thống Donald Trump trên trường quốc tế. Một lần nữa Mỹ cho thấy đã sẵn sàng nói lý lẽ với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trước đó, đầu tháng 6 vừa qua, Mỹ cũng đã gửi công thư lên Liên Hợp Quốc, phản đối các yêu sách biển quá đáng của Trung Quốc, trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Và Washington có lý do để hành động như vậy. Trước thực tế là các cuộc bầu cử ở Mỹ đang đến gần, ông Panda hy vọng lập trường mới được làm rõ của Mỹ về Biển Đông sẽ vượt xa cả Chính quyền Donald Trump mà không phải chỉ mang tính nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, chuyên gia của tờ The Diplomat cũng lưu ý, lập trường mới của Mỹ chỉ liên quan đến những quyền về hàng hải, điều đó có nghĩa nó vẫn không bị vượt qua lằn ranh giới đỏ, để nước này tiếp tục duy trì thuyết “bất khả tri” liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Trong tuyên bố của mình, Mỹ hoàn hoàn không đưa ra bất kỳ lập trường nào về việc ai sở hữu cái gì trên Biển Đông những năm qua, và Mỹ sẽ tiếp tục lập trường này những năm tới.

Về phản ứng của Trung Quốc, ông Panda cho rằng, việc hoàn toàn bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 cũng như không tham dự bất kỳ phiên tòa nào đã cho thấy lập trường của họ và họ sẽ nhắc lại lập trường này của mình.

Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, không khó để nhận thấy rằng, bước đi mới nhất của Washington sẽ bổ sung vào danh sách những vấn đề khiến mối quan hệ này ngày càng rạn nứt. Theo ông Panda, tuyên bố của Mỹ có thể mở ra mặt trận mới trong cách Trung Quốc đối phó các hoạt động quân sự của Mỹ đang diễn ra ở Biển Đông. Tuần trước, hai nhóm tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ đã lần đầu tiên tiến hành hoạt động chung ở Biển Đông. Trung Quốc chỉ trích Mỹ về các hoạt động mà nước này gọi là “quân sự hóa” trong khu vực và có thể sẽ trao quyền lớn hơn cho Lực lượng hải cảnh và hải quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) để theo dõi hoạt động của tàu Mỹ. “Chúng ta thậm chí có thể chứng kiến sự trở lại của các hành vi nguy hiểm, và mất an ninh như là một hình thức để gửi đi thông điệp”, ông Panda cảnh báo.

Theo The Diplomat