Họp trực tuyến

Những vướng mắc pháp lý

- Chủ Nhật, 24/05/2020, 07:21 - Chia sẻ
Họp trực tuyến có lẽ là một trong những giải pháp tối ưu nhất đối với cơ quan lập pháp các nước trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành và yêu cầu cách ly xã hội mang tính bắt buộc. Song, không phải quốc gia nào cũng dễ dàng áp dụng biện pháp này, xuất phát từ nhiều lý do mà một trong những rào cản là những quy định cứng trong Nội quy hay Hiến pháp yêu cầu cơ quan lập pháp chỉ được phép họp tập trung.

Họp tập trung - truyền thống của nghị viện

Họp tập trung được coi là một truyền thống của nghị viện. Bản thân chữ parlement trong tiếng latin cũng tiềm ẩn ý nghĩa là một nơi để họp tập trung. Từ parlement cấu thành từ hai yếu tố, tiền tố “parle” có nghĩa nói (thảo luận) và hậu tố “ment” có nghĩa là tòa nhà. “Parlement” do đó chỉ tòa nhà, cơ quan tập trung để thảo luận.

Chính vì vậy, quy trình thủ tục về các phiên họp, kỳ họp của nghị viện các nước thường được quy định cứng. Một số nghị viện quy định trong nội quy, một số quy định trong Hiến pháp.

Chẳng hạn Hiến pháp Australia yêu cầu các nghị sĩ phải “có mặt” tại phiên họp. Việc có mặt được giải thích là “sự có mặt vật lý”. Hiến pháp một số nước như Estonia, Phần Lan, Na Uy cũng có những quy định tương tự.


Thượng viện Argentina áp dụng bỏ phiếu từ xa

Ngoài truyền thống họp tập trung, nghị viện nhiều nước còn quy định về số nghị sĩ tối thiểu có mặt (quorum) để nghị viện có thể nhóm họp theo từng thủ tục cụ thể. Chẳng hạn, Điều 22 và 39 của Hiến pháp Australia quy định về số nghị sĩ tối thiểu để Hạ viện và Thượng viện có thể bắt đầu một phiên họp là 1/3 tổng số nghị sĩ của mỗi viện. Tuy nhiên, Nghị viện có thể thay đổi con số này của mỗi viện thông qua một thủ tục lập pháp thông thường.

Tại Hạ viện, tỷ lệ tối thiểu đã được sửa đổi giảm xuống còn 1/5 tổng số nghị sĩ thông qua Luật Hạ viện năm 1989. Như vậy, với tổng số hạ nghị sĩ là 150 người, số đại biểu tối thiểu cần có mặt để tiến hành phiên họp là 30 người. Luật Thượng viện năm 1991 cũng giảm tỷ lệ này xuống ¼, nghĩa là chỉ cần tối thiểu 19 nghị sĩ có mặt là Thượng viện có thể nhóm họp.

Vào đầu mỗi phiên họp, nếu nhận thấy chưa đủ “quorum”, chuông sẽ rung lên trong vòng 5 phút để báo hiệu cho các nghị sĩ vẫn còn ở đâu đó trong tòa nhà nhanh chóng trở về phòng họp. Một thư ký của phiên họp chịu trách nhiệm đếm số các đại biểu. Nếu quorum vẫn chưa được bảo đảm, cuộc họp sẽ được hoãn đến ngày hôm sau. Trong quá trình họp, nếu bất kỳ nghị sĩ nào nhận thấy tình trạng thiếu quorum ở viện của mình, họ có thể rung chuông trong 5 phút để yêu cầu đợi đủ người. Nếu tỷ lệ này vẫn không được bảo đảm, cuộc họp có thể bị hoãn hoặc hủy bỏ.

Theo quy định của Áo, ít nhất 1/3 (33,3%) tổng số nghị sĩ của Quốc hội phải có mặt tại phiên họp để có thể thông qua một dự luật thông thường. Tỷ lệ này còn được quy định chặt chẽ hơn rất nhiều nếu đó là một dự luật liên quan đến Hiến pháp. Và để dự luật Hiến pháp được thông qua thì phải ít nhất 2/3 tổng số nghị sĩ có mặt tán thành.

Tại Canada, Hiến pháp năm 1867 quy định, quorum cho một phiên họp của Hạ viện tối thiểu là 20 nghị sĩ. Nếu vào đầu một phiên họp, một nghị sĩ yêu cầu đếm cho đủ tỷ lệ nghị sĩ tối thiểu và kết quả cho thấy có ít hơn 20 nghị sĩ có mặt, chuông của phòng họp sẽ rung lên để gọi các đại biểu. Nếu sau 15 phút, số đại biểu vẫn chưa đủ 20 người, cuộc họp sẽ bị hoãn. Để quyết định hoãn có hiệu lực, các thành viên có mặt tại phiên họp lúc đó sẽ ký vào một danh sách và danh sách này sau đó được đăng trên Công báo.

Từ sửa Nội quy đến sửa Hiến pháp

Những quy định trên cho thấy sự nghiêm ngặt về tỷ lệ những nghị sĩ có mặt cũng như quy định cứng về việc phải hiện diện “vật lý” tại phiên họp của Nghị viện Australia. Điều đó đã gây khó khăn rất lớn cho cơ quan lập pháp nước này trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành.

Nghị viện một số nước đã buộc phải sửa nội quy để có thể làm việc từ xa. Chẳng hạn Tây Ban Nha và Brazil mới đây đều đã sửa nội quy để tiến hành họp trực tuyến. Một số nước thông qua các quy định khẩn cấp cho phép áp dụng những hình thức họp bất thường trong các điều kiện bất thường, hoặc nới lỏng các quy định cho phép các ủy ban của nghị viện có thể tiến hành họp ảo, chẳng hạn như Nghị viện Estonia, Israel hay Anh quốc.

Mới đây, cơ quan lập pháp của Brazil đã thông qua một Nghị quyết mới cho phép Quốc hội có thể làm việc từ xa trong giai đoạn khẩn cấp về y tế cộng đồng bằng hình thức hội nghị trực tuyến và các công cụ quản lý ảo. Hệ thống cho phép các nghị sĩ đăng ký tham gia phiên họp và hiển thị tất cả các giai đoạn của quy trình lập pháp bao gồm dự luật đang thảo luận, sửa đổi, kết quả của mỗi vòng bỏ phiếu, bài phát biểu và chương trình nghị sự của các ủy ban. Tuy nhiên, theo Nghị quyết trên, các cuộc họp trực tiếp phải được nối lại ngay khi các điều kiện y tế cho phép.

Trong đợt dịch, Hạ viện Ba Lan đã thông qua việc sửa đổi Quy chế cho phép các nghị sĩ bỏ phiếu từ xa. Quy chế Hạ viện không cho phép thực hiện các phiên họp online, do đó Đoàn Chủ tịch đã thông qua một nghị quyết thay đổi quy chế, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 hoành hành. 3 trạng thái bất thường khác được quy định trong Hiến pháp cũng được thêm vào: Đó là tình trạng thảm họa tự nhiên, thiết quân luật và tình trạng khẩn cấp. Nghị quyết tự động có hiệu lực mà không phải qua cửa Thượng viện và chữ ký phê chuẩn của Tổng thống. Những thay đổi mới giúp những nghị sĩ bị cách ly có thể tham gia thảo luận, đặt câu hỏi, thể hiện quan điểm cá nhân và biểu quyết cùng với những nghị sĩ có mặt tại Hạ viện.

Tuy nhiên, tình hình sẽ phức tạp hơn nếu họp tập trung được quy định trong Hiến pháp. Singapore là một trong những nước đang cân nhắc sửa Hiến pháp để Quốc hội nước này có thể họp từ nhiều nơi, thay vì buộc phải tập trung tại một địa điểm như hiện nay.

Tuần trước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Grace Fu đã trình lên Quốc hội một dự luật sửa đổi liên quan đến vấn đề này. Dự luật nhằm giúp tăng cường khả năng hoạt động của Quốc hội trong những tình huống khẩn cấp. Dự luật trên cũng đưa ra các biện pháp để bảo đảm tính liên tục trong các hoạt động của Quốc hội, theo đó trong trường hợp bất khả kháng, không an toàn hoặc không thiết thực, Quốc hội có thể sẽ họp từ nhiều nơi khác nhau. Hiện Hiến pháp Singapore quy định Quốc hội buộc phải họp tại một nơi duy nhất là nghị trường.

Trong trường hợp được Quốc hội thông qua, luật sẽ có thời hạn áp dụng trong 6 tháng. Khi hết hạn, đạo luật có thể được Quốc hội kích hoạt lại bất kỳ lúc nào nếu thấy cần thiết. Ngoài ra, Quốc hội cũng có thể ra nghị quyết vô hiệu hóa đạo luật này khi không còn cần thiết.

Quỳnh Vũ